Nữ sinh Tuyên Quang ẩu đả, nhiều người cổ vũ: Hỏi trách nhiệm nhà trường?
Hai nữ sinh Tuyên Quang ẩu đả trước cổng trường trước sự chứng kiến, cổ vũ của hàng trăm người khiến dư luận bức xúc và đặt câu hỏi về trách nhiệm của trường THCS Đội Cấn?
Khoảng 11h ngày 13/6, tại khu vực cổng trường THCS Đội Cấn (phường Đội Cấn, TP Tuyên Quang) đã xảy ra vụ ẩu đả giữa nữ sinh B.T.H (SN 2005, trú tại phường Đội Cấn) và nữ sinh P.T.H (SN 2006, trú tại phường Đội Cấn). Sau khi xác định, cả hai đều là học sinh trường THCS Đội Cấn. Tại thời điểm xảy ra ẩu đả, hàng trăm học sinh đứng xem và cổ vũ.
Dư luận rất phẫn nộ và đặt ra câu hỏi, trách nhiệm của trường THCS Đội Cấn với vụ ẩu đả của học sinh ở đâu, nhất là khi sự việc xảy ra trước cổng trường?
Trao đổi cùng Kiến Thức, luật sư Nguyễn Hồng Giang, Trưởng Văn phòng Luật sư Vũ Lợi, Đoàn luật sư Hà Nội cho hay, trẻ em từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi là đang ở độ tuổi dậy thì, ương bướng, khó dạy bảo. Các em ở độ tuổi này và độ tuổi vị thành niên (đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi), có nhân sinh quan chưa trưởng thành, nhận thức các vấn đề xã hội còn rất nhiều hạn chế.
Ở môi trường nào, các em cũng dễ bị ảnh hưởng do môi trường đó tác động trực tiếp. Do vậy gia đình và nhà trường cần phối kết hợp chặt chẽ để quản lý, giáo dục các em một cách tốt hơn.
Để xảy ra việc đánh nhau trước cổng trường như trên là trách nhiệm của nhiều bên, trong đó bao gồm nhà trường, cụ thể là trách nhiệm của trường THCS Đội Cấn và gia đình.
Đối với nhà trường, chịu trách nhiệm quản lý, giáo dục học sinh trong thời gian học. Thời điểm xảy ra vụ việc là 11h trưa, vậy lúc đó các em đã tan học chưa? Tan lâu chưa? Vì sao không có thầy cô hay bảo vệ vào can ngăn để dẫn đến các em đánh nhau và nhiều học sinh theo dõi, quay video lại? Trả lời các câu hỏi này sẽ thấy rõ trách nhiệm của Ban giám hiệu nhà trường, thầy cô trong trường cũng như bảo vệ trường.
“Nếu còn trong thời gian học nhưng các em trốn học ra đánh nhau thì nhà trường sẽ có một phần trách nhiệm. Trách nhiệm của nhà trường trước khi vụ việc này xảy ra là cách giáo dục, dạy dỗ các em không vi phạm đạo đức xã hội trong thời gian học tập tại trường và cho tương lai sau này. Với sự việc trên, cần làm rõ trách nhiệm của nhà trường, ban giám hiệu để việc quản lý học sinh được tốt hơn” – luật sư Nguyễn Hồng Giang nhấn mạnh.
Đối với gia đình, cần nắm bắt tính tình của con em mình để dạy dỗ, kèm cặp, dìu dắt, quản lý con cái một cách khoa học, hợp lý ... nhằm tránh cho con cái vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật.