Nữ tướng của Bầu Đức vừa xin nghỉ việc nắm bao cổ phiếu HAGL?
Sau thời gian dài gắn bó làm thành viên Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai từ năm 2006, bà Võ Thị Huyền Lan vừa có đơn từ nhiệm vị trí này kể từ ngày 19/4/2023.
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) vừa công bố thông tin về việc nhận được đơn từ nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị của bà Võ Thị Huyền Lan từ ngày 19/4. Tuy nhiên, trong đơn thành viên HĐQT này không tiết lộ lý do từ nhiệm.
Bà Lan cam kết, không có bất cứ tranh chấp nào liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của bà với công ty, kể từ ngày chính thức nhận được đơn chấp thuận của HĐQT.
Đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT của bà Lan sẽ được HAG thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 được tổ chức ngày 28/4.
Theo giới thiệu, bà Võ Thị Huyền Lan (sinh năm 1971), có trình độ cử nhân kinh tế Đại học Kinh Tế TPHCM, MBA Thương Mại Cao cấp HEC - Pháp, Thạc sĩ Tài chính Đại học Paris Dauphine – Pháp.
Trước khi gia nhập Hoàng Anh Gia Lai, giai đoạn 1996 - 1998, bà Huyền Lan làm kế toán trưởng tại Công ty Prezioso. Giai đoạn 1998 - 2002, bà đảm nhiệm vị trí kế toán trưởng Công ty Espace Bourbon An Lạc. Từ năm 2002 - 2006, bà giữ vị trí Phó Tổng Giám Đốc, Giám đốc Tài chính hệ thống Siêu thị Big C Việt Nam. Năm 2007, bà Huyền Lan giữ chức vụ Tổng Giám đốc Jaccar Holdings Việt Nam.
Bà Huyền Lan gia nhập Hội đồng quản trị Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai từ năm 2006 tới nay. Đến nay, bà Lan đã có hơn 15 năm ngồi ghế thành viên HĐQT sát cánh cùng Bầu Đức. Ngoài ra, theo giới thiệu của Hoàng Anh Gia Lai, bà Lan còn đang đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Công ty CP Bourbon Bến Lức và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Nông Sản xuất khẩu Sài Gòn (mã: AGX).
Tại HAGL, bà Huyền Lan là người đại diện cho Jaccar Holdings thông qua hai đơn vị trực thuộc là Vietnam Century Fund và Jaccar Capital Fund lần lượt nắm giữ gần 15,6 triệu và 8,7 triệu cổ phiếu HAG. Jaccar Holdings là một công ty đầu tư tư nhân của Pháp, do ông Jacques de Chateauvieux lãnh đạo từ năm 1980. Jaccar vào Việt Nam từ năm 2006 và bắt đầu đầu tư vào HAGL từ giai đoạn 2006 - 2007.
Về Công ty CP Bourbon Bến Lức, tiền thân là công ty TNHH chế biến, đóng gói bao bì nông sản thực phẩm Bourbon Bến Lức được thành lập vào năm 1999 với 100% vốn nước ngoài. Năm 2007, doanh nghiệp chuyển sang hình thức Công ty CP Bourbon Bến Lức. Hiện nay, các ngành nghề kinh doanh chính của công ty gồm: Bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu; kinh doanh dịch vụ khai thác cảng; cho thuê kho bãi, nhà xưởng; chế biến, đóng gói và kinh doanh các loại nông sản, thực phẩm và đồ uống.
Về Công ty CP Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Sài Gòn (AGX), tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ ngày 22/9/1976. Năm 2006, AGX chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty gồm: Sản xuất thực phẩm và đồ uống; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa...; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất... AGX hiện đang quản lý vận hành 1 nhà máy sản xuất thực phẩm đông lạnh chế biến với công suất 20 tấn/ngày và 2 nhà máy sản xuất nông sản.
Tính đến cuối năm 2020, bà Võ Thị Huyền Lan đang đại diện cho Công ty CP Bourbon Bến Lức nắm 25,54% cổ phần (tương đương với gần 2,7 triệu cổ phiếu) của AGX. Tuy nhiên, cuối năm 2021, Công ty CP Bourbon Bến Lức đã đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu đang sở hữu tại AGX từ ngày 8/11-7/12/2021. Sau giao dịch, Công ty CP Bourbon Bến Lức không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của AGX.
Ở diễn biến liên quan, trước đó HAGL đã công bố kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Theo đó, công ty đã không hoàn thành đợt chào bán này do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không phù hợp với giá chào bán dự kiến, dẫn đến việc các nhà đầu tư được chào bán đã từ chối chào mua.
Được biết, theo kế hoạch, HAGL dự kiến chào bán gần 162 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mức giá 10.500 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền dự kiến huy động được là gần 1.700 tỷ đồng. Mức giá này cao hơn thị giá của HAG trên thị trường chứng khoán khoảng 31%. Theo đó, cổ phiếu HAG mở cửa phiên 19/4 ở mức giá 8.000 đồng/cổ phiếu.
Với việc không huy động được dòng tiền qua phát hành riêng lẻ, HAGL đã công bố phương án bù đắp thiếu hụt vốn. Theo đó, công ty sẽ giữ nguyên quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, đồng thời sử dụng dòng tiền từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, vay vốn ngân hàng và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang phát triển để đảm bảo thực hiện kế hoạch theo phương án đầu tư sản xuất mà Đại hội cổ đông đã đề ra.
Ngoài ra, HAGL cũng sẽ sử dụng nguồn tiền từ việc thu nợ nhóm Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế HAGL (HAGL Agrico, HoSE: HNG) và từ hoạt động thanh lý một số tài sản không sinh lời để thanh toán nợ gốc trái phiếu trong thời gian quy định.
Tháng 3 vừa qua, HAGL cho biết ghi nhận doanh thu thuần trong tháng đạt 652 tỷ đồng, bao gồm 162 tỷ đồng đến từ ngành chăn nuôi, 296 tỷ đồng đến từ ngành cây ăn trái và 194 tỷ đồng từ ngành phụ trợ. Sản lượng tiêu thụ ngành chăn nuôi đạt 33.436 con heo thịt, ngành cây ăn trái đạt 21.231 tấn. Trong đó, lượng chuối xuất khẩu đạt 18.676 tấn, lượng chuối dùng cho sản xuất thức ăn gia súc là 2.556 tấn. Chốt tháng 3, lợi nhuận sau thuế của HAGL đạt 101 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo công ty, hiện nay giá thịt heo tại thị trường trong nước vẫn đang duy trì ở mức thấp, tuy nhiên giá chuối lại duy trì ở mức giá cao nhất trong năm, cùng với sản lượng tương đương kỳ vọng nên toàn bộ lợi nhuận tháng 3 chủ yếu đến từ doanh thu chuối. Lũy kế 3 tháng, doanh thu thuần của HAGL đạt 1.826 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 307,7 tỷ đồng.