Nữ Thủ tướng Estonia làm chính khách của Liên minh châu Âu

Quyết định từ chức hôm 15-7 vừa qua của bà Kaja Kallas - Thủ tướng Estonia, được hiểu là dọn đường để bà bước ra trường quốc tế, trở thành Cao ủy về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU).

Cựu Thủ tướng Estonia Kaja Kallas rất có thể sẽ trở thành nhà ngoại giao hàng đầu về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu

Cựu Thủ tướng Estonia Kaja Kallas rất có thể sẽ trở thành nhà ngoại giao hàng đầu về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu

Cho đến vài tháng trước, bà Kaja Kallas vẫn là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua thay thế ông Jens Stoltenberg để làm Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng nữ chính trị gia này đã đánh mất cơ hội.

NATO nhất trí rằng, với xung đột ở Ukraine, các quốc gia thành viên phía Đông không thể bị đẩy ra rìa hệ thống lãnh đạo ở Brussels được nữa. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng việc giao chức vụ an ninh hàng đầu cho một nhà lãnh đạo vùng Baltic là một thông điệp quá mạnh mẽ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hơn nữa, chọn ai có thể đối phó tốt nhất với ông Donald Trump nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2024 cũng được cân nhắc. Trong một so sánh, cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte có lợi thế hơn hẳn bà Kaja Kallas trên cương vị lãnh đạo NATO. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, việc tiến cử ông Mark Rutte làm Tổng Thư ký NATO là một phần của thỏa thuận mở đường cho bà Kaja Kallas trở thành đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại - một vị trí mà bà đã được đề cử tại Hội nghị thượng đỉnh EU sau các cuộc bầu cử hồi tháng 6.

Cựu Thủ tướng Estonia Kaja Kallas năm nay 47 tuổi, là một trong những nhà lãnh đạo EU đầu tiên cảnh báo không rơi vào “cái bẫy” tin rằng mối quan hệ thương mại tốt đẹp với Matxcơva có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng mà sau này châu Âu gặp phải khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Bà Merili Arjakas - thành viên tại Trung tâm Quốc phòng và an ninh quốc tế (ICDS - một tổ chức tư vấn ở Tallinn, Estonia) nhận định: “Việc đề cử bà Kaja Kallas chứng tỏ rằng, giờ đây bà đại diện cho quan điểm chủ đạo ở các thủ đô EU”.

Vậy ưu tiên trong chính sách đối ngoại của bà Kallas là gì? Một số chuyên gia cho rằng, bà Kallas là lựa chọn đúng đắn về mặt chính sách đối ngoại, chủ yếu là vì trong 5 năm tới, trọng tâm của EU sẽ là tăng cường phòng thủ. Là Thủ tướng của Estonia, một quốc gia nhỏ bé từng là một phần của Liên Xô và là con gái của một phụ nữ bị trục xuất đến Siberia khi còn nhỏ, ưu tiên hàng đầu của bà Kallas (với tư cách người đứng đầu ngành ngoại giao EU) sẽ là đảm bảo rằng, người châu Âu sẵn sàng ngăn chặn những bước tiến của Nga trong tương lai.

Xung đột ở Ukraine đã bộc lộ nhiều điểm yếu của châu Âu, bao gồm việc sản xuất đạn dược không đủ và những lỗ hổng trong khả năng giám sát dựa trên vệ tinh. Bà Kallas đã đề nghị EU vay chung để tài trợ cho việc mở rộng khả năng phòng thủ. Mặc dù Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ ý tưởng này, nhưng bà sẽ khó thuyết phục được các quốc gia thận trọng về tài chính như Đức. Trước nghi ngờ về việc “lấn át” lãnh đạo của NATO, nữ chính trị gia này khá rạch ròi về vai trò của mình trong một phát biểu hồi tháng 3-2024: “Trong một cuộc khủng hoảng quân sự, điều quan trọng là ai ra lệnh cho ai và chuỗi chỉ huy thực sự hoạt động như thế nào. Về mặt quân sự, đó là NATO. Nhưng việc thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng là điều mà Liên minh châu Âu cũng có tiếng nói”.

Thách thức lớn hơn của bà Kallas sẽ là xác định tầm nhìn chính sách đối ngoại trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như đối phó với Iran, Trung Quốc và Trung Đông. Bà Merili Arjakas cho biết thêm: “Cá nhân bà Kallas chưa từng lên tiếng về chính sách đối ngoại nào, trừ vấn đề đối ngoại với Nga. Trong mọi trường hợp, nó sẽ phụ thuộc vào những gì EU quyết định”.

Theo DW

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nu-thu-tuong-estonia-lam-chinh-khach-cua-lien-minh-chau-au-post583523.antd