Nữ sinh TP.HCM bất ngờ khi đạt 9,5 điểm môn Văn thi tốt nghiệp THPT
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, cả nước không có điểm 10 môn Văn. Tại TP.HCM, 9,5 là số điểm cao nhất mà các em đạt được.
Phạm Ngọc Quỳnh Như, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân và Hồ Hoài Nam, học sinh Trường THPT Võ Trường Toản là 2 trong nhiều thí sinh đạt được điểm số trên.

Hai nữ sinh đạt 9,5 điểm môn Văn thi tốt nghiệp tại TP.HCM. Ảnh: NVCC
Bật khóc khi biết điểm Văn
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, ngoài 2 môn bắt buộc, Hoài Nam dự thi tiếng Anh và Vật lý.
“Tiếng Anh là môn sở trường nhưng không ngờ điểm Văn của em lại cao như vậy, em không khỏi bất ngờ" - Hoài Nam nói.
Hôm qua, khi tra cứu điểm, Hoài Nam phải đeo kính để nhìn lại cho kỹ vì không tin vào mắt mình. “Em bật khóc khi thấy con số 9,5 điểm môn Văn. Đây là điểm số cao nhất đối với môn này trong suốt 12 năm học của em" - Hoài Nam bộc bạch.

Hồ Hoài Nam, học sinh Trường THPT Võ Trường Toản đạt 9,5 điểm môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: NVCC
20 ngày trước kỳ thi, Hoài Nam tập trung dành thời gian ôn tập môn Văn. "Em chú trọng vào kỹ năng làm bài, rèn cấu trúc và luyện viết văn” - Hoài Nam nói.
Theo Hoài Nam, đề Văn thi tốt nghiệp THPT mở, đặt ra vấn đề sáp nhập tỉnh và tình yêu quê hương – một chủ đề gắn liền với đời sống.
“Đề Văn hay, khi nhìn thấy đề em đã muốn viết, đặc biệt là câu nghị luận xã hội. Thời điểm này, đất nước đang thực hiện sáp nhập tỉnh, có những tỉnh vẫn giữ nguyên, có địa phương phải hợp nhất. Đây là cơ hội để em nêu lên quan điểm, góc nhìn của mình về vấn đề quan trọng của đất nước” - Hoài Nam chia sẻ.
Trong quá trình làm bài, Hoài Nam cũng phân bổ thời gian sao cho hợp lý. Em dành 15–20 phút cho phần đọc hiểu, 20–25 phút cho phần nghị luận đoạn văn và hơn 70 phút cho bài nghị luận xã hội.
Phần đọc hiểu, câu 1, 2 dễ giải quyết cần trả lời ngắn gọn, còn từ câu 3,4 và 5 thuộc mức độ vận dụng phải có phương pháp. Vấn đề này em đã luyện tập nhiều.
Câu nghị luận văn học dù chỉ chiếm 2 điểm nhưng khó vì chỉ viết trong 200 chữ. Do đó, em phải cân nhắc viết 2/3 trang, đảm bảo yếu tố mở đoạn, thân đoạn kết đoạn và có những luận điểm chính.
““Em không dùng văn phong quá hoa mỹ mà tập trung viết đúng trọng tâm, có cảm xúc và dẫn chứng cụ thể” - Hoài Nam nêu. Đặc biệt, trong phần viết đoạn văn em có thêm lý luận văn học ở câu đầu và câu cuối.
Với câu nghị luận xã hội, ban đầu Hoài Nam băn khoăn không biết có nên viết quá nhiều về vấn đề sáp nhập tỉnh. Đây là vấn đề thời sự, tuy nhiên nếu một bài văn chỉ đề cập đến nội dung trên thì hơi hạn chế. Do đó, em đã chọn viết về sáp nhập tỉnh, tình đoàn kết và phê phán phân biệt vùng miền.
Phần mở bài, em trích dẫn khá nhiều câu nói của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, ở phần kết bài, em có dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm: “Chúng ta không thể viết lại lịch sử, nhưng chúng ta có thể hoạch định lại tương lai. Quá khứ là để ghi nhớ, để tri ân và để rút ra bài học. Tương lai là để cùng nhau xây dựng kiến tạo và phát triển. Đó là lời hứa danh dự của thế hệ hôm nay với những người đã ngã xuống, là tâm nguyện chung của một dân tộc từng trải qua nhiều đau thương nhưng chưa bao giờ khuất phục”.
“Câu nói này thiết thực, không hoa mỹ như văn mẫu nhưng rất thời sự, có thể chạm vào suy nghĩ của người đọc" - Hoài Nam chia sẻ thêm.
Theo Nam, chương trình Ngữ văn mới đòi hỏi học sinh tư duy độc lập và có cái nhìn đa chiều. Học sinh phải nắm vững phương pháp làm bài, nắm chắc các bước để làm nghị luận xã hội, nghị luận văn học, không chỉ thuộc tác phẩm mà còn phải bám sát thời sự.
Ngoài giờ học trên lớp, Hoài Nam thường xuyên đọc sách, sưu tầm các câu văn hay, ghi ra giấy dán quanh phòng học. Em cũng luyện viết đoạn văn mỗi ngày để nâng cao kỹ năng và rèn phản xạ tư duy.
Hoài Nam dự định xét tuyển nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Ngoại thương, nguyện vọng 2 vào Đại học Kinh tế TP.HCM.
Em chỉ mong được 9 điểm!

Phạm Ngọc Quỳnh Như dự định xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại Thương TP.HCM. Ảnh: NVCC
Ngoài Văn, Toán, Phạm Ngọc Quỳnh Như chọn tiếng Anh và Địa lý là 2 môn tự chọn.
Quỳnh Như là học sinh chuyên văn của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân.
Điều khiến Như ấn tượng nhất trong đề thi là câu nghị luận xã hội về “Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời tổ quốc”. Câu hỏi không quá gò bó thí sinh vào một chủ đề, mà nó là chủ đề rộng về đất nước và có thể chọn nhiều hướng để triển khai.
“Lúc đọc đề em khá hoang mang, không biết triển khai ra sao. Tuy nhiên, bình tĩnh, đọc kỹ phần đọc hiểu, vận dụng hết kiến thức, em cũng tìm được hướng đi cho mình. Đề rất hay” - Như đánh giá.
Khi nhận đề Văn, Như đọc hết các câu để hình dung cấu trúc đề. Phần đọc hiểu, em không đặt nặng việc phải hoàn thành bài thi trong bao nhiêu phút vì đây là phần không được để mất điểm. Em làm phần này tới mặt thứ 3 của tờ giấy thi nhiều người khuyên chỉ nên viết ngắn. “Em nghĩ miễn là ý rõ ràng, đúng hướng thì không cần lo ngại về độ dài. Cứ viết hết những gì mình thấy đúng và có lập luận rõ" - Như giải thích.
Phần nghị luận văn học, cô giáo dạy Văn luôn dặn: Người ta cho nghệ thuật, cho nội dung thì phải kết lại bằng nghệ thuật. Vì thế, em luôn có định hướng trước khi viết, bản thân còn chuẩn bị sẵn một số đoạn văn, khi vào phòng thi chỉ cần chỉnh sửa lại cho phù hợp.
Còn phần nghị luận xã hội, em làm rất tốt vì có nắm vấn đề thời sự.
Như nhớ lại, trước ngày thi, em có lướt tiktok và thấy một câu nói rất hay của một thí sinh dự thi hoa hậu: “Dù ở quê hay thành thị thì mình vẫn là người con Việt Nam.... Do đó, em đã áp dụng vào bài thi. Ngoài ra, em còn viết dù xuất thân ở đâu cũng phải chung tay cho công cuộc bảo vệ tổ quốc, giữ vững nền văn hóa vùng quê của mình, dùng nó để củng cố, làm giàu đẹp hơn nền văn hóa dân tộc" - Như chia sẻ.
"Đề Văn hiện nay không còn học tủ, mà theo chủ đề, thể loại” – Như nhận định. Do đó, Như luyện tập rất nhiều, không chỉ từ sách giáo khoa mà còn mở rộng kiến thức xã hội. Việc luyện tập đến từ sự động viên, chỉ dẫn của cô Huy Lam - giáo viên dạy văn, từ những kỳ thi học sinh giỏi.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, Như cho rằng bản thân luôn không lẻ loi, bất cứ khi nào muốn gục ngã, muốn bỏ cuộc, nhìn lại sau lưng vẫn còn ba mẹ, thầy cô và bạn bè động viên. "Năm học 12 với em đã trôi qua đầy huy hoàng. Lời cuối con xin chân thành cảm ơn cô Huy Lam, cô Thu Phương và cô Huế đã luôn ở cạnh con trong suốt năm lớp 12 này. Con mong rằng thành công nho nhỏ này của con sẽ khiến mọi người tự hào và tin tưởng Quỳnh Như sẽ ngày càng trưởng thành” - Như xúc động nói.
Khi được hỏi về nguyện vọng, Như cho biết đang chờ kết quả tuyển sinh riêng từ ngành Sư phạm, bên cạnh xét tuyển bằng tổ hợp Toán – Văn – Anh.
"Hoài Nam là học sinh chăm chỉ, có tư duy tốt, nhưng điều làm tôi xúc động là em vận dụng chính những kiến thức mở rộng và dẫn chứng cô đưa ra trên lớp để viết bài, không học thuộc lòng, không rập khuôn. Đó mới là thành công thực sự" - Cô LÊ THỊ HƯƠNG, giáo viên Trường THPT Võ Trường Toản