Nữ thừa kế 12 tuổi từng giàu thứ 2 thế giới chỉ sau ông trùm Rockefeller: Được cha đẻ tiên tri 'tiền nhiều nhưng không mua nổi hạnh phúc', cuối đời đem hết tài sản đi từ thiện
Trong bài cáo phó của mình, tờ New York Times đã gọi Doris Duke là 'nữ thừa kế 80 tuổi - người dùng tiền cũng chẳng thể mua được hạnh phúc'.
Trong một bữa tối với cha, cô bé Doris Duke - khi ấy mới 10 tuổi - đã nhận được lời tiên đoán tàn nhẫn mà không một đứa trẻ nào đáng phải nghe.
James "Buck" Buchanan Duke thẳng thừng nói với con gái: Trên đời này sẽ chẳng ai yêu Doris thật lòng. Dù Doris làm gì hay đi đâu, mọi người cũng sẽ chỉ yêu Doris vì tiền bạc.
"Lời nguyền" đó được người cha nhắc đi nhắc lại, trở thành ám ảnh với Doris Duke cho đến tận những ngày cuối đời.
"Buck" Duke là người sáng lập Công ty Thuốc lá Hoa Kỳ. Chỉ 2 năm sau khi đưa ra lời tiên đoán nghiệt ngã dành cho con gái, ông qua đời, hưởng thọ 68 tuổi.
Ở tuổi 12, Doris Duke thừa kế quỹ tín thác trị giá 100 triệu USD từ cha mình. Khoản tiền khổng lồ giúp bà trở thành người giàu thứ hai trên thế giới, chỉ sau tỷ phú John D. Rockefeller.
Truyền thông nhanh chóng đặt cho Doris một biệt danh sẽ gắn với bà cả đời: "Bé gái giàu nhất thế giới".
Thế nhưng, khối tài sản của Doris chưa dừng lại ở con số 100 triệu USD. Năm 1962, người phụ nữ này tiếp tục nhận thêm 250 triệu USD nữa khi người mẹ Nanaline qua đời. Tổng cộng, trước khi bước sang tuổi 40, vị tiểu thư này nắm trong tay gia sản trị giá lên đến 3 tỷ USD.
Dù bị truyền thông, những kẻ đào mỏ và những kẻ tò mò soi mói, Doris Duke vẫn may mắn được sống hết mình, vui vẻ và hoang dại. Bà dành cả đời mình để chứng minh rằng tiên đoán của cha là hoàn toàn sai lầm.
Giàu có về tài sản nhưng Doris Duke lại kém may mắn về tình duyên. Trong cuộc hôn nhân đầu tiên, bà rơi vào lưới tình với James Cromwell - một tay đào mỏ ham mê quyền lực. Hắn nhanh chóng lợi dụng tiền của vợ để chạy đua vào Thượng viện Mỹ nhưng thất bại.
Trong thời gian này, Doris đã mang thai, nhưng cha của đứa bé lại không phải Cromwell. Bà thú nhận với những người bạn của mình rằng đây là sản phẩm của một lần "mây mưa" trong chuyến đi du lịch xuyên Mỹ bằng tàu hỏa.
"Chẳng có gì khác để làm cả", nữ thừa kế nhớ lại.
Cô con gái Arden chào đời nhưng chỉ sống được 1 ngày vì sinh non. Năm 1943, Doris và James Cromwell cũng quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân của mình.
Trong chuyến thăm Rome 2 năm sau đó, Doris đã tâm sự với một người bạn:
"Đôi khi, khối tài sản khổng lồ đó cũng là một gánh nặng. Đàn ông nào cũng giống nhau. Tôi cứ quen ai một thời gian là người đó lại bắt đầu tỏ tình và nói yêu tôi. Làm sao tôi biết anh ta thật lòng với mình? Làm sao tôi dám chắc đây?"
Năm 1947, Doris tái hôn với Porfirio Rubirosa - một nhà ngoại giao người Dominica. Rắc rối hơn, đây là một người đàn ông đã có gia đình. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để làm khó người phụ nữ trẻ giàu thứ hai thế giới.
Vì quá yêu, Doris chẳng ngần ngại đến gặp người vợ của Porfirio, đề nghị bà ta 1 triệu USD để nhanh chóng ly hôn chồng. Trước khoản tiền "từ trên trời rơi xuống" này, người vợ ngay lập tức gật đầu.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân trị giá 1 triệu USD này của Doris và Porfirio chỉ kéo dài được 1 năm. Hóa ra, người chồng mới này là một kẻ trăng hoa tầm cỡ thế giới. Sau lưng bà, hắn qua lại với hàng loạt minh tinh nổi tiếng như Marilyn Monroe, Ava Gardner, Joan Crawford,....
May mắn thay, Doris đã ký hợp đồng tiền hôn nhân trước đó.
Tuy nhiên, tình cảm của Doris dành cho Porfirio dần "nguội lạnh" không phải vì chuyện ngoại tình của hắn ta. Mấu chốt nằm ở chỗ: sau khi hai người ly hôn, Porfirio đã tái hôn với kẻ thù không đợi trời chung của bà - nữ thừa kế Tập đoàn Woolworth Barbara Hutton.
Vì ra đời cùng một tuần, lại đều là những tiểu thư giàu có nhất Manhattan, nên Doris và Barbara luôn bị so sánh với nhau từ nhỏ. Dù vậy, người phụ nữ giàu thứ hai thế giới khi ấy có thể tự hào rằng mình vẫn là người chiến thắng. Bởi lẽ, cuộc hôn nhân giữa Porfirio và Barbara chỉ kéo dài vỏn vẹn 53 ngày.
Sau này, Doris cũng có nhiều nhân tình nổi tiếng, trong đó có Công tước Kahanamoku, tài tử Errol Flynn, chính trị gia người Anh Alec Cunningham-Reid và Đại tướng George Patton
Với số tiền thừa kế khổng lồ của mình, Doris Duke gần như có thể làm bất cứ thứ gì mình muốn.
Bà học hát với một trong giáo viên thanh nhanh nổi tiếng nhất lúc bấy giờ. Bà trở thành thành viên dàn hợp xướng gospel.
Trong Thế chiến 2, Doris làm việc trong căng tin quân đội ở Ai Cập với mức lương tượng trưng khoảng 1 USD/năm. Cô từng làm phóng viên ở nước ngoài một thời gian ngắn, thậm chí còn chuyển đến Paris để viết cho tạp chí Harper’s Bazaar.
Khi sống ở Hawaii, Doris trở thành người phụ nữ bên ngoài đầu tiên tham gia thi lướt sóng chuyên nghiệp. Bà được Công tước Kahanamoku - người tình lúc bấy giờ, đồng thời là một VĐV lướt sóng hàng đầu thế giới - truyền dạy những kỹ năng đỉnh cao nhất.
Doris cũng rất yêu động vật, chăm chỉ học hỏi cách trồng những loài hoa hiếm và lạ. Bà cũng sở hữu một BST tranh vô giá, đậm phong cách nghệ thuật Đông Nam Á và Hồi giáo. BST này hiện đang được trưng bày tại biệt thự cũ của bà ở Hawaii, nay là Bảo tàng Nghệ thuật, Văn hóa và Thiết kế Hồi giáo.
Doris Duke đã sống một cuộc đời thú vị, nhưng không thiếu những bê bối gây tranh cãi.
Năm 1966, Eduardo Tirella - người phụ trách những BST tranh của Doris - thông báo rằng anh ta sẽ nghỉ việc để trở thành nhà thiết kế sản xuất cho các bộ phim tại Hollywood. Anh quay về dinh thự Rough Point của bà để dọn đồ và bàn giao giấy tờ.
Theo nhiều nhân viên tại đây, Doris và Eduardo đã có một cuộc tranh cãi vô cùng nảy lửa chỉ vài giờ trước khi lên ô tô rời đi. Nữ thừa kế cho biết, Eduardo là người nhận lái xe, sau đó dừng lại ra ngoài để mở cổng. Khi đó, anh vẫn mở máy ô tô.
Để tiện đón Eduardo, Doris đã di chuyển từ ghế phụ sang ghế lái. Tuy nhiên, trong thay đổi chỗ ngồi, bà đã vô tình thả phanh và nhấn chân ga. Chiếc xe rồ lên phía trước, cán chết Eduardo và đâm vào gốc cây phía bên kia đường.
Cảnh sát tuyên bố rằng cái chết của Eduardo chỉ là tai nạn. Sau đó, gia đình anh đã đệ đơn kiện Doris vì tội vô ý làm chết người, nhưng chỉ được bồi thường 75.000 USD - con số thấp hơn nhiều so với dự kiến.
Sau hai cuộc hôn nhân không hạnh phúc, Doris không tái giá thêm lần nào nữa. Bà cũng không có bất kỳ đứa con nào. Tuy nhiên, đến gần cuối đời, nữ thừa kế này đã gặp hai người để rồi số phận của cả ba đều thay đổi mãi mãi.
Năm 1984, Doris gặp được một người phụ nữ tên là Chandi Heffner tại Hawaii. Cả hai ngay lập tức cảm thấy đồng điệu về tâm hồn, đến mức Doris tin rằng Chandi chính là "kiếp sau" của cô con gái Arden quá cố.
Doris và Chandi cùng nhau đi du lịch khắp thế giới, tận hưởng cuộc sống giàu sang bằng tiền của nữ thừa kế. Họ mua một chiếc Boeing 737 trị giá 25 triệu USD, rồi nhận nuôi hai chú lạc đà đang gặp nguy hiểm. Chandi không chỉ là người quản lý đội ngũ nhân viên của Doris, mà còn cố vấn cho bà về các vấn đề tài chính.
Trong mắt mọi người, họ là cặp đôi không thể tách rời.
Năm 1988, Doris gây sốc khi nhận Chandi - một phụ nữ đã 35 tuổi - làm con gái nuôi. Bà thậm chí còn hứa sẽ đảm bảo một cuộc sống sung túc cho Chandi trong suốt phần đời còn lại, ủy quyền cho cô này phân chia tài sản thừa kế sau khi mình mất.
Tuy nhiên, mọi dự định mà Doris dành cho Chandi đã thay đổi khi bà gặp Bernard Lafferty.
Trớ trêu thay, người đã đưa Bernard vào cuộc đời Doris lại chính là Chandi. Bernard từng làm quản gia cho nhà Claudia Heffner - chị gái của Chandi, người vừa mới trở thành thông gia với gia đình David Beckham.
Bernard là trẻ mồ côi gốc Ireland, sau đó sang Mỹ sống vào năm 35 tuổi. Doris thuê ông làm quản gia vào năm 1987. Ông cống hiến hết mình cho nữ thừa kế và trở thành người thân cận nhất với bà trong những năm cuối đời.
Năm 1993, Doris Duke qua đời ở tuổi 80. Trước đó, Bernard được chỉ định là người quản lý dinh thự sau khi bà chết.
Vào thời điểm đó, Doris đang sở hữu khối tài sản trị giá 5,3 tỷ USD. Bà nắm trong rất nhiều tiền mặt và danh mục đầu tư, bất động sản trải dài khắp cả nước, vô số trang sức và những BST tranh đình đám của Picasso, Monet, Van Gogh,... Ngoài ra, người phụ nữ này còn có BST rượu hiếm lên đến 2.000 chai, trị giá hơn 5 triệu USD.
Theo di chúc, phần lớn tài sản của Doris sẽ được dùng để làm từ thiện. Ngày nay, Quỹ Từ thiện Doris Duke đang quản lý khối tài sản trị giá xấp xỉ 2 tỷ USD. Trong vòng 30 năm tồn tại, quỹ này đã quyên góp được gần 1,8 tỷ USD.
Thế nhưng, Chandi lại chẳng nhận được một đồng nào từ mẹ nuôi.
Năm 1995, cô kiện lên tòa án và nhận 65 triệu USD tiền bồi thường. Hiện tại, Chandi đang sống tại trang trại mà Doris mua cho mình ở Hawaii. Bernard lại kém may hơn khi qua đời vì một cơn đau tim vào năm 1996, khi đang yên giấc nồng trong dinh thự Bel-Air trị giá 2,1 triệu USD.
Đến tận bây giờ, không ai dám khẳng định cha của Doris đúng hay sai khi "tiên tri" rằng mọi người sẽ chỉ yêu con gái mình vì tiền. Dù vậy, người đời vẫn ngưỡng mộ nữ thừa kế này khi bà chưa bao giờ từ bỏ việc chứng minh cha mình đã sai trong suốt cả cuộc đời.
(Theo CNW)