Nữ tác gia đấu tranh vì ngôn ngữ giới tính

Ngôn ngữ chúng ta sử dụng cực kỳ quan trọng, nhất là khi nói đến giới tính, vì nó liên quan đến yếu tố thể chất và tâm lý, khiến việc lựa chọn từ ngữ để thể hiện được cân nhắc hơn.

Camille Aumont Carnel, một nhà văn đấu tranh cho quyền bình đẳng, đã phát hành cuốn sách thứ 2 của mình, có tựa đề Les mots du Q (Words of Q - chữ cái phát âm giống từ “cul” trong tiếng Pháp, có nghĩa là mông và ám chỉ mọi thứ liên quan đến tình dục).

Với cuốn sách này, nữ tác gia 26 tuổi gốc Nigeria đặt mục tiêu mổ xẻ những biểu hiện bất thường xung quanh vấn đề tình dục và chống lại cái mà cô gọi là “bạo lực ngôn ngữ” trong tiếng Pháp. Cô tin rằng những thành kiến về ngôn ngữ trong tiếng Pháp, như khái niệm nam tính chiếm ưu thế hơn - mà trẻ em gặp phải ngay từ khi còn nhỏ, đã làm phát sinh nhiều hình thức bạo lực khác nhau.

Carnel tự đảm nhận nhiệm vụ mổ xẻ những biểu hiện bất thường đó và đề xuất các thuật ngữ mới để tạo ra một cuộc đối thoại thoải mái, toàn diện hơn về tình dục. Thay vì nói “không thèm quan tâm”, cô gợi ý sử dụng cụm từ “đừng để ý đến chuyện đó”. Cô hy vọng trong số hàng trăm cách thể hiện mình đề xuất, dù chỉ một từ được xã hội chấp nhận, cũng đã thành công.

Trang Instagram của cô, @jemenbatsleclito, ra đời cách đây 5 năm vì “sự thúc đẩy nội tại” nhằm thách thức tư duy lối mòn, vừa đóng vai trò như một cuốn nhật ký cá nhân, vừa là nơi thảo luận về tình dục. Trang hiện có khoảng 678.000 người theo dõi. Với những bài đăng nhận được hàng chục ngàn lượt thích, Carnel thẳng thắn chia sẻ trải nghiệm của mình một cách hài hước và trung thực.

Tốt nghiệp chương trình ẩm thực danh giá tại Trường Ferrandi, cựu đầu bếp tập sự này cũng tận dụng nền tảng của mình để lên án nạn phân biệt giới tính trong thế giới ẩm thực. Thông qua @jedisnonchef, một tài khoản Instagram khác của mình, Carnel chia sẻ câu chuyện về các nạn nhân trong một ngành mà theo cô, cho phép “có nhiều chỗ cho bạo lực, quấy rối và lạm dụng tình dục”.

Được coi là biểu tượng nữ quyền đương đại, câu chuyện thành công đã đưa cô vào danh sách 30 cá nhân dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất ở Pháp năm 2022 của Tạp chí Forbes.

Carnel cho biết, nhờ sự hỗ trợ của cha mẹ, cô đã có được sự tự tin để thể hiện chính con người mình - khi nhắc đến cha mẹ nuôi người Pháp gốc Lebanon đã mở rộng vòng tay đón cô khi cô mới 2 tháng tuổi ở Niger.

Hiện Carmel quản lý 4 tài khoản Instagram thành công, sản xuất nội dung nghe nhìn và viết 2 cuốn sách (trong đó có #Adosexo, cẩm nang giáo dục giới tính dành cho thanh thiếu niên do Albin Michel xuất bản và được đánh giá cao). Có một điều chắc chắn, Carnel sẽ không lùi bước trong việc chiếm lĩnh không gian ngôn ngữ.

Cô khẳng định: “Chúng ta phải đấu tranh chống lại rất nhiều định kiến mà người ta cố áp đặt, như sống khép kín, không ồn ào, không phóng khoáng. Nhưng tôi không muốn như họ, bởi vì trong một xã hội mà mọi thứ đều xoay quanh sức mạnh và sự thống trị, bạn phải nổi bật”.

LAM ĐIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nu-tac-gia-dau-tranh-vi-ngon-ngu-gioi-tinh-post711841.html