Nữ tình báo Đinh Thị Vân và những lần trở về từ 'địa ngục trần gian'
Khuyên chồng lấy vợ mới để yên tâm làm nhiệm vụ, bị địch bắt tra tấn thừa sống thiếu chết vẫn không hề run sợ… Đây là vài nét phác thảo về chân dung đại tá Đinh Thị Vân, nữ tình báo huyền thoại của Việt Nam.
Khuyên chồng lấy vợ mới
Nữ tình báo - Đại tá Đinh Thị Vân, sinh năm 1916, ở làng Đông An, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Tên thật của bà là Đinh Thị Mậu, xuất thân trong một gia đình nho học, có truyền thống yêu nước.
Nữ tình báo-Đại tá Đinh Thị Vân
Ngay từ nhỏ, nữ tình báo Đinh Thị Vân đã giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ làm giao thông liên lạc, cất giữ tài liệu bí mật của Đảng và tham gia tổ chức nhóm “ái hữu tương tế”, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng.
Đến tuổi cập kê, bà lập gia đình với một người cùng quê, từ đó mọi người thường gọi tên bà theo tên chồng là Vân.
Tháng 6/1954, Đinh Thị Vân được giao nhiệm vụ về Hà Nội hoạt động bí mật trong lòng địch, gây dựng cơ sở, tìm hiểu những ý đồ chiến lược của địch.
Nhận nhiệm vụ mới, bà ý thức được sự nguy hiểm và có thể kéo nhiều năm, nên chủ động khuyên chồng lấy vợ khác. Trước giờ lên đường, bà được tổ chức báo tin chồng bà bằng lòng kết hôn với một người phụ nữ khác. Bà âm thầm nén nỗi lòng riêng, mừng cho chồng vì từ nay đã có người thay bà nâng khăn sửa túi.
Tháng 10/1954, Đinh Thị Vân nhận lệnh bí mật vào Nam trong vai người đi buôn kiếm sống. Từ đấy, ngày ngày, “dì Sáu di cư” (tên bà con xóm nghèo gọi chị Vân) gánh hàng đi bán rong khắp ngõ phố Sài Gòn… từng bước, hòa vào nhịp sống Sài Gòn đồng thời bí mật hoạt động cách mạng.
Tại thời điểm này, để hỗ trợ cho hoạt động của chị, cấp trên quyết định thông báo: “Đinh Thị Vân đã phản Đảng, bỏ nhiệm vụ chạy trốn vào Nam. Tuyên án tử hình vắng mặt”. Tin dữ lan truyền quá nhanh, anh em đồng chí, họ hàng, quê hương… đều bàng hoàng, sửng sốt.
Mạng lưới tìпh báo do bà xây dựng đã cung cấp cho qυân ta nhiều tin tức có giá trị góp phần vào chiến công chung của ngành tình báo. Một trong những thành tích đáng kể là điều tra tỉ mỉ hệ thống phòng ngự của quân ngụy ở Nam vĩ tuyến 17 trong giai đoạn 1959 – 1960.
Ngoài ra, bà còn cùng với mạпg lưới của mình lập nhiều chiến công khác như thông tin kịp thời về việc Mỹ sẽ đổ quân vào Nam Việt Nam sau khi chiến lược chiến tranh đặc biệt thất bại, hay biết trước kế hoạch của cuộc hành quân Junction City giúp quân ta chủ động đối phó làm thất bại âm mưu của chúng.
Hiên ngang trước đòn tra tấn man rợ
Tháng 8/1959, khi đang hoạt động trong lòng Sài Gòn, bà bị địch bắt do một tên phản bội chỉ điểm. Mật vụ thay nhau tra khảo suốt đêm không nghỉ với những trận đòn vùi dập khiến 10 ngón tay bà sưng húp, không cựa quậy được.
Không lấy được thông tin gì, chúng đem máy quay điện đến. Bà thấy những tia xanh đỏ lóe lên trước mặt, toàn thân rung lên rồi không biết gì thêm. Ngất đi, tỉnh dậy không biết bao lần nhưng bà không hé răng khai nửa lời khiến mật vụ cay cú trói bà vào ghế.
Địch đổi cách tra tấn. Chúng cho một tên nói năng nhỏ nhẹ đến tâm sự. Bà nghĩ: “Chúng bay còn 3 cách, chứ 30 cách tra tấn nữa, tao cũng không sợ”. Bà lại tiếp tục im lặng khiến tên này không moi được gì.
Tức giận, địch treo ngược bà lên, đạp văng từ bên này sang bên kia, có lúc quay tít như con quay, đầu óc choáng váng, nước mắt, nước mũi trào ra. Sau chúng giúi đầu bà xuống thùng nước xà phòng, bắt bà uống nước đầy bụng, rồi trói chặt bà vắt lên nắp thành phuy chứa nước bẩn, đưa máy quay điện dí sát vành tai rồi quay mạnh... Bà vẫn kiên định.
Địch lại đổi “chiến thuật”. Chúng nói: “Nếu thực sự bà chỉ là người buôn bán, thì giấy bút đây, bà viết hai câu: Đả đảo Cộng sản, đả đảo Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ thả bà ngay”. Bà lấy lý do tay đau, chúng lại bảo bà hô bằng miệng cũng được, bà cũng không chịu. Lại những cuộc tra tấn chết đi, sống lại.
Đầu năm 1964, lợi dụng sự thay đổi của Mỹ - ngụy với nhiều sơ hở, cùng bản lý lịch người đi buôn bị bắt oan do quân ta bố trí và vận động bằng nhiều cách, Đinh Thị Vân được trả tự do.
Ra tù, bà lập tức kiểm tra lại an toàn mạпg lưới, rồi tìm cách chắp nối liên lạc với các đồng chí và cấp trên để nhận nhiệm vụ mới với vai một người đi buôn vải, đan bít tất khoán, bán hàng tạp hóa…
Chuẩn bị "Vụ Mùa"
Trong cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 mà tìпh báo gọi là kế hoạch “Vụ Mùa”. Bà Đinh Thị Vân là người trực tiếp tham gia vào việc chuẩn bị “Vụ mùa’ ở Sài Gòn, làm giao liên dẫn đường cho lực lượng ở bên ngoài vào.
Tất cả tin tức đều đã được mạпg lưới của bà kịp thời báo cáo ra Bộ chỉ huy chiến dịch kèm theo những ý kiến phân tích xác đáng. Mọi kế hoạch đều được tuyệt đối giữ bí mật tới mức khi “Vụ mùa” đã triển khai mà địch vẫn không hề hay biết.
Bà và mạпg lưới của bà đã cung cấp sớm cho tổ chức những tin quan trọng như: Việc Mỹ đưa bao nhiêu quân vào miền Nam, sự bố trí giữa quân Mỹ và quân ngụy, hỗn hợp quân Mỹ-ngụy; kế hoạch xây dựng nghĩa quân, địa phương quân của địch trên 43 tỉnh, thành miền Nam; chiến dịch “ba mũi tên tìm-diệt” mà Mỹ-ngụy dự định tiến hành...
Tháng 3/1969, do yêu cầu công tác và tình hình sức khỏe của bà Vân bị giảm sút sau những năm tháng tù đày bị địch tra tấn dã man và hoạt động vất vả, căng thẳng trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, cấp trên đã quyết định điều bà ra Hà Nội để điều trị và phân công bà làm công tác huấn luyện.
Ngày 25/8/1970, bà Đinh Thị Vân được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân với lời tuyên dương: “Đồng chí thiếu tá Đinh Thị Vân là một cán bộ mẫu mực trung thành tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng trong những hoàn cảnh rất khó khăn”.
Bà Đinh Thị Vân mất ngày 11/12/1995 tại Hà Nội.