Nữ tân binh đầu tiên ra giữ đảo Lý Sơn sau ngày giải phóng
Ngày 31/3/1975, đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) được giải phóng, ngay sau đó, lực lượng bộ đội chủ lực và Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) tiến ra tiếp quản đảo. Trong số những người lính đầu tiên đặt chân lên đảo tiền tiêu, có 5 nữ tân binh tuổi đời mười tám, đôi mươi căng tràn sức sống.
Lý Sơn những ngày đầu giải phóng
Tháng 4/1975, một chiếc tàu vỏ gỗ chở theo ba lô, giường, lương thực, súng, khoảng 40 người lính rời cảng Sa Kỳ và hướng ra đảo Lý Sơn. Bình nhì Đoàn Thị Điểu, 17 tuổi - chiến sĩ trẻ nhất trong đội quân ra tiếp quản đảo háo hức khi lần đầu trải nghiệm âm thanh ầm ào của sóng biển và tiếng động cơ gầm gào của tàu mỗi lần chồm lên con sóng. Phần lớn những người lính lần đầu tiên xuống tàu đi biển, nên ai cũng mệt lử. 5 nữ quân nhân ôm chặt nhau khi lần đầu tiên nếm mùi say sóng.
Trước ngày lên đường, các chiến sĩ đã được thủ trưởng đơn vị Đại đội 1, Tiểu đoàn pháo binh 107 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi) quán triệt: “Ra đảo là để phòng thủ và chiến đấu, vì quân ta đang tiến vô giải phóng Sài Gòn thì có thể địch sẽ đánh úp, tái chiếm các đảo ven bờ để làm bàn đạp, ra đảo phải xác định là nhận nhiệm vụ chiến đấu”.
Gần 48 năm đã trôi qua nhưng cựu chiến binh Đoàn Thị Điểu vẫn nhớ như in tinh thần quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ lúc đó. Ai cũng nghĩ cuộc chiến trên đảo sẽ ác liệt như đã từng diễn ra trên đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, nơi bom đạn cày nát cả hòn đảo.
Sau ngày giải phóng, Lý Sơn là một hoang đảo, nhưng đẹp và thanh bình, bao quanh đảo là những rìa cát trắng muốt, phía trong bờ cát là những rừng dừa cao vút nằm men theo những ruộng trồng hành, tỏi. Tàu ra đảo và những người lính được người dân hỗ trợ, sử dụng thúng chèo để chuyển vũ khí, quân tư trang và lương thực vào bờ.
Các chiến sĩ dần phải làm quen với sinh hoạt không có điện, nước ngọt phải vét từng xô, chắt chiu sử dụng và luôn vất vả để giao tiếp với người dân đảo, vì tiếng bản địa Lý Sơn rất khó nghe. Trên đảo hầu như không có phương tiện cơ giới. Từ đảo vào đất liền chỉ 18 hải lý, nhưng do phương tiện vận tải hạn chế, nên đảo trở nên xa ngái với đất liền. Vào mùa biển động, mọi thứ càng trở nên xa cách.
Những đêm đầu tiên trên đảo, mỗi khi tiếng kẻng vang lên, mọi người vội vã ôm súng, gom toàn bộ quân tư trang, lương khô, bỏ vào ba lô để ra vị trí hầm hào. “Hồi mới giải phóng, tình hình rất căng thẳng, nên ai cũng trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu bất luận là báo động huấn luyện, hay báo động có xâm nhập lên đảo” - cựu chiến binh ĐoànThị Điểu nhớ lại.
Chiến hào lòng dân
Rất nhiều người lính ra đảo Lý Sơn năm đó đang là học sinh của Trường Phổ thông trung học Trần Quốc Tuấn, nhưng nghe theo lời kêu gọi của Tổ quốc đã gác bút nghiên lên đường ra mặt trận. Cái nắng, gió của đảo đã biến nước da của những cô cậu học trò trở nên sạm nắng. Cùng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống, công tác xây dựng thế trận lòng dân vào thời điểm đó hết sức quan trọng.
Đơn vị đã triển khai mô hình “nhà dân là doanh trại”, cứ mỗi tiểu đội được chia làm 3 tổ và ở chung với bà con nhân dân. Từ ngày đó, những ngôi nhà nằm quanh khu vực đơn vị đóng quân trở nên vui nhộn khác thường. Hằng ngày, người dân đi hái rau câu ở xung quanh đảo và chất thành đống để bán vào đất liền, mỗi khi rảnh rỗi thì anh em bộ đội lại san sẻ công việc với bà con.
Chị Điểu kể: “5 chị em được giao nhiệm vụ nấu ăn, ngày nào người dân cũng mang cá đến tặng bộ đội. Bà con nói rằng, bộ đội là con của dân và người dân sẽ luôn che chở, giúp đỡ bộ đội hoàn thành nhiệm vụ. Đảo Lý Sơn rất nhiều cá, trong đó có những loại cá có giá trị như cá bả trầu có màu đỏ rực, cá mó có màu xanh....”.
Công tác dân vận trên đảo của bộ đội và Công an nhân dân vũ trang còn được đẩy mạnh thông qua các hoạt động tuyên truyền và văn hóa, văn nghệ. Binh nhì Điểu được chỉ huy đơn vị giao trách nhiệm viết kịch nói để phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về: “Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam thống nhất một dải. Nhiệm vụ của những người lính Cụ Hồ trên đảo là bảo vệ cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho người dân...”. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, người dân đảo nô nức đến xem và cổ vũ nhiệt thành mỗi khi bộ đội tổ chức diễn kịch.
Chị Điểu tự hào kể, người dân ở đảo Lý Sơn rất mê chương trình văn nghệ của bộ đội, nhất là các vở kịch nói được giới thiệu là do chiến sĩ Đoàn Thị Điểu viết và dàn dựng. Sau mỗi buổi diễn, nhiều người mang theo cá, bánh ít tới đơn vị và nói: “Mong được gặp để biết cô Điểu là ai, cô ấy viết kịch bản hay quá và bà con ở đảo rất mê chương trình ca nhạc của bộ đội”.
Sau 3 năm đóng quân trên đảo Lý Sơn, 5 nữ quân nhân được cấp trên điều động đi học. Chị Điểu được chuyển ngành về Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Nghĩa Bình (tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi cũ), sau này tiếp tục chuyển ngành và trở thành cô giáo. Nhưng mỗi khi chị trở lại thăm đảo Lý Sơn, vẫn có những người nhận ra nữ quân nhân năm nào. “Mình ra đảo lúc mới 17 tuổi và mang cầu vai Binh nhì, tình quân dân cá nước sâu đậm sau ngày giải phóng không bao giờ phai và đi theo suốt cuộc đời mình” - cựu chiến binh Đoàn Thị Điểu xúc động tâm sự.
Sáng ngày 11/12/2022, tại Nhà khách T50 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi diễn ra buổi gặp mặt truyền thống của Tiểu đoàn pháo binh 107 (đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). Những tân binh sau ngày giải phóng ra đảo Lý Sơn của đơn vị đã mang đến ngày hội ngộ bao ký ức tươi đẹp, hào hùng của một thuở thanh xuân không thể nào quên.