Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Công tác gia đình góp phần từng bước thực hiện xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc
Kết quả nổi bật nhất trong nửa nhiệm kỳ qua của lĩnh vực gia đình là hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đúng tiến độ, đã được Quốc hội thông qua và được bình chọn là một trong 10 sự kiện VHTTDL nổi bật trong năm.
Những khó khăn
Nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL, cùng nhiều lĩnh vực khác, công tác gia đình gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, những vấn đề mới phát sinh do dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống. Nhưng công tác gia đình qua từng năm từ Trung ương tới địa phương về cơ bản đã được triển khai đồng bộ, đạt được yêu cầu, hoàn thành Kế hoạch công tác năm đã đề ra. Đây có thể coi là một sự nỗ lực đáng ghi nhận của công tác gia đình trong nửa nhiệm kỳ vừa qua.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bùng phát ngay từ năm đầu của nửa nhiệm kỳ nên một số các hoạt động mang tính sự kiện, hội thảo, tọa đàm, tập huấn… của lĩnh vực gia đình phải tạm hoãn, hoặc được tổ chức dưới những hình thức khác cho phù hợp. Điều này thể hiện cách làm linh hoạt, sáng tạo trong những điều kiện cụ thể để đem lại hiệu quả công việc.
Kết quả nổi bật nhất trong lĩnh vực gia đình của ngành Văn hóa trong năm đầu của nửa nhiệm kỳ là đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền nhiều văn bản quản lý nhà nước quan trọng như: Hồ sơ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030, Chương trình quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới và Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư.
Ngày 24/6/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới" đã có đánh giá thực trạng công tác gia đình hiện nay và những định hướng, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chỉ thị đã thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác gia đình.
Năm 2021 cũng là năm kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2021) với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa được tổ chức trên khắp cả nước, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về gia đình và công tác gia đình. Đồng thời những nhiệm vụ thường xuyên của công tác gia đình từ trung ương tới địa phương tiếp tục được thực hiện đồng bộ, hiệu quả như giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, công tác người cao tuổi, trẻ em, bình đẳng giới trong gia đình.
Trong hoạt động kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2021), Bộ VHTTDL xây dựng chương trình giao lưu nghệ thuật "Hạnh phúc gia đình Việt" trên kênh Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam (VOVTV) với hình thức không tổ chức khán giả. Chương trình gồm 03 phần: Sưởi ấm ngôi nhà bạn; Giữ lửa hạnh phúc; Gia đình bình an-Xã hội hạnh phúc với thời lượng phát sóng 60 phút. Như vậy khán giả dù không tham dự trực tiếp được chương trình kỷ niệm nhưng vẫn có thể theo dõi nội dung trên truyền thông và vẫn đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, lĩnh vực gia đình còn phối hợp, xây dựng chương trình "Người phụ nữ hạnh phúc" phát sóng trên VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam. Đây là chương trình truyền hình thực tế, mang ý nghĩa nhân văn, cộng đồng; đối tượng tham gia là những người phụ nữ có những hoàn cảnh, số phận đặc biệt... nội dung chính của chương trình xoay quanh chủ đề như "Hạnh phúc gia đình", "Bình đẳng trong gia đình", "Ứng xử trong gia đình và giáo dục con cái", "Phòng, chống bạo lực gia đình"... Cùng với đó chương trình còn tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng gia đình hạnh phúc; các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc ở Việt Nam và trên thế giới.
Khác với nhiều lĩnh vực khác, trong thời gian cách ly xã hội, những phẩm chất của con người trong mỗi gia đình lại được phát huy mạnh mẽ như tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương thân tương ái, vì cộng đồng. Đây có lẽ cũng là dịp để mỗi cá nhân trong mỗi gia đình cùng lắng lại, nhận ra những giá trị đích thực của gia đình và tự mình vun đắp, tự nhắc nhở sống tốt hơn, ý nghĩa hơn.
Đánh giá về năm đầu tiên của nhiệm kỳ trong công tác gia đình, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho rằng, Vụ Gia đình là đơn vị có khối lượng công việc nhiều nhưng đã nỗ lực hoàn thành, đặc biệt là việc xây dựng các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ.
Những kết quả của nửa nhiệm kỳ
Kết quả nổi bật nhất trong nửa nhiệm kỳ qua của lĩnh vực gia đình là hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đúng tiến độ, đã được Quốc hội đã thông qua vào ngày 14/11/2022. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023 bao gồm 6 Chương và 56 Điều với một số điểm mới. Theo đó, Luật quy định, điều chỉnh các hành vi trên nguyên tắc bảo vệ tối đa người bị bạo lực gia đình với tư cách là chủ thể quyền được xác định theo Hiến pháp năm 2013 mà không bị giới hạn bởi bất kỳ một yếu tố nào về vị trí trong gia đình, giới tính, phong tục, tập quán và địa vị xã hội... Luật cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan xoay quanh trách nhiệm bảo vệ người bị bạo lực, đặc biệt là đối tượng đặc thù, yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật; ưu tiên nguyện vọng chính đáng, sự an toàn là trên hết của người bị bạo lực gia đình, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình.
Việc hoàn thiện và thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2022 (sửa đổi) được bình chọn là một trong 10 sự kiện VHTTDL nổi bật năm 2022. Hiện nay, Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) tiếp tục Xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022.
Trong nửa nhiệm kỳ qua, một điểm sáng của lĩnh vực gia đình phải kể đến đó là Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được ban hành kèm theo Quyết định 224/QĐ-BVHTTDL ngày 28/01/2022, với 05 tiêu chí: Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ; Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: Chung thủy, nghĩa tình; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương; Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép; Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
Sau 2 năm thí điểm, sau khi tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai thí điểm, năm 2022, Vụ Gia đình đã trình lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, Kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí đến năm 2025 triển khai trên toàn quốc. Bên cạnh những tỉnh, thành đã được lựa chọn thí điểm, các tỉnh, thành khác cũng chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh, tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền Bộ tiêu chí này tới các cơ quan, đơn vị và người dân. Một số tỉnh như An Giang, Hà Tĩnh... đã tổ chức Lễ phát động đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí với sự tham gia của đông đảo người dân trên địa bàn.
Có thể thấy các văn bản về gia đình hiện nay tương đối hoàn thiện, góp phần từng bước thực hiện xây dựng gia đình Việt Nam "no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững", phù hợp với xã hội hiện đại và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức ngày 29/11/2022 cũng là một điểm nhấn không thể không nhắc tới trong nửa nhiệm kỳ. Hội thảo đã nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia, nhà quản lý cũng như sự quan tâm của người dân. Các đại biểu thống nhất cao và khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; đồng thời đề xuất các giải pháp để thực hiện…Qua đó cho thấy nhận thức, sự quan tâm của các ngành, các cấp và người dân về hệ giá trị gia đình trong tình hình mới, về công tác gia đình được nâng cao.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ thường xuyên khác của lĩnh vực như tổ chức các hoạt động nhân các ngày về gia đình (Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình) với nhiều nội dung, hình thức phong phú như tổ chức tọa đàm, buổi nói nói chuyện chuyên đề về xây dựng gia đình hạnh phúc; tuyên truyền về chủ đề, thông điệp truyền thông trên các cơ quan báo đài của địa phương, hệ thống loa phát thanh tại thôn xóm... Các tỉnh, thành còn tổ chức chương trình văn nghệ về gia đình, Hội thi gia đình tài tử, cải lương, Cuộc thi làm phóng sự ngắn về xây dựng gia đình; triển lãm sách về gia đình, hội thi gia đình thể thao, thi văn hóa ẩm thực…; gặp mặt tôn vinh gia đình văn hóa tiêu biểu, tuyên dương những gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên nuôi con tốt, dạy con ngoan, gương người tốt, việc tốt; tổ chức các hoạt động chăm lo cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người tàn tật, trẻ em bất hạnh; tổ chức Ngày hội văn hóa gia đình; tọa đàm trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng gia đình văn hóa, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hạnh phúc, gia đình không bạo lực… Các nhiệm vụ về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, công tác người cao tuổi, trẻ em, bình đẳng giới trong gia đình tiếp tục được thực hiện có hiệu quả trên cả nước.
Trong nửa nhiệm kỳ qua, công tác phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ VHTTDL cũng được quan tâm và đạt được nhiều kết quả trong lĩnh vực gia đình như: Phối hợp tổ chức "Chương trình Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật năm 2022" với các hoạt động: Tọa đàm "Cuộc sống, Tình yêu và Hôn nhân của người khuyết tật"; Gặp mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Giao lưu nghệ thuật "Hạnh phúc Vầng trăng khuyết". Tham dự chương trình có 35 cặp vợ chồng người khuyết tật tiêu biểu và các con của họ đến từ 33 tỉnh, thành trên cả nước tại hội nghị Diên Hồng Quốc hội; Phối hợp tổ chức "Ngày hội gia đình tiêu biểu các tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ lần thứ III, năm 2022". Ngày hội nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam nói chung và nét văn hóa gia đình đặc trưng khu vực miền Tây Nam Bộ nói riêng; Phối hợp tổ chức Lễ tuyên dương Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Chương trình tôn vinh những gia đình trẻ điển hình, tiêu biểu, qua đó lan tỏa các giá trị tốt đẹp về gia đình, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Phối hợp tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp "Mẹ đỡ đầu – Yêu thương và sẻ chia" với những hoàn cảnh trẻ em bị mồ côi sau đại dịch Covid 19...
Cùng với đó, một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL cũng phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh, phong phú và lan tỏa những giá trị của gia đình đến sâu rộng các tầng lớp nhân dân hơn, trong đó có cả các em nhỏ, như Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Trung tâm triển lãm nghệ thuật Việt Nam cùng tổ chức "Ngày hội gia đình Việt Nam" với nhiều tiết mục phong phú, hấp dẫn thu hút nhiều đối tượng tham dự.
Bên cạnh những kết quả tích cực, đáng được ghi nhận đã đạt được trong công tác gia đình nửa nhiệm kỳ vừa qua thì thực tế những năm qua vẫn còn những câu chuyện đau lòng, đi ngược với thuần phong mĩ tục, để lại không ít hậu quả đáng tiếc cho gia đình và xã hội. Bởi vậy, để đạt được kết quả cao hơn nữa trong lĩnh vực gia đình, hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn cần sự chung tay, nhận thức, sự quan tâm của các ngành, các cấp và từng gia đình, từng người dân về hệ giá trị gia đình trong tình hình mới. Bên cạnh đó cần cổ vũ, nhân rộng những tấm gương tốt để "Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp" như lời của Bác Hồ.
Nhận định về công tác gia đình, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng: "Mục tiêu lớn nhất mà công tác gia đình hướng tới, đó là xây dựng gia đình hạnh phúc. Gia đình chính là tế bào của xã hội, tế bào tốt thì xã hội mới tốt. Chúng ta ai cũng có gia đình và trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình phải bắt nguồn từ mỗi thành viên. Chính vì vậy, rất cần nhân rộng hiệu quả từ những mô hình hay, việc làm tốt; khích lệ sự nỗ lực, thi đua để nhân cái tốt, át đi cái xấu tiêu cực đang nảy sinh trong đạo đức, lối sống hiện nay, đặc biệt là nạn bạo lực gia đình".