'Nữ tướng' chống dịch Covid-19 nơi cửa ngõ Hà Tĩnh

Khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đã có bao gương sáng phụ nữ nơi tuyến đầu chống dịch sẵn sàng gác lại bồn bề lo toan gia đình, nguyện trở thành 'lá chắn thép' cho người dân. Chị Phạm Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân chính là một trong những 'bông hồng thép' như thế.

Covid-19 đã trở thành cuộc chiến chưa có hồi kết, là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với toàn nhân loại. Những đau thương, mất mát tột cùng khi hàng triệu người phải ra đi, những hy vọng đã đuợc thắp lên khi vắcxin phòng bệnh được nghiên cứu, sản xuất, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi hoàn toàn. Và trên trận tuyến chiến đấu cam go với dịch bệnh luôn có những người “nữ anh hùng” trong đoàn quân cảm tử.

Chị Phạm Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân tại lễ trao quyết định.

Trong cuộc chiến không khoan nhượng này, Bác sỹ Phạm Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đành gác lại những niềm vui cùng gia đình, mang theo hành trang là những liều vắcxin, chiếc khẩu trang, lọ sát khuẩn cùng quần áo bảo hộ, ngày đêm trực chiến. Với nhiệm vụ chính là phụ trách mảng phòng, chống dịch bệnh và hoạt động ngoài viện, chị đã chỉ đạo đơn vị xây dựng các tình huống, triển khai các phương án phòng, chống dịch Covid-19 như: tập trung khoanh vùng truy vết, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại cộng đồng, tham mưu cho UBND huyện thiết lập các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà ở 17 xã, thị trấn.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và nhiệt huyệt luôn thường trực, chị Lam không chỉ lên phương án tham mưu tốt mà còn trực tiếp hành động một cách quyết liệt, đầy trách nhiệm để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả; vì thế mà trong 02 năm qua, dù dịch bệnh Covid-19 vẫn hết sức phức tạp, khó lường nhưng huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan, kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh.

Chị Phạm Thị Hồng Lam mang quần áo bảo hộ lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại cộng đồng

Chị Lam cùng đồng nghiệp nuốt vội cơm lạnh canh nguội lúc tối muộn để xuyên đêm truy vết "bắt F"

Chia sẻ với chúng tôi về công việc của mình, chị Lam cho biết, "do thiếu nhân lực nên ngoài các nhiệm vụ được giao, tôi còn phải trực tiếp tham gia điều tra ca bệnh, khám sàng lọc, thực hiện công tác tiêm chủng vắcxin phòng Covid-19, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng xuyên đêm cùng đồng nghiệp".

Với phương châm “truy vết thần tốc”, có những ngày chị phải cùng mọi người “đi từng ngõ, gõ từng nhà" giám sát, điều tra dịch tễ các đối tượng đi, đến từ vùng dịch để có biện pháp xử lý kịp thời và phòng bệnh được tốt hơn. Những hôm trời nắng, nóng đến 40 độ, chị phải suốt ngày khoác lên mình bộ đồ bảo hộ dày cộp, kín mít, đậm mùi hóa chất kháng khuẩn, đứng nhiều giờ liên tiếp để lấy mẫu xét nghiệm cho bà con nhân dân. Đôi vai gầy chùng hẳn xuống, bàn tay và gương mặt chị hằn lên những vết rát, máu dồn xuống chân sưng phù. Nhưng chị vẫn tự dặn mình quên đi đau đớn, mệt mỏi, đôi mắt luôn lấp lánh ánh cười để truyền năng lượng tích cực đến những người xung quanh.

Chị Phạm Thị Hồng Lam đang làm các thủ tục trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh THPT huyện Nghi Xuân

Ngoài ra, chị Lam còn tích cực tạo “lá chắn” ngăn ngừa dịch bệnh như tư vấn, hướng dẫn cụ thể các biện pháp bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho bà con địa phương. Những việc làm hết sức đơn giản như hướng dẫn thực hiện tốt 5K và nhận định đúng tình hình dịch bệnh của chị và các đồng nghiệp đã góp phần hạn chế phần nào dịch bệnh lây lan trên địa bàn. Mặc dù cả năm qua luôn là những giấc ngủ chập chờn, những bữa cơm nuốt vội bất kể thời tiết mưa hay nắng, nóng nực hay rét buốt nhưng nhiều lúc chị vẫn ước một ngày có thể kéo dài ra hơn, bởi với chị luôn mang phương châm “làm hết việc, không làm hết giờ”, ngày nào người dân còn gặp nguy hiểm thì ngày đó chị và đồng nghiệp còn sẵn sàng trực chiến và chiến đấu.

Chồng chị công tác ở Đại học Y khoa Vinh, cũng phụ trách khu cách ly của các sinh viên, giáo viên là F1. Hiện anh chị có hai cô con gái đã lấy chồng và một cậu con trai út học lớp 12. Mặc dù là năm cuối quyết định kết quả đèn sách của con, nhưng vì tính chất công việc, anh chị bận đến nỗi chẳng thể chăm lo cho cậu con trai út một bữa cơm chu toàn mà hằng ngày phải ship cơm hộp cho con. Chẳng những thế, cứ sau một ngày dài tiếp xúc với nhiều người nguy cơ lây nhiễm cao, những lúc hiếm hoi được ở nhà, chị cũng chẳng dám gần con vì sợ họa may mang mầm bệnh về nhà cho con của mình thì vô cùng nguy hiểm. Là một người mẹ, chị cảm thấy rất có lỗi với con nhưng vì trách nhiệm với cộng đồng, vì sức khỏe của toàn xã hội, chị đành tạm gác những tình cảm, lo toan gia đình sang một bên. Cũng may chồng chị luôn cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ với chị, cậu con trai út dù có lúc hơi tủi thân những cũng đã đủ trưởng thành để cảm thông cho công việc của mẹ, khiến chị an tâm ra “chiến trường”.

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân báo cáo công tác phòng, chống dịch tại địa phương

Nhận xét về chị Phạm Thị Hồng Lam, ông Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, công tác phòng, chống dịch của huyện Nghi Xuân vừa rồi đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, đó là sự góp sức của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch như y tế, công an. Trong lực lượng y tế thì chị Phạm Thị Hồng Lam là tấm gương tiêu biểu, nổi bật nhất và được xem như là một “nữ tướng” về phòng, chống dịch. Điều đó được thể hiện trong vấn đề tham mưu của chị rất quyết liệt, kịp thời cho BCĐ phòng, chống dịch của huyện bằng nhiều biện pháp: từ việc kiểm soát người đi, về; cách ly, truy vết. Đặc biệt khi phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng, chị Lam đã rất nhanh chóng có mặt kịp thời để chỉ đạo lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch…

Với vai trò là người tiên phong và rất quyết liệt, chị Lam đã góp phần rất lớn cùng huyện nhà đạt được nhiều kết quả tích cực trong phòng chống dịch. Năm 2021, huyện Nghi Xuân đã thống nhất đề nghị lên Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh Hà Tĩnh trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng Khen cho chị Phạm Thị Hồng Lam.

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân họp chuyên môn để tăng cường công tác phòng, chống dịch trên địa bàn

Chúng ta không biết được rằng, đến thời điểm nào thì dịch bệnh sẽ được đẩy lùi hoàn toàn. Và như vậy, những “chiến sỹ” áo trắng như chị Lam luôn trong tư thế sẵn sàng, có lệnh là đi, có "địch" là chiến đấu và quyết thắng.

Trần Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nu-tuong-chong-dich-covid-19-noi-cua-ngo-ha-tinh-post175318.html