Nữ thần Tự do 135 tuổi
Bức tượng Nữ thần Tự do tính từ thời điểm khánh thành vào ngày 28/10/1886 đến nay đã tròn 135 tuổi. Nó gắn liền với nhiều giai đoạn thăng trầm của nước nước Mỹ và đã trở thành biểu tượng của nước này, hằng năm có hàng triệu khách du lịch đến đây để chiêm ngưỡng. Gắn liền với bức tượng này là những điều đặc biệt đã được ghi nhận.
Những ý tưởng hình thành bức tượng
Tượng đài có ý nghĩa bậc nhất này của Mỹ nhưng hoàn toàn không được tạo ra từ nước Mỹ. Món quà đúng là của Pháp tặng nước Mỹ để ca ngợi tự do và tăng thêm sự gắn kết giữa hai nước, tuy nhiên Chính phủ Pháp không có liên quan gì đến việc tạo ra bức tượng. Tác giả của ý tưởng táo bạo này là Edouard Rene de Laboulay - một nhà chính trị tự do và là người đứng đầu hội chống sở hữu nô lệ địa phương. Ông từng mơ ước xây dựng nền dân chủ ở quê hương mình theo mô hình của Mỹ. Lần đầu tiên Laboulay nói về mong muốn làm một món quà tặng cho nước Mỹ là vào năm 1865 trong một bữa tiệc tối.
Toàn cảnh bức tượng Nữ thần Tự do.
Tại buổi tiệc có sự tham gia của nhà điêu khắc Frederic Auguste Bartholdi, "cha đẻ" tương lai của tượng Nữ thần Tự do. Khi đó, món quà mới chỉ là một ý tưởng chứ chưa phải là một kế hoạch cụ thể. Hơn nữa, thật nguy hiểm nếu thảo luận nghiêm túc về ý định đó dưới thời trị vì của Napoleon III, song Bartholdi lại rất thích thú, cả đời ông mơ ước tạo ra một thứ gì đó khổng lồ, kỳ vĩ. Niềm đam mê nghệ thuật của Bartholdi bộc lộ từ thời thơ ấu và được người mẹ nhiệt tình khuyến khích: Bà đã mua một xưởng vẽ để con trai tạo ra tác phẩm đầu tiên của mình. Mơ ước của Bartholdi càng được củng cố sau một chuyến đi đến Ai Cập, nơi có những di tích cổ xưa nhất và những tượng đài Ai Cập cổ đại ấn tượng trở thành nguồn cảm hứng cho nhà điêu khắc tạo ra bức tượng Nữ thần Tự do.
Quá trình người Pháp xây dựng tượng
Bartholdi nảy sinh ý tưởng tạo ra một tác phẩm điêu khắc mới và cần xác định nơi đặt bức tượng. Ông đã đến Mỹ vào năm 1871, khi đó quyền lực của Napoleon III đã chấm dứt. Con tàu chở ông tiến vào bến cảng New York và thứ đầu tiên ông nhìn thấy là Đảo Bedlow (vài thập niên sau đổi tên là Đảo Tự do). Bartholdi tin chắc rằng chính tại nơi đây, "ở cửa ngõ vào nước Mỹ" sẽ là nơi đặt bức tượng khổng lồ đó.
Trở về quê hương, Bartholdi bắt tay vào công việc. Trước hết cần xác định rằng bức tượng tương lai sẽ mang dáng vẻ ra sao. Với sự ủng hộ của nhà chính trị tư tưởng Laboulay, nhà điêu khắc đã lựa chọn hình ảnh mẫu là Nữ thần tự do La Mã cổ đại Libertas - người bảo trợ cho những nô lệ đã được giải phóng. Và nữ thần Libertas có thể không phải là nguồn cảm hứng duy nhất cho Bartholdi. Một số người tin rằng ông đã dựa vào hình ảnh của mẹ mình, số khác lại đoán rằng dáng nét của bức chân dung của chính Laboulay. Song không có bằng chứng cho những giả định đó.
Phiên bản cuối cùng của bức tượng được chọn vào năm 1875, chỉ một năm trước lễ kỷ niệm 100 năm Độc lập của nước Mỹ. Việc xây tượng được bắt đầu ngay lập tức. Kỹ sư trưởng là kiến trúc sư Eugene ViolletleDuc đã đề xuất sử dụng đồng làm vật liệu. Thực ra, lúc đầu bức tượng có màu vàng phớt hồng đặc trưng của đồng, nhưng theo thời gian nó đã chuyển sang màu xanh do quá trình oxy hóa. Để tạo ra bức tượng đã phải dùng 300 tấm đồng và tạo nên hình dạng mong muốn bằng cách dùng búa dập chúng bằng tay và gắn chặt với nhau bằng các dây kim loại.
Quá trình tạo ra bức tượng kéo dài và tốn nhiều công sức, ngoài ra dự án còn phải đối mặt với tình trạng thiếu kinh phí. Số tiền dành cho công trình không được Chính phủ Pháp cung cấp mà phải thu nhận thông qua các khoản quyên góp. Dần theo thời gian, người Pháp đã do dự về việc phải chi tiền cho một bức tượng sẽ được đặt ở một đất nước khác nên số tiền quyên góp đã dần ít đi. Điều này khiến dự án không thể hoàn thành vào dịp 100 năm độc lập của nước Mỹ mà mãi đến 10 năm sau tượng đài mới được khánh thành.
Tuy nhiên, nhà điêu khắc Bartholdi đã không thất vọng. Trước năm 1876, ngọn đuốc Tự do nổi tiếng đã hoàn thành, nó liền được gửi đến Mỹ và được trưng bày trước công chúng tại Triển lãm Quốc tế "Một Trăm Năm" ở Philadelphia. Cách biểu trương như vậy đã thúc đẩy người dân ở cả hai bờ đại dương quyên góp tiền để tài trợ cho dự án và những tiếng búa lại được vang lên trong xưởng sản xuất. Phần tiếp theo của tượng Nữ thần Tự do là đầu tượng đã hoàn thành và được trưng bày tại Triển lãm Thế giới ở Paris năm 1878 nên việc gây quỹ một lần nữa lại được đẩy nhanh.
Quá trình xây dựng bệ đỡ cho bức tượng tại Mỹ.
Công việc hoàn thiện bức tượng đang diễn ra sôi nổi, song những khó khăn vẫn chưa kết thúc. Nhà điêu khắc Bartholdi phải đối mặt với một vấn đề mới: "Nữ thần" nặng đến 90 tấn và cao 46m (kể từ chân tượng), phải được gắn giữ thật chặt, bởi vì tượng phải đứng ở ngay lối vào cảng New York và phải chịu đựng những cơn gió biển. Không may là vào thời điểm đó, kỹ sư ViolletleDuc đột ngột qua đời. Ông đã để lại kế hoạch về kết cấu gắn giữ bức tượng, nhưng Bartholdi thấy nó đã lỗi thời và cần sửa đổi. Quyết định được đưa ra là tìm đến sự trợ giúp của kỹ sư Gustave Eiffel. Nhà sáng tạo 47 tuổi này từng nổi tiếng đã xây dựng những cây cầu trên các trụ sắt và đã tạo ra chiếc cầu cao nhất trên thế giới. Đối với Eiffel thì lời đề nghị của Bartholdi là một thử thách thực sự và là cơ hội để ông thực hiện một điều gì đó thật độc đáo.
Eiffel đã phát triển một hệ thống gắn giữ tượng Nữ thần Tự do mang tính cách mạng: kết cấu này gồm một giá đỡ chính, trên đó gắn bộ khung kim loại với các thanh ngang phẳng được kéo ra từ đó. Phải gắn giữ bức tượng bọc đồng trên chính những thanh ngang này. Một lợi thế không thể phủ nhận là khả năng thích ứng của bộ khung như vậy với thời tiết xấu: Khi có gió mạnh, các thanh ngang nhận biết sự di chuyển của các tấm đồng và điều chỉnh mức dao động theo gió mà không cố chống chọi với nó. Vì vậy, khi sức gió là 100m/giây thì bức tượng sẽ lắc lư một chút và sẽ lệch khỏi vị trí cũ 7,6cm, còn ngọn đuốc sẽ lệch tới 12,7cm. Ngoài ra, kết cấu do Eiffel tạo ra rất nhẹ và nhỏ gọn, còn bản thân bức tượng thực tế là rỗng. Đối với Gustave Eiffel, sự sáng tạo này trở thành một bước tiến. Vài năm sau khi làm bức tượng Nữ thần Tự do, ông đã sử dụng kinh nghiệm này để tạo ra tháp Eifell huyền thoại cho đến nay vẫn là kỳ quan nổi bật nhất của Paris.
Xây bệ đỡ tượng tại Mỹ
Việc hoàn thành bức tượng đang đi đến chặng cuối. Còn ở nước Mỹ thì sao? Phải chăng người Mỹ chỉ việc ngồi đó chờ đợi món quà mang đến cho họ? Theo thỏa thuận thì phía Mỹ phải chuẩn bị phần bệ đỡ cho "Nữ thần". Nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy: Phần móng đã sẵn sàng, hệ thống gia cố bên trong bệ đã được thiết kế và bắt đầu khởi công. Tuy nhiên, một vấn đề nữa phát sinh - vẫn là câu chuyện kinh phí!
Người phản đối dự án lúc đó là Thống đốc New York (sau này trở thành Tổng thống Mỹ) Grover Cleveland, ông đã ngăn cản chính quyền bang chi 50 nghìn USD từ Quỹ hỗ trợ tài chính cho dự án. Trong năm 1885, tất cả mọi công việc xây dựng móng đành phải ngừng lại vì thiếu tiền. Còn ở Pháp, ngày càng có nhiều lời kêu gọi hãy để lại bức tượng tại quê hương và không chuyển nó cho người Mỹ "vô ơn" không có khả năng thực hiện phần "thỏa thuận" của mình. Ngỡ là bức tượng sẽ trụ lại ở Paris, song số phận của Nữ thần Tự do đã đi theo một hướng khác.
Dự án đã được cứu nguy bởi nhà xuất bản phẩm người Mỹ Joseph Pulitzer. Ông chỉ trích các chính trị gia và những người giàu có đã từ chối tài trợ để xây bệ đỡ tượng. Ông cũng đề nghị đăng trên các trang báo của mình tên của tất cả những người quyên góp kinh phí để xây bệ, từ đó kêu gọi các đại diện của giai cấp công nhân hành động. Pulitzer cũng được hưởng lợi vì việc làm này có ích cho việc quảng bá các ấn phẩm của mình. Chính nhờ sự nỗ lực của ông mà hơn 100 nghìn USD đã được quyên góp và tương lai của bức tượng Nữ thần Tự do đã được bảo đảm.
Khi mọi công việc đã được giải quyết, người Pháp dỡ 350 mảng ghép của bức tượng để gửi theo đường biển đến cảng New York. Vào mùa xuân năm 1886, bệ đỡ tượng tại Mỹ cũng được hoàn thành và đến mùa thu - ngày 28/10 năm đó đã diễn ra buổi lễ long trọng khánh thành bức tượng Nữ thần Tự do. Một điều thú vị là Tổng thống Mỹ Grover Cleveland (người từng không ủng hộ dự án) đã đích thân cắt băng khánh thành. Từ đó đến nay tượng đài này vẫn là một trong số những biểu tượng chính của nước Mỹ, cho dù đã phải trải qua rất nhiều thử thách và gian nan ở cả hai đất nước trong suốt quá trình tạo dựng.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nu-than-tu-do-135-tuoi-i638663/