Nữ sinh Thượng Hải dọa đâm dao bất cứ ai ngăn cô tắm vào nửa đêm
Chính sách Zero Covid-19 và sự quyết liệt chống dịch của giới chức trách Trung Quốc khiến người dân thành phố Thượng Hải phẫn nộ tột cùng.
Vào cuối tháng 4, vài ngày sau khi cách ly tại ký túc xá ở Thượng Hải, Jenny Zhang thấy hệ thống nước ngừng hoạt động. Cô là sinh viên năm cuối tại một trong những đại học hàng đầu của thành phố.
Các sinh viên cùng tầng với Zhang được thông báo rằng chỉ được sử dụng chung nhà vệ sinh và nhà tắm. Nước uống cũng bị kiểm soát nghiêm ngặt. Cho dù khát đến mức nào, cô cũng chỉ cho phép mình nhấp từng ngụm nước nhỏ từ chai 500 ml.
Những "vết sẹo" khó lành
Zhang đã cố gắng phản ánh về việc giám thị không cấp thêm nước. Tuy nhiên, ý định của cô đã bị những người bạn cùng phòng phản đối. Họ có chai nước lớn hơn và đỡ tuyệt vọng hơn, nói với cô rằng giám thị không có nghĩa vụ phải đối xử đặc biệt với bất kỳ ai.
Sau hai ngày, cô bắt đầu cảm thấy khát quá mức. Thậm chí trong ký túc xá không có nước máy.
Căng thẳng vì cách ly
Những sinh viên cùng tầng với Zhang đã suy sụp vì căng thẳng tột độ. Một sinh viên cho biết cô sẽ mang theo một con dao vào phòng tắm, đe dọa các thành viên trong một nhóm WeChat rằng cô sẽ đâm bất cứ ai cố gắng ngăn cô tắm vào nửa đêm.
Một sinh viên khác đe dọa sẽ đốt cháy tòa nhà. Anh nói rằng đốt phá là cách duy nhất để đưa mọi người ra khỏi ký túc xá.
“Nếu ai đó đốt ký túc xá, chúng tôi có thể mất mạng vì nhà trường không cho phép chúng tôi ra ngoài. Nhưng tôi thậm chí không cảm thấy buồn. Vào thời điểm đó, tôi cũng không muốn sống”, Zhang nói.
Trên khắp Thượng Hải, thủ phủ kinh tế của Trung Quốc, những câu chuyện tương tự đang xuất hiện sau khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài hai tháng chính thức kết thúc. Đây có lẽ là biện pháp kiểm soát hà khắc nhất từng được ghi nhận trong đại dịch, thu hút sự quan tâm trên khắp thế giới về mức độ nghiêm trọng, theo Nikkei Asia.
Trong thời gian phong tỏa, những đứa trẻ có kết quả dương tính với Covid-19 bị cách ly với cha mẹ. Hàng rào được lắp đặt mọi nơi để hạn chế việc đi lại của người dân. Vật nuôi có chủ sở hữu dương tính bị chính quyền đem đi tiêu hủy.
Thậm chí, các nhân viên mặc đồ bảo hộ trắng vào căn hộ của cư dân để phun thuốc khử trùng mà không được đồng ý. Khoảng 200 người đã thiệt mạng nhưng không phải do Covid-19, mà vì thiếu khả năng tiếp cận với bệnh viện.
Dịch bệnh tại Thượng Hải đã được kiểm soát ở mức vừa đủ. Từ ngày 26/2 đến ngày 15/6, thành phố ghi nhận 58.098 ca dương tính và 588 trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19.
Nhưng trong khi lệnh phong tỏa chính thức kết thúc vào ngày 1/6, những vết sẹo tâm lý vẫn chưa lành.
Wang Qing, một nghệ sĩ đến từ Thượng Hải, nói rằng cô vẫn đang bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn, mất ngủ và bắt buộc phải tích trữ thực phẩm.
“Tôi đã hỏi bác sĩ trị liệu đó có phải PTSD hay không, nhưng ông ấy nói với tôi rằng còn quá sớm để kết luận. Chúng tôi vẫn đang phải chịu sự kiểm soát quá chặt chẽ”, cô nói.
Những người có kết quả xét nghiệm dương tính bị buộc phải chuyển đến các bệnh viện dã chiến do thành phố điều hành. Khi lệnh phong tỏa kết thúc, người dân vẫn sợ hãi khi nghe tiếng gõ cửa.
“Tôi đã trở nên khá nhạy cảm sau khi bị cách ly trong một cơ sở. Tôi sợ tiếng gõ cửa, không dám đọc tin tức trên Internet. Đôi khi tôi không thể nói chuyện với chính mình, tin nhắn của tôi cũng đầy lỗi chính tả”, Xia, một sinh viên đại học từ Thượng Hải, cho biết.
Cơn bão Covid-19
Trước khi dịch bệnh bùng phát, chính quyền Thượng Hải rất tự hào về chiến lược phòng chống dịch bệnh của mình. Thành phố này là biểu tượng cho cách tiếp cận “Zero Covid-19".
Chiến lược Zero Covid-19 dường như có hiệu quả đối với biến chủng Delta. Số ca nhiễm và tỷ lệ tử vong được báo cáo của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới. Trong hai năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này thuộc hàng cao nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Từ khi virus được phát hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán cho đến trước khi đợt dịch tồi tệ nhất bắt đầu vào tháng 3 năm nay, Thượng Hải chỉ ghi nhận 392 trường hợp dương tính và 7 ca tử vong. Nhưng biến chủng Omicron có khả năng truyền nhiễm nhanh hơn nhiều so với biến chủng Delta.
Đặng Duật Văn, cựu biên tập viên của tờ Học tập Thời báo thuộc Trường Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận định khi biến chủng Omicron xuất hiện, chính sách Zero Covid-19 đã bị thách thức.
“Ưu tiên của Trung Quốc là có ít ca tử vong hơn. Nếu dịch bệnh dẫn đến nhiều ca tử vong ở Trung Quốc, giới chức trách có thể phải đối mặt với nhiều chỉ trích”, ông Đặng nói.
Ông Đặng cho rằng Bắc Kinh "quá tự hào về thành tựu chống biến chủng Delta và nghĩ rằng nó thể hiện sự vượt trội của hệ thống Trung Quốc so với Mỹ. Vì vậy, họ đang nỗ lực để tuân thủ chính sách Zero Covid-19 của mình".
Tuy nhiên, vào ngày 2/3, một ổ dịch mới xuất hiện tại thị trấn Mai Long, cách trung tâm thành phố Thượng Hải 20 km. Đó là sự khởi đầu của một giai đoạn làm việc căng thẳng đối với các nhân viên y tế.
Các chốt xét nghiệm nhanh được dựng lên ở những nơi đông người. Ngay cả các tài xế giao hàng đi qua cũng phải xét nghiệm.
Khi số lượng xét nghiệm tăng vọt, nhân lực cạn kiệt và các tiêu chuẩn an toàn bị ảnh hưởng. Những yêu cầu về vaccine đối với nhân viên y tế lặng lẽ bị loại bỏ. Nhiều người đã nhiễm bệnh trong quá trình xét nghiệm hàng loạt.
Tháo chạy khỏi Thượng Hải
Ban đầu, hơn 25 triệu cư dân Thượng Hải được yêu cầu ở nhà tối đa 8 ngày. Nhưng khi số ca nhiễm không giảm, giới chức trách đã gia hạn lệnh cách ly. Nhiều người bị đưa đến các trung tâm cách ly tạm thời ngay cả khi có kết quả âm tính.
Các hộ gia đình sớm phải đối mặt với vấn đề thực phẩm. Gần như tất cả các doanh nghiệp, từ siêu thị đến sàn giao dịch trực tuyến và các dịch vụ giao hàng, đều phải ngừng hoạt động.
Khi số ca dương tính tăng lên, các sinh viên bắt đầu phải chịu tác động của lệnh phong tỏa. Zhang nghe từ bạn bè rằng họ đã phải ở trong ký túc hơn một tuần mà không được phép tắm. Cô may mắn vẫn có thể đi lại tự do và tắm trong phòng tắm công cộng.
Tuy nhiên, đến ngày 22/4, cô được lệnh trở về ký túc xá ngay lập tức vì có một sinh viên dương tính với Covid-19.
“Chúng tôi thực sự bị sốc. Không ai trong chúng tôi được phép ra ngoài trong vài tuần qua. Virus đến từ đâu?”, cô nói.
Zhang bắt đầu cân nhắc rời Thượng Hải khi cô cảm thấy ngày càng bị tổn thương. Mua vé tàu rất dễ dàng, nhưng rời đi thì không. Để lên tàu, cô phải nộp đơn lên trường cùng với bản sao vé tàu. Cô cũng phải trình một lá thư của chính quyền địa phương xác nhận cô được phép về nhà.
Hơn nữa, cô phải trình một bản sao giấy chứng nhận đi đường do chính phủ cấp cho chiếc taxi cô dự định đi. Đây là một việc rất khó khăn.
Sau quá trình vất vả với vấn đề giấy tờ, Zhang đã được trở về quê vào giữa tháng 5. Đêm trước khi khởi hành, cô bị căng thẳng. Cô nghe rằng những chiếc xe không hành khách mới được đi ra đường, ngay cả khi người lái xe có giấy thông hành.
Trên nhóm WeChat của cô, các sinh viên kể rất nhiều về khó khăn khi cố gắng về quê. Tuy nhiên, việc đi lại của Zhang suôn sẻ một cách đáng ngạc nhiên.
Ảnh hưởng chuỗi cung ứng
Thượng Hải và các khu vực lân cận là chìa khóa trong chuỗi cung ứng công nghệ của thế giới. Thành phố có nhà máy Tesla Gigafactory và đã phát triển thành một hệ sinh thái, phục vụ hàng loạt gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Dell và HP.
“Chuỗi cung ứng rõ ràng bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa. Các biện pháp ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của người dân, do đó ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng”, Jensen Huang, CEO của Nvidia, nói.
Vị thế trung tâm chuỗi cung ứng của Trung Quốc đang bị thách thức nghiêm trọng bởi chính sách Zero Covid-19. Việc quản lý và phúc lợi của hàng nghìn công nhân trở thành một thách thức rất lớn đối với nhiều nhà cung cấp.
“Khởi động lại sản xuất không phải ưu tiên. Chúng tôi phải quan tâm đến tâm lý của nhân viên. Chúng tôi phải chăm sóc họ. Điểm mấu chốt là không thể có ai mất mạng vì áp lực”, Tony Tseng, Giám đốc một nhà cung cấp của Apple, cho biết.
Duy trì nguồn cung cấp thực phẩm cho hàng chục nghìn người là một vấn đề đau đầu khác. Công ty của Tseng có trung bình 300 công nhân nghỉ việc mỗi ngày kể từ khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
“Các công nhân phải ngủ trên sàn nhà máy. Đó thực sự không phải là điều người bình thường chịu được”, giám đốc một nhà cung cấp khác của Apple nói.
Chính sách Zero Covid-19 trở thành mục tiêu của sự tức giận chưa từng có của công chúng. Người dân đã đập chảo và la hét từ cửa sổ để phản đối việc phân bổ thực phẩm không đầy đủ.
Nhiều quan chức cấp thấp đã bị miễn nhiệm, trong khi những người đưa ra những quyết định quan trọng lại có thể tránh khỏi sự chỉ trích. Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố, khoảng 50 quan chức cấp quận và huyện đã bị miễn nhiệm. Thậm chí, 5 quan chức tại quận Phổ Đà đã bị sa thải khi một người còn sống bị đưa đến nhà tang lễ.
Vào ngày 9/4, một phó thị trưởng đã thừa nhận những hạn chế của chính phủ nhưng tránh đổ lỗi cho chính sách không khoan nhượng.
“Chúng tôi đã làm rất nhiều thứ nhưng chưa đủ, chưa đạt được kỳ vọng của mọi người. Chúng tôi sẽ cố gắng để cải thiện”, Tông Minh, phó thị trưởng Thượng Hải, nói.