Nữ tổng thống đầu tiên của Moldova từng bị công kích nặng nề vì không kết hôn
Con đường tranh chức tổng thống của bà Maia Sandu, 48 tuổi đầy chông gai. Đối thủ đặc biệt nhắm mục tiêu đến Sandu vì bà là phụ nữ. Đặc biệt trong hai tuần trước giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử, Sandu đã bị công kích nặng nề vì không kết hôn và lập gia đình.
Cựu thủ tướng Maia Sandu đã giành chiến thắng trong cuộc đua tranh cử tổng thống với 57,7% số phiếu phổ thông, trong khi tổng thống đương nhiệm Igor Dodon chỉ được 42,2% phiếu bầu.
Cristina Gherasimov, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức nói: "Với việc trở thành nữ Tổng thống Moldova đầu tiên, Maia Sandu đã phá vỡ những rào cản vô hình và cứng nhắc mà chỉ có rất ít phụ nữ ở các quốc gia hậu Xô Viết có thể đạt được cho đến nay". Người này cho biết thêm: "Điều này mang lại hy vọng và tinh thần dũng cảm cho phụ nữ trẻ ở Moldova theo đuổi sự nghiệp mà họ lựa chọn".
Theo Gherasimov, con đường tranh chức tổng thống của Sandu đầy chông gai. Đối thủ đặc biệt nhắm mục tiêu đến Sandu vì bà là phụ nữ: "Đặc biệt trong hai tuần trước giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử, Sandu đã bị công kích nặng nề vì không kết hôn và lập gia đình". Gherasimov nói: "Ở tuổi 48, những bình luận lệch lạc và phân biệt giới tính là một trong những thách thức chính mà bà ấy phải nhận từ các đối thủ, đặc biệt là trong hai chiến dịch tranh cử tổng thống trước đó vào năm 2016 và 2020".
Moldova là quốc gia có khoảng cách giới tính cao thứ 23 trên thế giới, nằm gần Colombia với Trinidad và Tobago trong danh sách bình đẳng giới trên thế giới.
Đây không chỉ là lần đầu tiên đất nước này do một phụ nữ lãnh đạo, cuộc bầu cử của Sandu còn báo hiệu một làn gió mới thay đổi mối liên kết giữa Moldova và thế giới, vì Maia Sandu là người ủng hộ châu Âu. Tuy nhiên, bà cũng phải thật khéo léo điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình.
Gherasimov nói: "Quyền hạn của Sandu hầu như chỉ giới hạn trong chính sách an ninh và đối ngoại. Là một chính trị gia thân châu Âu, bà Sandu sẽ tìm cách xóa bỏ những tổn hại mà Tổng thống Dodon đã gây ra cho mối quan hệ của Moldova với các đối tác phương Tây như Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ bằng cách đưa đất nước ra khỏi sự cô lập quốc tế sau khi chính quyền của bà thắng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng 11/2019. Bà cũng sẽ duy trì quan hệ ngoại giao tốt với Nga dựa trên lập trường chính sách đối ngoại bà đã đưa ra trong cuộc bầu cử này để đoàn kết các cử tri đang bị chia rẽ trên phương diện chính trị".
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gửi lời chúc mừng bà Sandu sau cuộc bầu cử. Trong một tuyên bố, ông cho biết: "Tôi kỳ vọng rằng với tư cách là nguyên thủ quốc gia, bà sẽ góp phần phát triển và xây dựng mối quan hệ giữa các nước chúng ta. Điều này chắc chắn sẽ đáp ứng lợi ích cơ bản của người dân Nga và Moldova."
Gherasimov nói: “Nhiều người đàn ông, đặc biệt là các chính trị gia và quan chức nhà nước sẽ gặp vấn đề với việc Sandu làm tổng thống. Không nghi ngờ gì về điều này nữa vì đó chính là nhận thức về giới và vai trò nghề nghiệp truyền thống của phụ nữ".
Trước khi bắt đầu tham gia chính trị năm 2012, Sandu từng là nhà kinh tế học tại Ngân hàng Thế giới. Bà đã vận động chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình trên nền tảng chống tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế việc chính phủ đang bị chia rẽ sẽ là thách thức đối với bà Sandu.
Gherasimov giải thích thêm: "Lợi thế của Sandu trong cuộc chiến chống tham nhũng chính là việc bà ấy là một tấm gương về sự liêm chính, một đặc điểm còn thiếu ở nhiều chính trị gia Moldova hiện nay. Một người đứng đầu liêm chính có thể thúc đẩy các thế hệ chính trị gia trẻ tránh nạn tham nhũng".
Bà Sandu chia sẻ sau chiến thắng của mình: "Tôi đang thúc đẩy Moldova gia nhập EU. Và đây là những gì tôi sẽ làm với tư cách một vị tổng thống".
Nguồn: Forbes