Nữ thủ lĩnh sinh viên Nhân văn sống hết mình với hoạt động tình nguyện
Lý Gia Băng (năm thứ tư, ngành Công tác xã hội, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) đã sống hết mình với quãng đường đại học của mình khi tham gia tích cực các hoạt động tình nguyện: 'Mùa Hè Xanh', 'Xuân Tình nguyện'…
Những ký ức tình nguyện khó phai
Với vai trò là Đội trưởng của Đội hình khoa Công tác xã hội trong nhiều mùa tình nguyện, Gia Băng đặc biệt quan tâm về những khó khăn, vì đây là yếu tố tạo nên sự thành công của trong chiến lược hoạt động của chiến dịch tình nguyện và sự hợp tác của các thành viên. Vì thế, chị luôn áp dụng chuyên môn Công tác xã hội mình đã học, đặc biệt là áp dụng chuyên ngành Phát triển cộng đồng khi xử lý công việc.
“Trong những ngày hoạt động tại địa bàn, khó khăn lớn nhất là phải giúp cho người dân tại địa bàn hiểu được dự án mình đang làm mang lại ý nghĩa gì. Sinh viên tình nguyện và người dân phải hiểu mục đích và sự đóng góp của hoạt động tới địa bàn, không phải chỉ đơn thuần là làm cho có, làm để có hình ảnh truyền thông”, Gia Băng chia sẻ.
Hình ảnh sinh viên Nhân văn tham gia tình nguyện, hát ca khúc Tự nguyện hay khoác lên mình những chiếc áo tình nguyện và chiếc khăn rằn luôn là mảnh ghép ký ức khó phai trong chị. Trong ký ức của Gia Băng, những thước phim đẹp nhất của mỗi chiến dịch tình nguyện là kỷ niệm giữa các chiến sĩ với nhau và giữa chiến sĩ với những người dân tại địa phương mình tham gia hoạt động.
Nói về kỷ niệm gắn bó với các hoàn cảnh cơ nhỡ, Gia Băng bày tỏ, chiến dịch 'Xuân Tình nguyện' năm 2023 đã để lại cho chị dấu ấn sâu sắc. Năm đó, chị được tham gia 'Bữa cơm nghĩa tình' và có duyên được gặp hộ gia đình là cô bán bánh tráng và hai cháu ngoại của cô. “Mình rất xúc động và đã không kìm được nước mắt. Căn nhà lá đó rất thấp, xập xệ và mình cũng như các bạn sinh viên thường phải cúi người di chuyển trong suốt quá trình nấu bữa cơm ấy. Gia đình của cô cũng không nhận được phúc lợi hộ dân nghèo. Trưa bữa ăn đó, chiến sĩ khóc, các em nhỏ khóc, cô cũng khóc vì lâu lắm rồi mới cảm nhận được không khí đoàn tụ như một gia đình”, Gia Băng nhớ lại.
Không chỉ có những khoảnh khắc cùng với người dân, khoảnh khắc các chiến sĩ tình nguyện cùng nhau cũng khiến Gia Băng xúc động. Chị chia sẻ, khi gần đến những ngày kết thúc chiến dịch, mọi người “chạy đôn chạy đáo” vì khối lượng công việc làm không xuể. Sau khi xong rồi, “Đêm chiến sĩ” được tổ chức để cá nhân kể về những câu chuyện của mình trong hành trình đi tình nguyện ở địa bàn. “Sinh viên ai cũng vỡ òa, khóc rất nhiều vì không nỡ rời xa khi đã đồng hành cùng nhau trong chặng đường tình nguyện, luôn dành cho nhau những cái ôm thắm thiết”, Gia Băng chia sẻ.
Đi để trưởng thành
Mỗi chiến dịch tình nguyện qua đi, Gia Băng cảm thấy mình như được “mài giũa”, trước nhất là sự trưởng thành của bản thân. “Mùa Hè Xanh 2022 là chiến dịch tình nguyện đầu tiên của mình sau khi dịch COVID-19 đã qua đi. Vì lúc ấy là năm thứ nhất, mình vẫn sống trong vòng tay của gia đình, nên những ngày đầu đi 'Mùa Hè Xanh' ở địa bàn cách xa gia đình hơn cả trăm cây số, ngày nào mình cũng khóc vì nhớ nhà. Tình nguyện, trước hết, đã giúp mình mạnh mẽ hơn kể cả khi gia đình không ở bên cạnh bên”, Gia Băng tâm sự.
Với sứ mệnh của sinh viên khoa Công tác xã hội, Gia Băng nhận thấy các chiến dịch tình nguyện cho chị ý thức về việc tham gia xây dựng xã hội. Chị luôn trăn trở về trách nhiệm của bản thân, làm thế nào để người trẻ có thể phát triển cộng đồng, cống hiến một phần nhỏ bé của mình cho đất nước.
Đặc biệt hơn hết, chiến dịch tình nguyện cho Gia Băng nhiều mối quan hệ. Chị ví đây như “mạng lưới xã hội” của những người làm trong lĩnh vực Công tác xã hội nói riêng và lĩnh vực Khoa học Xã hội nói chung đều cần trong việc phát triển sự nghiệp của bản thân.
Đề cập đến dự định tương lai, chị mong muốn xây dựng dự án tình nguyện tại Bình Dương để những bạn không học đại học hoặc những bạn nhỏ hơn có mong muốn tham gia tình nguyện như sinh viên ở đại học vẫn được trải nghiệm nhiều bài học bổ ích.