Nửa chữ cũng là thầy!

Sau lần đến thăm và trao số tiền hỗ trợ em Nguyễn Thị Tuyết Nhi bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, tôi đã có dịp gặp gỡ và lắng nghe chia sẻ của những thầy cô trong ngôi trường em đang theo học. Và câu chuyện nhà trường tìm mọi cách giúp đỡ gia đình Tuyết Nhi đã một lần nữa chứng minh câu nói 'nửa chữ cũng là thầy' vẫn luôn luôn đúng.

Thầy Dương Minh Sử nhận số tiền hỗ trợ của nhà hảo tâm dành cho em Tuyết Nhi thông qua Báo An Giang

Đến Trường Tiểu học “C” Phú Hội (An Phú, An Giang) vào một ngày cuối tuần để trao số tiền hỗ trợ cho Tuyết Nhi, tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với thầy Dương Minh Sử, Hiệu trưởng nhà trường, về quá trình vận động nguồn kinh phí để giúp đỡ gia đình em. Thật tình, tôi hơi bất ngờ khi lần đầu tiên gặp một bức “thư ngỏ” xin hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn do một trường học thực hiện. Bởi lẽ, đó là nơi để dạy và để học theo cách nghĩ đơn thuần. Tuy nhiên, với ngôi trường nghèo khó ở một xã còn khó nghèo như Phú Hội, thì ngoài việc dạy và học còn là nơi thể hiện rất rõ tình cảm thầy trò.

“Sau khi Tuyết Nhi bị tai nạn giao thông thì bà ngoại em đến đây xin nhà trường giúp đỡ. Thật tình, với vai trò là đơn vị giáo dục, chúng tôi không biết phải giúp em bằng cách nào. Sau khi họp bàn, Ban Giám hiệu và đại diện Hội cha mẹ học sinh của trường đã thống nhất làm bức thư ngỏ để kêu gọi sự hỗ trợ của các điểm trường khác trong huyện An Phú. Trước đó, tập thể giáo viên, học sinh của trường đã đóng góp được 6 triệu đồng để hỗ trợ gia đình đưa em đi TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật. Vì số tiền đó chẳng thấm vào đâu nên chúng tôi tiếp tục vận động, một số anh em đã đưa bức thư ngỏ lên mạng xã hội để tìm kiếm thêm những tấm lòng vàng” - thầy Dương Minh Sử kể.

Thầy Sử chia sẻ, nhà trường quyết định ra bức thư ngỏ ấy nhưng không biết mình làm như vậy có đúng hay không. Nhưng tình thế cấp bách, tấm lòng người thầy khiến họ không do dự. Sau khi bức thư ngỏ được phát đi, đã có nhiều nhà hảo tâm đến hỗ trợ Tuyết Nhi để em có thêm động lực vượt qua cơn nguy kịch. Sau khi bức thư ngỏ được gửi đi, ban giám hiệu nhà trường mới báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Phú cùng Đảng ủy, UBND xã Phú Hội về việc này. Được UBND xã Phú Hội yêu cầu làm nơi tiếp nhận, quản lý số tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ Tuyết Nhi, nhà trường đã nhận được hơn 300 triệu đồng để chuyển đến gia đình em lo viện phí.

“Chúng tôi không nghĩ mình đang làm việc gì to tát mà đó là tấm lòng của người thầy đối với học sinh của mình. Người xưa nói, “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” trong khi Tuyết Nhi học ở trường hơn 1 tháng đã “kha khá” chữ rồi!” - thầy Sử nói vui. Chia sẻ hóm hỉnh của người hiệu trưởng ấy làm tôi suy nghĩ về đạo thầy trò! Rõ ràng, câu nói với ấy mục đích là khẳng định truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt. Nhưng ở đây, người làm thầy đã lấy đó để nhận phần trách nhiệm phải giúp đỡ, đồng hành với học sinh của mình vượt qua cơn nguy kịch.

Từ thông tin của thầy Sử, tôi được biết Tuyết Nhi đã xuất viện về nhà và sức khỏe đang tiến triển tốt. Tuy nhiên, em sẽ còn trải qua cuộc phẫu thuật thay nắp hộp sọ với kinh phí dự kiến từ 70 - 100 triệu đồng. Hiện tại, nhà trường đang tiếp tục xin ý kiến của Đảng ủy, UBND xã Phú Hội để quản lý số tiền còn lại một cách hợp lý, nhằm giúp Tuyết Nhi có điều kiện chữa bệnh sau này. Ngoài ra, gia đình em cũng yêu cầu nhà trường có cách giữ gìn, quản lý số tiền để sử dụng lâu dài, hợp lý.

“Hiện tại, chúng tôi đã thông báo xin dừng tiếp nhận hỗ trợ bởi Tuyết Nhi đã qua cơn nguy kịch. Chúng tôi xin gửi lời tri ân đến các nhà hảo tâm đã giúp đỡ Tuyết Nhi thời gian qua. Mong rằng, những nghĩa cử cao đẹp ấy sẽ tiếp tục được phổ biến rộng rãi hơn trong xã hội” - thầy Dương Minh Sử mong mỏi.

Qua câu chuyện những giáo viên của Trường Tiểu học “C” Phú Hội tìm mọi cách giúp đỡ học sinh của mình vượt qua nguy kịch chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện đẹp về người thầy trong thời hiện đại. Có lẽ đạo lý “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” vẫn sẽ mãi tồn tại trong xã hội để hướng chúng ta về chân lý tốt đẹp. Và trong những ngày của tháng 11 này, mỗi chúng ta hãy nhớ đến những người thầy đã đi qua cuộc đời mình và nhất là chân lý đã trở thành nét đẹp truyền thống của người Việt: “nửa chữ cũng là thầy!”.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nua-chu-cung-la-thay--a289542.html