Nữ tổ trưởng 'lá chắn' tại khu phố
Bà Lê Kim Chung (sinh năm 1954), Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố, khu phố 6, phường 3, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh được thanh niên tại địa phương gọi bằng cái tên thân mật là 'Má Chung lá chắn'. Với vóc dáng khỏe khoắn, đôi chân thoăn thoắt và nụ cười luôn nở trên môi, bà trở thành 'lá chắn' vững chắc trước các tệ nạn ma túy tại địa bàn khu phố.
Bà Lê Kim Chung luôn niềm nở với người dân khi có yêu cầu hỗ trợ giải quyết công việc.
“Má Chung lá chắn”
Đầu những năm 2000, tại khu phố 6, phường 3, quận Bình Thạnh tệ nạn xã hội rất phức tạp, đặc biệt là tệ nạn ma túy. Nhiều người nghiện tại địa phương bị nhiễm HIV không biết chia sẻ cùng ai. Vì thế, năm 2004, Câu lạc bộ Lá Chắn thuộc khu phố ra đời dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy phường 3, quận Bình Thạnh. Bà Lê Kim Chung (Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố, khu phố 6) được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lá Chắn. Thành viên của câu lạc bộ là tất cả phụ huynh có người thân, con em vướng vào tệ nạn ma túy. “Mỗi một gia đình phải là một lá chắn lớn. Mỗi một hội viên phụ nữ cũng phải là một lá chắn thép, là một “cảnh sát hình sự” để che chắn những tệ nạn cho gia đình mình”, bà Lê Kim Chung giải thích ý nghĩa cái tên câu lạc bộ mà mình làm chủ nhiệm.
Qua thời gian, bằng những việc làm thiết thực, câu lạc bộ dần trở nên quen thuộc, gần gũi với từng hộ gia đình tại địa phương. Tận tâm, nhiệt thành trên cương vị chủ nhiệm và sự gần gũi, yêu thương, trân trọng, chở che những người lầm đường lạc lối (phần lớn là thanh niên) khiến bà Chung được những người trẻ tại địa phương gọi bằng cái tên thân mật “Má Chung lá chắn”.
Chia sẻ về động lực gắn bó với vai trò Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố gần 20 năm nay (từ năm 2002), bà Lê Kim Chung cho biết, chính con trai cả của bà là nạn nhân của ma túy. “Khi tôi phát hiện con trai không bình thường, không ăn cơm mà chỉ uống nước ngọt, tôi liền âm thầm theo dõi mới biết nó đã chơi ma túy. Sau đó, tôi đưa con lên phường trình diện và chấp nhận cho con đi cai nghiện bắt buộc. Khi có con bị vướng tệ nạn như vậy, tôi mới thấu hiểu được nỗi khổ của những gia đình có người thân, con cái vướng vào cái “chết trắng” này”, bà Lê Kim Chung bày tỏ.
Từ “bi kịch” của gia đình, bà Lê Kim Chung quyết tâm tham gia phòng, chống tội phạm tại địa phương. Nhiều lần bà lầm lũi đi vào những con hẻm sâu hun hút trong đêm tối để tìm “bắt” tội phạm. Tuy nhiên, khi gặp tội phạm, thậm chí bắt quả tang bọn chúng trao tay mua bán ma túy nhưng bà đành bất lực, không thể bắt được do không có người trợ giúp, không có phương tiện hỗ trợ. Vì thế, bà tìm gặp công an khu vực để “xin” vào lực lượng tổ bảo vệ dân phố.
“Anh công an khu vực bảo: Chị là phụ nữ làm công việc này nguy hiểm lắm. Không nản, hôm sau, tôi tiếp tục lên phường tìm gặp trực tiếp đồng chí trưởng công an phường và khẳng định chắc nịch - phụ nữ cũng bắt được tội phạm ma túy. Anh ấy liền nói: Nếu chị tự nguyện vào tổ bảo vệ dân phố thì tôi hoan nghênh. Từ đó, tôi chính thức khoác trang phục của người làm nhiệm vụ bảo vệ tổ dân phố, có chính danh để đấu tranh, trấn áp tội phạm trên địa bàn”, bà Lê Kim Chung hào hứng hồi tưởng thời khắc bước vào “nghề”.
Vẫn tiếp câu chuyện, bà Chung kể, có lần, tại hẻm 136, đường Vạn Kiếp, phường 3, quận Bình Thạnh, bà bắt gặp một người phụ nữ lạ mặt dừng xe, tay cầm vật gì đó dòm ngó dáo dác xung quanh. “Lúc này, tôi liền nhào tới bảo: Tôi là bảo vệ dân phố đây, xòe tay ra. Khi tay cô ta xòe ra, tôi nhìn thấy hai viên óng ánh gói bằng giấy bạc. Ngay tức khắc tôi khống chế cô ấy, đưa lên công an phường”, bà Lê Kim Chung nhớ lại khoảnh khắc bắt tội phạm buôn bán ma túy.
Từ khi bà Chung làm Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố, kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lá Chắn đến nay, tình hình tội phạm trên địa bàn khu phố giảm rõ rệt. Ông Bùi Đức Thạnh, Bí thư Chi bộ khu phố 6, phường 3, quận Bình Thạnh cho biết, thành tích phòng, chống tội phạm của bà Lê Kim Chung được chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao. “Đến nay, tội phạm ma túy trên địa bàn cơ bản đã được đẩy lùi”, ông Bùi Đức Thạnh khẳng định.
Người chỉ biết “cho đi“
Dù là một trong những điển hình tiên tiến tại địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn nhưng bà Lê Kim Chung không màng đến “báo cáo thành tích”. Bà Lê Kim Chung cho biết, nhiều lần được Bí thư Chi bộ khu phố 6 bảo viết báo cáo thành tích để xét biểu dương nhưng bà đều lảng tránh. “Viết báo cáo tôi không quen, nhức đầu lắm, thà yêu cầu tôi đi trực cả ngày lẫn đêm cũng được”, bà Lê Kim Chung chia sẻ thật lòng.
Khi được hỏi về mức thù lao của Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lá Chắn, bà Lê Kim Chung cho biết, bà không quan tâm thù lao nhiều hay ít. “Tôi làm từ cái tâm, từ chính hoàn cảnh gia đình mình, chỉ mong những gia đình khác không lâm vào hoàn cảnh tương tự. Như thế là tôi mãn nguyện rồi”, bà Lê Kim Chung tâm sự.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, bà Lê Kim Chung tự nguyện đảm nhiệm thêm nhiệm vụ mới, đó là đi đầu trong công tác vận động bà con trong khu phố chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền. Hằng ngày, bà đi đến từng hộ gia đình để phát tờ rơi tuyên truyền cách thức phòng, chống dịch; nhắc nhở từng người hạn chế ra đường, phải đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.
Trong mùa dịch bệnh, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, mất việc, bà Lê Kim Chung đã tự bỏ tiền của mình ra để mua những phần quà như gạo, mì tôm, nước tương… đến tận nơi tặng. Bà cho rằng, bản thân mình không giàu, nhưng nhiều người còn nghèo hơn mình, nên cứ cho đi. “Tôi không giúp được nhiều, nhưng ít ra cũng giúp được một số gia đình khó khăn trong khu phố nơi tôi sinh sống. Những hoàn cảnh ấy tôi hiểu hơn ai hết”, bà Lê Kim Chung bày tỏ.
Chính sự cho đi mà không màng nhận lại đó, bà Lê Kim Chung không chỉ là “Má Chung” của nhiều thanh niên lầm lỗi mà còn là “bà Bụt” của người dân lao động nghèo. Thanh niên yêu quý bà vì đã giúp cảm hóa họ, đưa họ về cuộc sống bình thường như bao người khác, người lao động nghèo quý bà bằng chính sự sẻ chia không vụ lợi. Chính vì thế, tiếng nói của bà luôn có sức thuyết phục tại khu phố; mọi người nghe theo bà không phải bằng mệnh lệnh mà bằng niềm tin đến từ trái tim.