Nữ tiến sĩ 9X đam mê nghiên cứu giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc
Vừa hoàn thành sau tiến sĩ ở Lyon (Pháp) thì Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu (sinh năm 1991) lại mới nhận lời mời làm sau tiến sĩ ở Mỹ, dự tính bắt đầu từ tháng 5/2021.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Châu kể, hồi nhỏ rất thích trồng cây và nuôi động vật. Dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đông đúc chật chội, mẹ của Châu vẫn cố gắng để dành ra khoảng không gian cho cây xanh và cho mình trồng những cây đậu biếc, cây lúa nho nhỏ.
Giờ đây đã là nghiên cứu viên sau tiến sĩ nhưng chị Châu vẫn nhớ cảm giác hồi hộp khi hàng ngày ra vườn tưới nước, quan sát hạt đậu nảy mầm, ra những chiếc lá đầu tiên, đơm hoa và kết thành những quả đậu.
Đến khi học phổ thông tại trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, cô học trò Nguyễn Minh Châu bắt đầu yêu thích Hóa học và Sinh học vì nhận thấy những môn học này gắn liền với thực tiễn và có những ứng dụng trong đời sống.
“Đến khi thi đại học, tôi thi đỗ và học cử nhân Sinh học, chuyên ngành Hóa sinh, Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội – Đại học Quốc gia Hà Nội.
May mắn được theo học chương trình quốc tế nên học, thuyết trình và thi cử đều bằng tiếng Anh, nhờ kiến thức và kĩ năng, phản xạ ngoại ngữ tích lũy trong quá trình học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên đã giúp tôi nhận được học bổng chính phủ Pháp vào năm 2014 và 2015 để học thạc sĩ tại Đại học Pierre và Marie Curie (Paris 6), Paris, Pháp và làm tiến sĩ ở trường đại học Paul Sabatier (Toulouse 3), Toulouse, Pháp.
Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, với mong muốn được làm chuyên sâu về mảng ứng dụng của Hóa sinh trong phát triển thuốc nên đã tham gia vào chương trình đào tạo sau tiến sĩ”, Tiến sĩ Châu kể.
Mới hoàn thành chương trình sau tiến sĩ ở Lyon (Pháp) về phát triển thuốc điều trị bệnh sốt rét, Tiến sĩ Châu đã nhận lời mời tham gia vào chương trình sau tiến sĩ ở Colorado (Mỹ) để nghiên cứu về di truyền ngoại gen - một quá trình liên quan đến nhiều bệnh như ung thư, tim mạch.
Hứng thú với Hóa học và Sinh học vì tính ứng dụng trong đời sống, hơn nữa, trong y học và hóa sinh giúp ích trong quá trình chẩn đoán, điều trị nhiều bệnh lí lại càng khiến sự hứng thú ở lĩnh vực này của Châu tăng lên gấp bội.
Tiến sĩ Châu hào hứng kể về những thú vị, hấp dẫn ở lĩnh vực mà chị đam mê, nào là phản ứng khuếch đại gen (PCR) - một trong những thành tựu quan trọng nhất của hóa sinh phân tử, được ứng dụng rộng rãi trong việc phát hiện mầm bệnh, ví dụ như SARS-CoV-2.
Còn trong nông nghiệp, kiến thức hóa sinh giúp phòng ngừa bệnh tật và nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi.
Trong công nghiệp, các protein xúc tác sinh học (hay còn gọi là enzyme) có rất nhiều ứng dụng trong thực phẩm, giặt tẩy, phân giải giác thải công nghiệp,… vì những protein này có độ đặc hiệu cao và ít tạo ra tác dụng phụ hơn hóa chất thông thường.
“Ở lĩnh vực khám phá thuốc mà tôi đang theo đuổi, kiến thức Hóa sinh giúp các nhà khoa học hiểu hơn về tương tác giữa phân tử thuốc và protein đích, qua đó giúp tối ưu hóa tác dụng của thuốc, cũng như giảm thiểu tác dụng phụ”, nữ tiến sĩ chia sẻ.
Khi phóng viên đặt băn khoăn rằng, khi xong chương trình sau tiến sĩ tại Mỹ dự tính kéo dài 3 năm thì chị có trở về Việt Nam không thì Tiến sĩ Châu chia sẻ: “Trong 3 năm đó sẽ có rất nhiều thay đổi nên tôi cũng không thể nói trước được chuyện có về nước làm việc hay không. Dù lựa chọn như thế nào thì tôi vẫn sẽ luôn nhớ rằng mình là người Việt Nam và nỗ lực hết sức có thể cống hiến cho sự phát triển của nước nhà”.
Có dịp giao lưu, học hỏi từ các nước châu Âu khi nhìn về thực tế tại Việt Nam thì Tiến sĩ Châu luôn đau đáu 2 trăn trở đó là về văn hóa đọc và vấn đề bảo vệ môi trường.
“Trong thời đại mà intenet và các mạng xã hội như Facebook, Youtube ngày càng phổ cập, người ta ngày càng ngày càng dành ít thời gian dành cho việc đọc sách, nhất là các loại sách lí luận.
Đây cũng là vấn nạn chung của toàn thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Về vấn đề bảo vệ môi trường, tôi thấy ở Việt Nam, túi nilon vẫn được sử dụng rộng rãi và bị vứt ra ngoài môi trường.
Một điều nữa đó là phần lớn các hộ gia đình ở Việt Nam vẫn chưa có thói quen phân loại rác tái chế (bao bì giấy, nhựa tái chế, thủy tinh)”, nữ tiến sĩ 9X nói.
Cuối cùng, nữ tiến sĩ dành thời gian nói sâu hơn về khái niệm tiến sĩ và sau tiến sĩ.
Theo lý giải của Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, tiến sĩ (Doctor of Philosophy, PhD) là học vị được cấp bởi các trường đại học nghiên cứu. Mục tiêu của chương trình tiến sĩ là để đào tạo ra các chuyên gia trong một lĩnh vực khoa học, có khả năng nghiên cứu độc lập. Bản thân quá trình học tiến sĩ khác các bậc học khác ở chỗ để đạt được tấm bằng này, người học tiến sĩ (PhD candidate) phải có một vài ý tưởng, công trình nghiên cứu của riêng mình, chứ không phải dựa vào kết quả kiểm tra và thi cuối kì.
Ở các trường đại học và viện nghiên cứu ở phương Tây, bằng tiến sĩ là điều kiện tối thiểu để nhận chức vụ giảng viên, giáo sư. Phần lớn các nghiên cứu viên trong các viện nghiên cứu, công hay tư, đều có bằng tiến sĩ.
Sau tiến sĩ (postdoc) là vị trí nghiên cứu tạm thời, làm việc dưới sự hướng dẫn của một nhà khoa học có kinh nghiệm (advisor), giúp cho những tiến sĩ mới tốt nghiệp tích lũy thêm kinh nghiệm nghiên cứu trước khi làm ở những vị trí chính thức (giảng viên, nghiên cứu viên…).
Giai đoạn sau tiến sĩ rất phổ biến trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, ví dụ như sinh học. Nghiên cứu viên sau tiến sĩ thường được trả lương bằng tiền dự án họ tham gia hoặc tiền tài trợ từ các quỹ.
Qua trao đổi với vị này để thấy rằng giai đoạn tiến sĩ và sau tiến sĩ là những bước đầu tiên tất yếu trên con đường trở thành nhà nghiên cứu.