Nữ Thủ tướng tại vị lâu nhất thế giới
Bà Sheikh Hasina (76 tuổi) vừa giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và là thứ 5 tính chung trong sự nghiệp chính trị của mình.
Tái đắc cử chức Thủ tướng lần thứ 5
Bà Sheikh Hasina, Thủ tướng Bangladesh, đồng thời là người đứng đầu "Liên đoàn Awami" (AL), đã tái đắc cử sau khi đảng của bà giành được hơn 50% ghế trong cuộc tổng tuyển cử ngày 7/1/2024. Theo ủy ban bầu cử nước này, Thủ tướng Sheikh Hasina đã bảo đảm nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp, duy trì danh hiệu "nữ lãnh đạo chính phủ tại vị lâu nhất thế giới".
Bà Hasina đã kêu gọi người dân thể hiện niềm tin vào tiến trình dân chủ. Bà nói với các phóng viên sau khi bỏ phiếu: "Đất nước của chúng tôi là một quốc gia có chủ quyền và độc lập... Tôi đang cố gắng để đảm bảo rằng nền dân chủ sẽ tiếp tục ở đất nước này. Không có dân chủ, bạn không thể tạo ra bất kỳ sự phát triển nào".
Bà Sheikh Hasina là con gái của Sheikh Mujibur Rahman, nhà lãnh đạo phong trào độc lập của Bangladesh. Bà bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 1975, sau khi cha mình bị ám sát. Từ đó đến nay, bà kế thừa vị trí lãnh đạo đảng chính trị có tên "Liên đoàn Awami" do cha mình sáng lập. Bà Hasina nổi lên như một nhân vật hàng đầu phản đối chính quyền quân sự lãnh đạo đất nước trong suốt những năm 1980.
Bà Hasina lần đầu được bầu làm Thủ tướng Bangladesh vào năm 1996, song đã không thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2001. Sau đó, bà đã được bầu lại vào năm 2009 và đã lãnh đạo đất nước 170 triệu dân này thêm 3 nhiệm kỳ liên tiếp kể từ đó đến nay. Nhiệm kỳ sắp bắt đầu của bà Hasina sẽ là nhiệm kỳ Thủ tướng thứ tư liên tiếp và là nhiệm kỳ thứ năm trong cuộc đời bà.
Thành tựu kinh tế ấn tượng
Trong những năm lãnh đạo chính phủ, bà Hasina đóng vai trò chủ chốt trong việc "chèo lái" nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng của Bangladesh phát triển vượt bậc. Dưới sự chỉ đạo của bà, Chính phủ nước này đã xây dựng khoảng 9 vạn ngôi nhà để làm chỗ ở cho những người không có đất và vô gia cư. Nông dân nghèo đang nhận được phân bón và hạt giống với giá rẻ.
Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Sheikh Hasina, an sinh xã hội được đảm bảo cho mọi người dân có hoàn cảnh khó khăn. Tổng cộng có 91 vạn người, bao gồm góa phụ, người ly hôn, người già và người khuyết tật, đang được trợ cấp xã hội.
Thời gian nghỉ thai sản đã tăng từ 4 tháng lên 6 tháng và chế độ nghỉ thai sản cũng được áp dụng. Khoảng 4 triệu học sinh từ lớp 1 đến đại học tại nước này được nhận học bổng thường xuyên.
Bangladesh đã đi từ chỗ chật vật để nuôi sống người dân trở thành một nước xuất khẩu lương thực lớn với GDP tăng từ 71 tỷ USD năm 2006 lên 460 tỷ USD vào năm 2022. Các chỉ số xã hội cũng được cải thiện, với 98% trẻ em gái ngày nay được học tiểu học.
Bangladesh đang chuyển sang sản xuất công nghệ cao, cho phép các công ty quốc tế như Samsung tách chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Quốc gia này đang nổi lên như một công xưởng của thế giới.
Bà Hasina tự hào rằng, hiện nay ở Bangladesh, "mọi người đều có điện thoại di động" và quốc gia này dự kiến thoát khỏi nhóm các quốc gia kém phát triển của Liên hợp quốc vào năm 2026.
Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến sự trỗi dậy của hơn 1 triệu doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin và cơ hội việc làm cho gần 1 triệu người dân nước này. Bangladesh hiện trở thành một quốc gia kỹ thuật số dưới sự lãnh đạo có tầm nhìn của Thủ tướng Sheikh Hasina.
Lợi ích của Internet và công nghệ thông tin đã đến với các ngôi làng. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ Bangladesh đã xử lý tình hình rất thận trọng. Chính phủ đã tiếp tục các hoạt động thường xuyên sử dụng nền tảng kỹ thuật số, duy trì nền kinh tế, y tế và hệ thống luật pháp, trật tự xã hội thông qua các phương tiện số hóa.
Bản thân Thủ tướng thường xuyên sử dụng các nền tảng trực tuyến để vận động, nâng cao ý thức người dân trong phòng ngừa dịch. Khoảng 5 triệu nông dân, công nhân và người lao động Bangladesh bị ảnh hưởng bởi thiên tai và đại dịch đã nhận được tiền hỗ trợ thông qua hệ thống số hóa.
Chất lượng cuộc sống của người dân Bangladesh được cải thiện trong thập kỷ qua là điều đáng ghi nhận. Sự phát triển cơ sở hạ tầng đã làm cho hệ thống thông tin liên lạc trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, việc phát triển đường cao tốc 4 làn xe được tiến hành từ Teknaf đến Tentulia.
Bangladesh đã khiến thế giới kinh ngạc khi hoàn thành việc xây dựng cầu Padma 2 tầng bằng vốn riêng của mình. Đó là lý do tại sao tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2019, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khi đó đã gọi Bangladesh là "hình mẫu của sự phát triển".
Nhiều năm nay, các nhà lãnh đạo thế giới cũng đánh giá cao các đề xuất giảm thiểu biến đổi khí hậu do bà Sheikh Hasina đưa ra tại Liên hợp quốc.
Chính phủ của bà Hasina có những thành tích kinh tế tốt nhưng cũng có những điểm khiến họ bị chỉ trích. Đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến nền kinh tế Bangladesh bị thâm hụt nghiêm trọng vì quá phụ thuộc vào xuất khẩu.
Trong năm tài chính 2021-2022, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã chậm hơn nhập khẩu 10%. Năm 2023, giá nhập khẩu nhiên liệu và lương thực thế giới tăng cao đã buộc Dhaka phải đề nghị Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cứu trợ 4,7 tỷ USD. Những lo ngại về kinh tế khiến nước này thắt chặt chính sách tiền tệ và có tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn để kiềm chế lạm phát.
Tham nhũng cũng là một vấn đề nổi cộm của Bangladesh- quốc gia được xếp hạng 147/180, với 25 điểm trên thang điểm 100, theo đánh giá chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.
Thủ tướng Sheikh Hasina từng có tên trong danh sách "Những phụ nữ quyền lực của thế giới" do tạp chí Mỹ Forbes bình chọn vào năm 2018. Bà còn nằm trong "100 nhà tư tưởng toàn cầu hàng đầu" ở thập kỷ hiện tại, do tạp chí Mỹ Foreign Policy bình chọn. Bà đã được chọn là nhân vật trang bìa tháng 9/2023 của tạp chí Mỹ Time.
Nguồn: AFP, TIME, Wikipedia
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nu-thu-tuong-tai-vi-lau-nhat-the-gioi-20240116121717266.htm