Nữ sinh tới từ 'trường làng' tốt nghiệp sớm Trường Đại học Ngoại thương, đạt GPA 3.96
Tại lễ trao bằng tốt nghiệp Đợt 1 năm 2023 của Trường Đại học Ngoại thương hôm 2.4, Em Phạm Thị Thanh Tâm, lớp Anh 6 - Kinh tế Đối ngoại K58 là một trong 20 sinh viên tiêu biểu được Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương trao tặng Giấy khen.
Từng là Thủ khoa đầu ra của Trường THPT Xuân Trường C
Tâm đạt điểm GPA 3.96/4.0 cùng nhiều thành tích xuất sắc khác, tốt nghiệp sớm hơn 1 kỳ so với chương trình đào tạo chuẩn của toàn khóa.
Năm 2019, Thanh Tâm là Thủ khoa đầu ra của Trường THPT Xuân Trường C (huyện Xuân Trường, Nam Định), trúng tuyển ngành Kinh tế Đối ngoại của Trường Đại học Ngoại Thương với 27.35 điểm. Dù là Thủ khoa ở địa phương, nhưng khi vào học đại học, em không tránh khỏi sự tự ti, lo lắng khi xung quanh có quá nhiều bạn giỏi.
“Điểm đầu vào của em ở Trường Đại học Ngoại thương không phải là quá cao, có nhiều bạn đạt điểm cao hơn. Xung quanh em toàn là thủ khoa toàn quốc các khối và các bạn học trường chuyên, đều rất tài năng. Xuất phát điểm từ một học sinh trường làng nên em rất lo lắng, áp lực khi học cùng các bạn”, Tâm chia sẻ.
“Xuất phát điểm không bằng người khác nên mình phải cố gắng thật nhiều”, Thanh Tâm tự nhủ như vậy và tập trung tối đa cho việc học. Kết quả ngoài mong đợi khi ngay trong kỳ học đầu tiên, em đạt điểm A tất cả các môn và giành được học bổng khuyến khích học tập. Cũng trong năm học đầu tiên, Tâm giành giải Nhì cuộc thi Olympic Toán cấp trường.
“Em rút ra bài học là không nên so sánh bản thân với người khác. Càng áp lực, càng so sánh sẽ càng thấy rối. Thay vào đó, chỉ cần nỗ lực, tập trung vào mục tiêu của mình sẽ đạt được kết quả tốt”, Tâm nói.
Không cố gắng “nhồi nhét” thêm kiến thức
Bí quyết học của Thanh Tâm là trước khi đến lớp, em sẽ tìm hiểu, đọc các giáo trình hoặc xin slide bài giảng của các anh chị khóa trước để đọc trước nội dung bài. Trong giờ học, em thường ngồi các vị trí bàn đầu và tập trung lắng nghe thầy cô giảng. Em cũng sẽ ghi lại những từ keyword trong lời giảng một cách ngắn gọn, ghi chép những ví dụ thầy cô đưa ra, khi đọc lại có thể dễ dàng nhớ được kiến thức.
Để tốt nghiệp sớm, Tâm cần học 8 - 10 môn mỗi học kỳ, nhiều hơn 2 - 3 môn so với tiến độ chuẩn. Quá trình ôn thi vì vậy cũng vất vả hơn khi phải ôn tập nhiều môn cùng lúc.
Tâm chia sẻ, em thường lên kế hoạch ôn tập trước khoảng 1 - 2 tuần để chuẩn bị cho kỳ thi. Nữ sinh hay sử dụng sơ đồ tư duy hệ thống kiến thức, ghi nhớ ý chính từng bài. Em cũng cùng bạn bè lập một nhóm chat, thường xuyên trao đổi bài vở, giúp đỡ nhau ôn tập tốt nhất.
Đối mặt với stress, Tâm không cố gắng “nhồi nhét” thêm kiến thức mà thường rủ bạn bè đi dạo, đi uống cafe hoặc tâm sự với bố mẹ, đến khi bình tĩnh hơn mới tiếp tục việc học.
Thanh Tâm có một kinh nghiệm “để đời” trong quá trình ôn thi, cũng là điều em rất nuối tiếc. Tâm thường thích ôn bài buổi đêm do không gian yên tĩnh, có thể tập trung hoàn toàn vào bài vở, giúp việc học trở nên năng suất hơn. Có lần ôn thi cùng lúc 2 môn là Nguyên lý kế toán và Nguyên lý quản lý kinh tế, vì quá mải học nên em thức tới 3 - 4h sáng, trong khi 7h sáng phải có mặt ở phòng thi.
Điều này dẫn đến khi vào thi, em không thể tỉnh táo, làm bài không hiệu quả. Kết quả là cả hai môn này đều đạt điểm B, cũng là hai môn học duy nhất không đạt điểm A trong 3,5 năm học của Thanh Tâm.
“Hai môn này thực tế đều không khó, nhưng vì không thể tập trung trong lúc làm bài thi nên em đã không đạt được kết quả tốt nhất. Sau lần đó, em rút ra kinh nghiệm là không thức đêm trước khi thi, phải luôn chú ý tới sức khỏe dù mải ôn bài tới đâu”, Tâm nói.
Yêu thích nghiên cứu khoa học
Sau thời gian học, Thanh Tâm thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện như vận động hiến máu “Trung thu cho em”, vận động quyên góp giấy để đổi lấy cây xanh “Green Exchange”. Em cho rằng, tham gia hoạt động ngoại khóa nếu biết sắp xếp thời gian hợp lý, không những không ảnh hưởng tới việc học mà còn đem đến cho em rất nhiều điều như thêm những người bạn mới, được rèn luyện các kỹ năng mềm: kỹ năng thuyết phục, kỹ năng đàm phán,…
Nghiên cứu khoa học cũng là một trong những hoạt động Thanh Tâm yêu thích. Em là trưởng nhóm đề tài đạt giải Nhất cấp viện và cấp trường cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2021-2022; đồng tác giả bài báo đăng trên Tạp chí Công thương tháng 4 năm 2022; lọt vào vòng Bán kết giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka 2022.
Đặc biệt, năm 2022, đề tài “Những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia của lực lượng tài xế công nghệ trong dịch vụ crowd logistics tại Hà Nội” do Thanh Tâm là trưởng nhóm nghiên cứu cũng đạt giải Khuyến khích cấp Bộ, giải thưởng Khoa học Công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học.
Lý do thực hiện đề tài của Tâm và nhóm bạn đến từ việc nhìn nhận trong đại dịch Covid-19, những tài xế công nghệ gặp khá nhiều khó khăn, cần giải pháp giúp đỡ từ doanh nghiệp. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã khảo sát, trò chuyện trực tiếp với rất nhiều nam, nữ tài xế để hiểu hơn về cuộc sống, công việc của họ.
Việc tham gia nghiên cứu khoa học mang đến cho Tâm tư duy logic, giải quyết vấn đề cũng như những kinh nghiệm quý giá trong việc sắp xếp tài liệu, công việc.
Trở thành "tay săn" học bổng
Tại Trường Đại học Ngoại thương, Thanh Tâm là một trong những “tay săn” học bổng khi đạt học bổng khuyến khích học tập cả 6/6 kỳ học. Em cũng giành thêm nhiều học bổng khác của doanh nghiệp như học bổng TOTO năm 2020, học bổng ACECOOK năm 2020, học bổng LOTTE năm 2021 và 2022, giải thưởng HONDA AWARD năm 2021.
Theo nữ sinh, thông thường, các học bổng đều yêu cầu ứng viên có điểm học tập cao. Ngoài ra, mỗi học bổng sẽ có thêm các yêu cầu khác như các hoạt động ngoại khóa, viết luận,…
Với số học bổng khá lớn, Thanh Tâm có thể tự lo tiền học phí mà không cần xin hỗ trợ từ gia đình. Tâm cũng có nguồn tài chính dư ra để đăng ký các khóa học kỹ năng mềm, ngoại ngữ cho bản thân và các em, phụ giúp bố mẹ.