Nửa đời buộc nắng cho thơ

Hơn 40 năm làm thơ, với hàng chục tập thơ là khoảng thời gian không phải ngắn, Huy Trụ đã để lại một gia tài khá đồ sộ. Anh đã gặt hái được nhiều thành công và có những đóng góp không nhỏ trên văn đàn thi ca Việt Nam. Bạn đọc biết đến thơ anh với nhiều cung bậc cảm xúc. Mới đây Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã ấn hành tập thơ: 'Buồn vui con chữ', tập hợp, đúc kết cả một đời sáng tác thi ca đặc sắc nhất của anh. Có rất nhiều bài viết của nhiều tác giả giới thiệu thơ anh đến với bạn đọc trong nước và quốc tế; tất cả hầu như đều có chung một nhận xét: Thơ Huy Trụ rõ nét với hai nguồn cảm hứng chủ đạo, đó là tụng ca và tự bạch.

Ảnh: Chi Anh

Về mặt hình thức, Huy Trụ viết nhiều, viết hay, tìm tòi cách biểu đạt phong phú ở tất cả thể loại thơ, nhưng đặc sắc nhất vẫn là thơ lục bát. Trong tập thơ này độ phủ sóng của thể thơ lục bát vẫn là rộng khắp. Đối tượng xao động nhiều nhất trong sáng tác của Huy Trụ là nhân vật “em” với nhiều cung bậc trữ tình. Bởi thế mà anh luôn nói được cái riêng chung để người đọc thấy có một phần mình trong đó.

Đồng thời, tính triết lý trong thơ Huy Trụ nặng sự trải nghiệm, nhiều câu thơ gây được ấn tượng mạnh với người đọc. Anh xác tín nỗi ưu tư ấy bằng niềm yêu rất mãnh liệt; đó là niềm yêu được chạm tận đáy đời sống lứa đôi: “Mới hay dẫu chỉ một ngày/ Không em, nửa trái đất này chung chiêng” (Một ngày). Và Huy Trụ đã đi hết mình với phức điệu của cảm xúc ấy: “Mới hay còn chút tơ lòng/ Vẫn dăng mắc, vẫn thầm mong đợi người” (Tơ lòng).

Nỗi niềm trong thơ còn đan bện trong tầng sâu, ẩn mật của tư duy triết luận đã làm bệ phóng nghệ thuật thơ anh: bay bổng, lãng mạn mà chắt lọc, suy tư; giản dị, đời thường mà cảm động sâu sắc: “Tóc em thả suốt dọc đường/ Để anh toàn nhặt nỗi buồn vu vơ/ Nỗi buồn đứt nối câu thơ/ Nuôi anh sống với gió mưa một đời”.

Ngay trang thơ đầu tiên, ta bắt gặp 6 câu thơ ẩn chứa triết lý, suy ngẫm: “Sợ gì ghế thấp... ghế cao/ Khi nằm xuống cỏ... ghế nào cũng xanh/ Sông đau cuộn thác... dâng ghềnh/ Người đau... con mắt coi khinh cả trời!...”.

Thơ Huy Trụ luôn mượt mà bay bổng nhưng khi viết về địa danh “Sông Mã xanh” thì thơ anh biến tấu, thay đổi, làm mới, biến chúng thành của riêng mình: “Chiều nay sông Mã rất xanh/ Con sông vốn rất hiền lành như ai.../ Bể dâu mấy thuở lở bồi/ Đời sông chẳng khác đời người lênh đênh”. Anh tìm chữ giống như tìm vàng, dày công đãi cát và khi đã gặp, nó làm cho câu thơ rực sáng, găm vào trí nhớ người đọc, khiến người đọc day dứt: “Thơ là rượu của thế gian/ Phải đâu nước lã... rót tràn mời nhau/ Để đời nhớ được một câu/ Bạc đầu người viết... chắc đâu đã thành” (Gửi bạn làm thơ).

Mặt khác, thơ Huy Trụ luôn có chiều sâu cảm xúc, chủ đề đa dạng, thơ anh luôn có sự vận động con chữ tạo hình mới lạ. Đó là hình ảnh với sắc màu có chiều sâu gây ấn tượng. Có lúc trải hồn quê bên dòng sông hiền hòa, là con đê cỏ, là bánh đúc, bánh đa... Người đọc bị cuốn hút theo cảm xúc khi tác giả “vẽ” nơi lưu giữ hồn làng như bảo tàng thơ vậy: “Làng là bánh đúc, bánh đa/ Là con đê cỏ vắt qua cánh đồng/ Làng là một quả táo chua/ Thương cho Thị Kính quét chùa, chịu oan”. Bởi vậy, ai nấy đều tìm thấy quê mình ở một góc bức tranh ấy. Quê hương: nơi dòng sông hiền hòa xanh trong ấy, nhiều phen vật vã gồng mình trong giông bão: “Chả bao giờ sông thầm lặng em ơi/ Cả những lúc lòng sông phơi trắng cát/ Không sóng nổi chồm bờ thì sóng ngầm xoáy đất/ Đừng thấy trăng lên lơ đễnh gác con sào” (Sông Mã).

Trong không gian thơ anh luôn hướng nội với ánh diện đa chiều. Phần thơ thế sự của anh luôn có bức xạ của ngọn lửa thấm đẫm chất nhân sinh. Tôi bị ám ảnh với những câu thơ trong bài: Về với Xứ Thanh. “Một lần về với Xứ Thanh/ Nghe sông Mã khúc độc hành “Huầy dô”/ Rừng gió cuộn, biển sóng xô/ Một đời dân, mấy đời vua mới thành”. Tính tượng trưng thi ca của Huy Trụ mỗi lúc một rõ rệt. Chính vì thế thơ anh luôn có một sắc diện riêng trong cấu tứ. “Ghế quyền chức, bã hư danh/ Hiền tài hun đúc soi mình vượt lên.../ Bạc tiền loáng ánh phù vân/ Bao nhiêu mặt đất níu chân mặt người”.

Các chủ đề về tình yêu, hạnh phúc, vẻ đẹp thiên nhiên, quê hương, đất nước là dòng chảy xuyên suốt trong thơ anh. Từ mạch nguồn ấy, cha mẹ, quê hương luôn là niềm thi hứng lớn lao cho anh. Trong không gian nghệ thuật của Huy Trụ còn là ẩn dụ suy tư và chiêm nghiệm, cảm xúc thơ dâng đầy từ bản thể nhưng có giá trị triết mỹ về nghệ thuật cao. Quan trọng hơn, từ đó gợi lên vẻ đẹp về niềm tin mà thi ca mang đến cho con người; nhà thơ xác tín: “Cái danh đâu chỉ mà chơi/ Càng không thể để tiếng cười điêu toa.../ Chả chi cũng gọi là nhà/ Cái hương phải thật, cái hoa phải nồng” (Ngôi chùa).

Có lẽ trong tất cả các nhà thơ viết về sông Mã, Huy Trụ là người mang trong mình niềm trắc ẩn thầm kín sâu xa nhất. Và đáng chú ý nhất là sự bay bổng và đầy mê đắm về nhân tình thế thái và tình yêu; được thoát ra từ một hồn thơ đa cảm mà rất đỗi tinh tế. “Sông Mã” đã khắc họa một cái tôi trữ tình đậm chất Huy Trụ, một tình yêu với quê hương đất nước. Cái tôi ấy trong bài thơ nhận được nhiều sự đồng cảm dâng trào, sẻ chia của bạn đọc. Trong những cung bậc nhân thế ấy, ta thực sự trân trọng một tài hoa, một tâm hồn như nhà thơ Huy Trụ. Và anh nổi tiếng một thời về bài thơ “Sông Mã”, của xứ Thanh: “Một tiếng “huầy dô” xô con đò dọc/ Người trên bờ cũng ướt đẫm mồ hôi.../ Chả bao giờ sông bình lặng em ơi/ Cả những lúc lòng sông phơi trắng cát/ Không sóng chồm bờ thì sóng ngầm xoáy đất/ Đừng thấy trăng lên, lơ đễnh gác con sào...”. Không dừng lại ở đó, Huy Trụ đúc kết và nâng lên chiều sâu triết luận: “Đã sống đất này, dám chấp nhận cùng nhau/ Một câu nói nửa rừng, nửa biển.../ Đi hết lòng nhau để cùng đến bến/ Khúc sông sâu, bồi lở thường tình.../ Riêng một điều em nhận ở đất Thanh/ Cái giàu có ẩn trong từng con sóng/ Nên dòng sông trước khi ra biển rộng/ Hắt lên tay người, bão lũ với phù sa” (Sông Mã). Có thể nói, đây là bài thơ mang cảm hứng ngợi ca quê hương, đất nước, là sự khắc nghiệt của dòng sông, cũng như giá trị văn hóa rất riêng của người Thanh Hóa với nhiều chiêm cảm đời thường và dự cảm trước hiện thực của cuộc sống...

Có nhiều nhà lý luận phê bình đã viết, đọc thơ Huy Trụ mới biết anh là thi sĩ si tình, luôn soi rọi ngóc ngách tâm hồn, những dáng hình của người đẹp: “Ào xuống nước thả vai trần em tắm/ Thịt da nào sánh với thịt da em”... Khi thì viết: Em đẹp quá để ta thành ngơ ngẩn/ Cúc mùa thu vàng tím cả sang đông”. Trên một bình diện khác, Huy Trụ đã bước vào thi đàn bằng một tâm hồn đa sầu, đa cảm của cái tôi trong sáng, đắm say, bừng sáng thanh âm thành thực của con tim: “Nửa đời buộc nắng cho thơ/ Buộc trăng cho gió, buộc đò cho sông/ Buộc hương cho những cánh đồng/ Buộc em cho sợi tơ lòng ngổn ngang” (Gom nhặt mà yêu).

“Buồn vui con chữ” của Huy Trụ không quá đỗi ồn ào với những trải nghiệm mới mẻ của thi ca. Sự sáng tạo của anh nằm ở sự tự nhiên của cảm xúc, sự thôi thúc của cõi lòng. Mê đắm trong nguồn nội cảm ấy nên thơ anh da diết, cháy bỏng, gần gũi, bình dị, đời thường. Mỗi bài thơ của anh là một lát cắt, tâm trạng, suy tư. Những câu thơ cất lên từ tiếng lòng chân thành khiến mọi thứ xung quanh hay một khoảnh khắc đều có thể thành thơ. Không có vẻ đẹp nào bằng vẻ đẹp của tâm hồn đang yêu: “Một lần em, một lần anh/ Cái vu vơ nhất cũng thành câu thơ/ Nửa đời đi ngẩn vào ngơ/ Anh như hoa dại vật vờ tay em...”.

Thơ ca như một dòng sông chở nặng phù sa bồi đắp cho cuộc sống tốt tươi. Đó cũng là mạch nguồn chảy dài suốt chặng đường thi ca mà Huy Trụ tôn thờ. Từ sâu nhất trong tôi, luôn luôn nghĩ anh là một thi sĩ có chân tài, một nhà thơ lớn. Chúc cho anh tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường sáng tác thi ca của mình.

TRIỀU NGUYỆT

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/nua-doi-buoc-nang-cho-tho/27977.htm