Nửa đầu tháng 9, thêm 4.300 tấn gạo thơm được đăng ký bán vào EU
Tiếp nối thành công của lô gạo 3.000 tấn được Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An bán vào Liên minh châu Âu (EU), trong khoảng nửa đầu tháng 9-2020 (từ ngày 4 đến 17-9), tiếp tục có sáu doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang thị trường này với khối lượng xấp xỉ 4.300 tấn.
Thông tin được ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gửi đến TBKTSG Online vào hôm nay, 21-9, cho biết, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo sang hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Riêng năm 2019, Việt Nam xuất khẩu trên 6,3 triệu tấn với giá trị trên 2,8 tỉ đô la Mỹ và trong tám tháng đầu năm nay, xuất khẩu đạt trên 4,6 triệu tấn với giá trị trên 2,25 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Tùng, các giống như: OM 5451, OM 4900,Jasmine 85, ST20, RVT, VD 20, Nàng Hoa 9, Tài Nguyên Chợ Đào là những chủng loại thuộc danh mục gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan, chiếm khoảng 43% đến 46% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm (tương đương khoảng hơn 3 triệu tấn).
Theo ông Tùng, xuất khẩu gạo vào EU trong 2019 của Việt Nam đạt 50.000 tấn, với trị giá 28,5 triệu euro, trong khi tổng nhập khẩu gạo của thị trường này lên đến 2,3 triệu tấn với kim ngạch đạt 1,4 tỉ euro.
Con số nêu trên cho thấy, khả năng khai thác thị trường EU của gạo Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Đặc biệt, so với các nước trong khối ASEAN, thì xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 so với Thái Lan, 1/10 so với với Myamnar và chỉ bằng 1/4 so với Campuchia.
Theo ông Tùng, với Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam- EU (EVFTA), thị trường 27 quốc gia thành viên này dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm, gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.
Đặc biệt, ông Tùng cho biết, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm của Việt Nam và với cam kết này, dự báo sẽ giúp xuất khẩu gạo tấm của Việt Nam vào EU có thể đạt 100.000 tấn mỗi năm. Còn với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.
Trong khi đó, như đã nêu ở trên, hai quốc gia xuất khẩu lớn gạo vào EU là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết năm 2021, mà cụ thể sẽ chịu thuế 150 euro/tấn trong năm 2020 và 125 euro/tấn trong 2021.
Chính những yếu tố nêu trên, dự báo gạo Việt Nam sẽ gia tăng được sức cạnh tranh so với các đối thủ khi xuất khẩu vào EU.
Theo ông Tùng, 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo Việt Nam đi EU đạt trên 15.800 tấn, với giá trị xấp xỉ 8,5 triệu đô la Mỹ.
Trong khi đó, chỉ khoảng nửa đầu của tháng 9-2020 (từ ngày 4 đến ngày 17-9) đã có sáu doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu vào EU với khối lượng đạt xấp xỉ 4.300 tấn.
Thông tin ông Tùng cung cấp cho TBKTSG Online dự báo, xuất khẩu gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng, dù phải chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục trồng trọt khi trao đổi với TBKTSG Online cho biết, ngày 22-9, tại An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với UBND tỉnh An Giang và Tập đoàn Lộc Trời làm lễ xuất khẩu gạo thơm sang thị trường EU.
Trước đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, đơn vị này đã ký hợp đồng bán gạo cho ba khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức với tổng khối lượng lên đến 3.000 tấn.
Theo đó, hai chủng loại gạo thơm được Công ty Trung An xuất khẩu là gạo ST20 và Jasmine. Trong đó, gạo ST20 được bán với giá trên 1.000 đô la Mỹ/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 đô la Mỹ/tấn, cao hơn so với mức giá trước khi EVFTA có hiệu lực khoảng 200 đô la Mỹ/tấn đối với chủng loại ST20 và khoảng 80 đô la Mỹ/tấn đối với chủng loại Jasmine.
Theo ông Tùng, ước tính sơ bộ, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam vào EU trong tháng 8-2020 là 350 triệu đô la Mỹ, tăng trưởng 17% so với tháng 7-2020.
Trung Chánh