Nữ Thủ tướng Sanna Marin hoàn trả lại tiền phụ cấp hay là câu chuyện 'minh bạch kiểu Phần Lan'
Văn phòng Thủ tướng Phần Lan đã chi 14.363,20 euro cho bữa sáng và điểm tâm của gia đình Thủ tướng sai nguyên tắc từ ngân sách...
Văn phòng Thủ tướng cũng như Thủ tướng Marin thì cho rằng họ chi theo thông lệ như đã từng làm với những người tiền nhiệm của Marin. Một cuộc tranh cãi đã xảy ra giữa hai bên và cả trong dư luận khiến vụ việc được truyền thông nước này gọi là "Breakfastgate" (Scandal bữa sáng), cảnh sát Phần Lan phải vào cuộc điều tra sự việc.
Thủ tướng phải... trả lại tiền phụ cấp
Mới đây, ngày 3/8/2021, truyền thông Phần Lan đăng tin nữ Thủ tướng Sanna Marin đã hoàn trả hơn 10.000 euro cho nhà nước Phần Lan trong số hơn 14.000 euro mà Văn phòng Thủ tướng đã chi cho bữa sáng và điểm tâm của gia đình bà kể từ đầu năm 2020, khi gia đình bà chuyển đến ở nhà công vụ dành cho Thủ tướng ở Thủ đô Helsinki.
Sự việc bung ra chỉ bắt đầu từ “một tờ báo lá cải”. Báo này đưa ra công luận hồi tháng 5, trước cuộc bầu cử địa phương ở nước này đúng 1 tháng. Theo tờ báo này, Văn phòng Thủ tướng đã chi 14.363,20 euro cho bữa sáng và điểm tâm của gia đình Thủ tướng sai nguyên tắc từ ngân sách trong thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2021. Văn phòng Thủ tướng cũng như Thủ tướng Marin thì cho rằng họ chi theo thông lệ như đã từng làm với những người tiền nhiệm của Marin.
Một cuộc tranh cãi đã xảy ra giữa hai bên và cả trong dư luận khiến vụ việc được truyền thông nước này gọi là “Breakfastgate” (Scandal bữa sáng), ngay sau đó cảnh sát Phần Lan phải vào cuộc điều tra sự việc. Cuộc tranh cãi cũng khiến Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö lên tiếng và cho rằng rất tốt khi vấn đề được xem xét một cách minh bạch.
Vào thời điểm đó, người phụ trách việc điều tra của cảnh sát nhấn mạnh: “Thủ tướng không bị tình nghi phạm tội, nhưng cho biết cuộc điều tra sẽ xem xét việc làm của các quan chức”. Song trước sự tranh cãi của hai bên, Thủ tướng Sanna Marin khi đó đã tuyên bố công khai rằng bà sẽ tự trả khoản chi phí đã nhận.
Sau đúng 2 tháng vụ việc khởi phát, ngày 3/8 bà Marin đã trả lại 10.143,41 euro mà gia đình bà đã được nhận trong năm 2020. Phần còn lại từ tháng 1 đến tháng 5/2021 - hơn 4.200 euro - bà cho biết sẽ hoàn trả vào cuối tháng này. Còn nhớ tháng 6/2020, vì liên quan tới việc chi tiêu không đúng quy định 56.000 euro của ngân sách mà nữ Bộ trưởng Tài chính của Thủ Chính phủ Sanna Marin là Katri Kulmuni đã phải từ chức và cũng không được bầu lại làm Chủ tịch đảng Trung tâm, mặc dù sau đó bà đã phải hoàn trả lại tiền.
Công khai thu nhập và thuế hàng năm
Hàng năm cứ vào ngày 1/11, Cục thuế Phần Lan công bố thu nhập và mức thuế của người dân năm trước trong cả nước và đầu tháng 12 người đóng thuế thừa sẽ được nhận lại số đóng thừa và những người đóng chưa đủ phải nộp thêm số còn thiếu.
Để làm được điều này vào đầu tháng 3 mỗi năm, cơ quan thuế các địa phương sẽ gửi thông báo các khoản thu nhập số thuế đã đóng cũng như số tiền thừa được nhận lại hay thiếu phải đóng thêm của năm trước cho tất cả cá nhân nộp thuế. Người nhận kiểm tra các số liệu và báo cáo lại cho cơ quan thuế những điều chỉnh (nếu có) chậm nhất vào cuối tháng 5. Phần lớn người đóng thuế được trả lại một số tiền thừa vì đa phần đều dự toán tổng thu nhập một năm của mình cao hơn và đóng thuế cao hơn một chút để cuối năm được nhận về một khoản dành mua sắm cho dịp Giáng Sinh và năm mới.
Phần Lan được coi là nước có mức thu nhập ít chênh lệch nhất trên thế giới, nhưng theo báo cáo mới được công bố, sư chênh lệch giữa mức thu nhập cao và thu nhập thấp ở nước này cũng đang tăng lên. Trong khi những người có mức thu nhập thấp chỉ nhận được 10.000 euro/năm thì những người có mức thu nhập cao (chỉ chiếm 10% số người đóng thuế) nhận trung bình 55.000 euro/năm, tức cao gấp 5,5 lần.
Thông tin được công khai trong bản công khai thu nhập và thuế hàng năm không chỉ có thu nhập từ lương, thu nhập từ nguồn khác (tài sản, cổ phiếu, vồn đầu tư hoặc các khoản lợi tức khác), mức thuế đóng mà cả danh tính, năm sinh, địa phương cư trú của người đóng thuế. Chỉ cần biết họ tên, địa phương đóng thuế của ai đó là có thể vào trang mạng của các tờ báo lớn và cơ quan phát thanh truyền hình Phần Lan (Yle) để xem được thu nhập từ lương, tổng thu nhập và số thuế người đó đóng trong năm.
Những năm trước đây, các CEO của những công ty nổi tiếng như: Nokia, Fortum, Kone luôn dẫn đầu danh sách những người có thu nhập và đóng thuế cao nhất Phần Lan. Nhưng trong vòng một thập kỷ nay các công ty vừa và nhỏ về IT như Angri Birds, Small Giant, nhất là Supercell đã vươn lên thay thế họ. Supercell đã được coi là “Cối xay tiền” mới của Phần Lan, thay cho Nokia. Chỉ với 231 nhân sự, được thành lập cách đây chỉ 11 năm, nhưng trong vòng 5 năm (2013 - 2018) Supercell đã đóng cho ngân sách Phần Lan 1,7 tỷ eurro tiền thuế, một khoản đóng góp mà chưa công ty nào làm được trong thời gian đó, kể cả Nokia.
Riêng Ilkka Paananen và Mikko Kodisoja là 2 người sáng lập và CEO của công ty đã đóng cho Phần Lan 150 triệu euro tiền thuế từ thu nhập của họ kể từ năm 2013 - 2018. Năm 2018, hai CEO này cùng với 3 thành viên khác của công ty nộp thuế 100,4 triệu euro.
Không biết trên thế giới có những quốc gia nào minh bạch kiểu này không? Ở Xứ sở Ông Già Tuyết này nó đã chính thức được đưa vào luật và thực hiện gần 30 năm nay (từ năm 1995). Trong vốn từ sử dụng hàng ngày ở Phần Lan, có lẽ “thuế” (vero) là một trong những từ thông dụng nhất. Bất cứ người nào (công dân Phần Lan cũng như nước ngoài) đi làm ở nước này nếu muốn được nhận lương đều phải có thẻ thuế và số tài khoản tín dụng để nộp cho nơi mình làm việc (trừ trường hợp làm chui).
Để có được thẻ thuế, đương sự phải báo cho cơ quan thuế số tiền mình sẽ được nhận từ nơi trả cho mình để cơ quan này sẽ tính phần trăm thuế mình phải nộp từ số tiền đó. Ngoài nguồn thu nhập chính ra, nếu người nào làm thêm việc phụ khác cũng phải khai báo để tính thêm thuế thu nhập phụ. Nếu không có thẻ thuế phụ này, nơi trả tiền sẽ giữ lại 60% số tiền được nhận từ việc làm thêm. Theo quy định hiện nay, ở Phần Lan chỉ những người có thu nhập dưới 9.000 euro/ năm mới không phải đóng thuế. Vì thế những người thất nghiệp nếu được nhận trên mức đó cũng phải đóng thuế.
Cũng như các nước Bắc Âu khác, Phần Lan là quốc gia nổi tiếng về minh bạch và ít tham nhũng nhất. Kể từ khi Tổ chức minh bạch Thế giới công bố báo cáo tham nhũng toàn cầu (năm 2003) đến nay, Phần Lan luôn nằm trong top 5 nước ít tham nhũng nhất, trừ năm 2009 bị tụt xuống hàng thứ 6. Còn 5 năm trở lại đây Phần Lan luôn ở vị trí thứ 3 sau New Zealand và Đan Mạch.