Nữ tình nguyện viên Bắc Giang ngất xỉu vì liên tục bốc dỡ hàng tiếp tế
Hỗ trợ bốc dỡ 3 xe chở hàng hóa thiện nguyện từ sáng sớm, đến xe thứ 4, Hoàng Thị Hiền choáng váng, lả đi giữa cái nắng gần 40 độ C.
"Thực sự không nghĩ hôm đó lại như vậy bởi thường ngày mình vốn được khen có thể lực tốt, nhiều người còn bảo mình 'khỏe như trâu'", Hoàng Thị Hiền (sinh năm 1993) nói với Zing về sự cố xảy ra ngày 30/5.
Khoảng nửa tháng nay, từ khi khu vực Núi Hiểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên) bị phong tỏa cũng là lúc Hiền và nhóm thanh niên tình nguyện ở địa phương tiến hành công tác hỗ trợ chống dịch Covid-19.
Hôm đó, Hiền cùng một thành viên trong đội tiến hành dỡ xe hàng tiếp tế, phần lớn là thực phẩm khô, rau củ. Muốn mọi người được nghỉ ngơi thêm một chút sau ngày làm việc mệt mỏi hôm trước, hai cô gái quyết định đến nơi tập kết sớm hơn, khoảng 7h30 và vào việc trước.
Tuy nhiên, Hiền không ngờ sáng hôm đó có liên tục 3 xe hàng đến. Cùng mọi người phân chia xong cũng là khoảng 10h, lúc này, cô đã thấm mệt. Đến 11h, tiếp tục có một chuyến hàng được mạnh thường quân từ Phú Thọ gửi tặng.
"Vì làm việc trước mọi người, mình và Thơ cũng khá đuối dù đã uống nước, sữa. Mình cố gắng cùng mọi người dỡ nốt chuyến cuối cho nhanh xong việc. Tuy nhiên khi đó đã là tầm trưa, nắng gắt, mình bước lên thùng xe nóng hầm hập, lại có hơi nóng từ đường nhựa hắt lên nên bị choáng, lả đi", Hiền kể.
May mắn, cô được một số lái xe và đồng đội nhanh chóng sơ cứu, đưa vào khu vực mát nghỉ ngơi. Tuy nhiên sau khoảng 2 tiếng, cảm thấy đỡ hơn, không đành lòng nghỉ nguyên ngày khi thấy đồng đội vất vả, Hiền quay lại ngỏ ý hỗ trợ.
"Mọi người ngăn, không cho mình làm tiếp, vừa khuyên vừa mắng, sợ mình mệt. Lúc đó thương mọi người quá, mình đành đứng cạnh cổ vũ, tiếp năng lượng cho họ".
Không hối hận
Nửa tháng tiến hành công tác tình nguyện, các thành viên trong đội của Hiền luôn trong tình trạng sẵn sàng khi được phân công nhiệm vụ.
"Ban đầu nhóm có 30 thành viên. Tuy nhiên sau đó địa phương yêu cầu giảm bớt để tránh tụ tập quá đông, một số thành viên cũng phải cách ly vì liên quan ca mắc Covid-19 nên con số còn lại 15. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có chung mục tiêu chống dịch".
Ngoài bốc dỡ hàng tiếp tế từ các đoàn từ thiện, phân phát cho người dân, công nhân, nhóm tình nguyện của Hiền còn phụ giúp nhân viên y tế trong công tác lấy mẫu xét nghiệm.
Bên cạnh đó, các thành viên cũng kêu gọi ủng hộ tiền để mua nhu yếu phẩm, vật tư y tế tặng người có hoàn cảnh khó khăn.
"Ngày 1/6, nhóm mình đã trao hàng trăm suất quà cho các cháu nhỏ đang trong khu phong tỏa. Các thành viên cũng đang tổng hợp danh sách các công nhân mang thai gần đến ngày sinh trên địa bàn để hỗ trợ bỉm, sữa, tã".
Thông thường, cả nhóm sẽ bắt đầu công việc từ khoảng 7h, 8h hoặc sớm hơn tùy thuộc vào thời điểm xe hàng tiếp tế đến hoặc yêu cầu hỗ trợ từ các y bác sĩ. Hôm nào sớm thì 22h xong việc, hôm muộn có thể kéo dài đến 1h, 2h sáng.
Cũng vì vậy, việc ăn uống của các thành viên cũng không cố định, thường tranh thủ khi công việc ngớt. Có lúc, mỗi người vơ vội cái bánh mì, thêm hộp sữa là lại bắt tay vào việc.
Thời gian này, ngoài khối lượng công việc cần hỗ trợ lớn, việc mặc đồ bảo hộ là điều khiến công tác tình nguyện của nhóm thanh niên thêm phần vất vả. Hầu như tay ai cũng phồng rộp, đỏ ửng vì cháy nắng và xịt quá nhiều cồn sát khuẩn, quần áo luôn trong tình trạng ướt sũng mồ hôi.
"Dù vậy, bọn mình xác định đã đến đây hỗ trợ thì không ngại vất vả, cốt làm sao có thể giúp chống dịch. Da cháy nắng sau này có thể dưỡng lại, dịch không dập được ngay mới đáng sợ".
Điều duy nhất khiến cô gái sinh năm 1993 áy náy là khiến gia đình lo lắng.
"Ban đầu, gia đình không phản đối mình chuyện đi tình nguyện. Nhưng khi thấy được clip mình ngất hôm đó, mẹ đã gọi điện mắng; bố thì khóc, trách mình không biết tự giữ gìn sức khỏe; cô mình cũng vừa sụt sùi vừa nói thương cháu gái, dặn khi nào mệt quá thì nghỉ, không được cố nữa. Mình biết dù trách mắng hay không, mọi người cũng đều vì thương, lo cho mình".
Dù gặp nhiều khó khăn, Hiền và các thành viên nhóm tình nguyện vẫn không hối hận khi quyết định góp sức chống dịch. Đối với nhóm thanh niên, khi mọi người cùng chung tay, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi.
"Chúng mình xác định sẽ hỗ trợ đến khi nào tình hình ổn định, người dân được trở lại cuộc sống bình thường. Từ giờ đến lúc đó, bọn mình sẽ cố gắng giữ sức khỏe, tự bảo vệ bản thân để không ai bị đi cách ly hay nhiễm bệnh nữa".