Nữ Thiếu tá và kỷ vật vô giá của đồng đội hy sinh ở Cộng hòa Trung Phi
Những ngày tháng ở CH Trung Phi, chiếc gối ôm và cây đèn sạc luôn đồng hành cùng Thiếu tá Nguyễn Mỹ Hạnh trong những lúc cô đơn hay cả khi làm nhiệm vụ nguy hiểm.
Trước giờ chuyển kỷ vật cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Thiếu tá Nguyễn Mỹ Hạnh ngắm nhìn chiếc gối ôm và cây đèn sạc thật kỹ… “Tôi từng đắn đo rất nhiều trước khi quyết định tặng chiếc gối ôm và cây đèn sạc cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, vì đây là hai món quà vô giá được con trai và người đồng đội đã hy sinh tặng trong khoảng thời gian tôi công tác ở Trung Phi. Nó tiếp thêm động lực để tôi hoàn thành mọi nhiệm vụ", chị Hạnh xúc động chia sẻ.
Chiếc gối sẽ thay con bên mẹ
Sinh năm 1982 tại Hà Nội và lớn lên trong gia đình bố mẹ đều công tác trong quân đội, ngay từ nhỏ, cô bé Hạnh đã luôn ước mơ được đứng trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam, trở thành sĩ quan giỏi. “Ngày nhỏ, xem trên tivi thấy các nữ chiến sĩ khoác lên mình bộ quân phục, tôi cảm thấy yêu mến và cảm phục họ. Bố mẹ tôi cũng từng công tác trong quân đội, nên tôi luôn suy nghĩ sau này mình cũng sẽ được phục vụ trong quân đội. Dù ở hoàn cảnh nào tôi cũng cố gắng thực hiện tốt công việc mình mong ước", cô gái gốc Hà Thành nói.
Năm 2006, chị Hạnh tốt nghiệp khoa Tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ. Sau đó, chị đăng ký thi tuyển vào Học viện Hậu cần (Bộ Quốc phòng) và trúng tuyển, trở thành giảng viên. Năm 2019, chị đăng ký tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình và một năm sau được xét duyệt. Sau các khóa đào tạo, chị vinh dự trở thành 1 trong 7 sĩ quan Việt Nam lên đường sang Trung Phi, làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Biết tin mình có tên trong danh sách lên đường thực hiện nhiệm vụ, chị Hạnh vừa mừng, vừa lo. "Tôi cảm thấy vinh dự và tự hào khi thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao phó; nhưng cũng lo lắng cho 2 con nhỏ vì ở nhà không có mẹ chắc sẽ buồn nhiều. May mắn, tôi nhận được sự ủng hộ, động viên rất lớn từ gia đình”, chị Hạnh bày tỏ.
Ngày lên đường, trong chiếc vali nhỏ, chị mang theo một bộ áo dài, một chiếc áo phông đỏ in hình sao vàng 5 cánh, mấy gói hạt giống rau mồng tơi, rau muống, một ít quế hồi để khi rảnh có thể nấu một bát phở Hà Nội cho vơi đi nỗi nhớ quê nhà.
Sinh nhật chị Hạnh cũng đúng là ngày chị lên đường sang Cộng hòa Trung Phi thực hiện nhiệm vụ. Một sinh nhật đặc biệt được tổ chức ngay tại sân bay. Vài ba người bạn thân, chồng, 2 con cùng thổi nến chúc mừng. “Hơn 40 năm, đây là lần đầu tiên tôi đón sinh nhật vào dịp đặc biệt như thế. Vừa là ngày sinh nhật nhưng cũng là ngày tôi phải chia tay gia đình một khoảng thời gian dài”, chị nói.
Bé An Kiệt, 6 tuổi, con trai chị Hạnh vẫn nghĩ đây là một chuyến đi ngắn ngày, chỉ 1 - 2 hôm nữa mẹ sẽ trở về. Tiễn mẹ lên sân bay, Kiệt tặng mẹ chiếc gối ôm màu xanh, món đồ cậu luôn mang theo mỗi khi đi chơi hoặc đi du lịch. “Chiếc gối sẽ thay con ở bên mẹ. Mẹ nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ rồi về với con nhé”, An Kiệt thủ thỉ.
Chồng chị nhắc con trai: “Con ôm mẹ đi, lần này mẹ xa bố con mình ít nhất là nửa năm đó, không phải vài ba hôm đâu”. Lúc bấy giờ An Kiệt mới òa khóc: “Sao mẹ bảo mẹ chỉ đi vài ngày thôi mà”. Cậu bé đòi đi theo mẹ. Chị Hạnh phải động viên: “Kiệt ở nhà ngoan, mẹ sẽ sớm trở về với ba bố con”.
5 phút trước khi di chuyển vào phòng chờ, chị quay lại nhìn chồng và con. An Kiệt vẫn khóc, còn chồng chị dõi theo vợ với ánh mắt như chất chứa bao tâm sự. Ngoài sân bay lúc bấy giờ không có một bóng người, chị Hạnh lau vội giọt nước mắt, thẳng bước vào bên trong. “Khoảnh khắc đó tim tôi như bị bóp nghẹt, nước mắt liên tục trào ra. Tôi không đủ can đảm để ngoảnh lại nhìn chồng con lâu hơn một chút, vì tôi không muốn cho con trai thấy mẹ khóc", chị nói.
Cây đèn sạc sáng tình đồng đội
Mặc dù đã tìm hiểu từ trước, nhưng khi đặt chân đến Bangui - Thủ đô Trung Phi, Thiếu tá Hạnh mới cảm nhận hết cuộc sống khổ cực của người dân nơi đây. Sân bay quốc tế ở thủ đô Bangui sơ sài và lạc hậu. Những người dân đen đúa, gầy gò. Những đứa trẻ ngại ngùng nấp sau bóng cây với manh áo rách. Những khu chợ họp ở bãi đất lầy lội. Những túp nhà lá tiêu điều, chỉ cần một trận gió cũng đủ làm xiêu vẹo mái hiên…
Chứng kiến cuộc sống cơ cực của người dân Trung Phi, chị luôn đau đáu câu hỏi, làm sao để hoàn thành nhiệm vụ thật tốt, đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc gìn giữ hòa bình ở nơi đây.
Ba tuần đầu ở Cộng hòa Trung Phi, ngoài việc làm quen với điều kiện sống thiếu thốn, chị còn phải làm quen với nỗi cô đơn. Nhiều hôm 2 giờ sáng vẫn không sao chợp mắt nổi, chị ôm chặt chiếc gối con trai tặng, nghiêng trái, nghiêng phải, nhưng xung quanh chỉ có bóng tối bao trùm. Chị nhớ chồng và các con da diết. Vậy nhưng, sáng hôm sau, chị lại cất gọn nỗi nhớ trong tim, tiếp tục cùng đồng đội đi thực hiện nhiệm vụ.
Cũng trong khoảng thời gian này, chị Hạnh được Trung tá Đỗ Anh, sinh năm 1983, Trợ lý Phái bộ, Phòng Công tác địa bàn (Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) tặng một chiếc đèn sạc nhỏ.
Chị Hạnh thường dùng chiếc đèn sạc để cắm vào laptop mỗi khi phòng trọ mất điện. Chiếc đèn 15 cm chỉ đủ thắp sáng một góc tường nhưng giúp chị bớt cô đơn và vơi đi nỗi nhớ nhà. Dưới ánh sáng của chiếc đèn sạc, chị Hạnh ghi chép công việc mỗi ngày. Thời gian rảnh chị tranh thủ học thêm tiếng Pháp.
Trung tá Đỗ Anh sau đó hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ tại Trung Phi. Chiếc đèn sạc vẫn được nâng niu cất giữ trong túi máy tính của chị, và mỗi khi mất điện, nó không những chỉ tỏa ra ánh sáng giúp chị hoàn thành công việc mà còn như nguồn sáng thắm tình đồng đội, nhắc nhở chị dù khó khăn đến đâu cũng phải nỗ lực vượt qua. Rồi chiếc đèn sạc lại theo Thiếu tá Nguyễn Mỹ Hạnh trở về Việt Nam, thành kỷ vật thiêng liêng vô giá, đầy ắp kỷ niệm về hành trình nơi đất lạ cùng người đồng đội thân thương đã vì nhiệm vụ mà anh dũng hy sinh.
Vượt mọi khó khăn
Tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thiếu tá Mỹ Hạnh đảm nhận nhiệm vụ triển khai các khóa đào tạo kỹ năng chuyên môn cho sĩ quan mới, tham mưu công tác huấn luyện đảm bảo an toàn vật liệu cháy nổ, an toàn cho người tham gia dò phá bom mìn.
Năm 2020-2021 là thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thiếu tá Mỹ Hạnh và đồng đội gặp rất nhiều khó khăn trong việc đào tạo thực hành. Chị chủ động đề xuất phương án đào tạo online thông qua các phần mềm và nhận được Giấy khen của Phái bộ.
Ngoài việc đào tạo các sĩ quan mới, Thiếu tá Nguyễn Mỹ Hạnh thường thực hiện các cuộc kiểm tra ngắn ngày và dài ngày cùng với các cơ quan, tổ chức, lực lượng của Liên hợp quốc bằng đường bộ và đường hàng không trên khu vực phụ trách. Mỗi khi bay trên vùng xung đột, chị và các đồng đội phải sẵn sàng tâm lý với các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ khi nào. “Mỗi khi bay, tôi thường mang theo chiếc gối ôm của con trai tặng như một món đồ may mắn, giúp tiếp thêm niềm tin và sức mạnh", chị tâm sự.
Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ thứ, từ điện, nước đến thực phẩm. Để cải thiện đời sống, với số hạt giống mang từ Việt Nam sang, dưới cái nắng như thiêu như đốt của châu Phi, chị Hạnh cùng anh em trong Phái bộ cải tạo mảnh vườn cằn cỗi để trồng rau. Chẳng mấy chốc, khu vườn đầy cỏ dại và sỏi đá trong khu trọ thành vườn rau xanh đủ loại. Đều đặn sau mỗi buổi chiều đi làm về, cả tổ lại ra vườn tưới rau, nhặt cỏ, vừa khuây khỏa đầu óc, vừa có rau xanh cải thiện bữa ăn.
Những ngày Bangui mất điện, trời nắng như đổ lửa, chị và đồng đội phải xách nước từ Phái bộ về. Chỉ tiêu mỗi người được 20 lít nước, vì là phụ nữ nên lúc nào chị Hạnh cũng được đồng đội nhường phần hơn. Chị tằn tiện số nước ít ỏi, vừa nấu ăn, vừa tắm gội, giặt giũ và tưới cây. “Mọi sinh hoạt đều phải thật tiết kiệm, đặc biệt là nước, không phải thứ gì cũng có sẵn hoặc có thể mua như ở Việt Nam’, Thiếu tá Hạnh nói thêm.
Tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình là một hành trình vượt qua chính mình. Chẳng dễ gì khi một người mẹ, người vợ có thể quyết định đến nơi cách xa Tổ quốc hơn 10.000 cây số làm nhiệm vụ. Ngoài tinh thần người lính, sâu hơn, đó là trái tim nhân hậu và phía sau là một hậu phương vững chắc.