Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Nỗ lực chăm lo an sinh xã hội

Thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, những năm qua, các sở, ngành, địa phương phát huy khối đại đoàn kết, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công, giảm nghèo bền vững, bảo vệ người lao động (NLĐ).

Chăm lo người khó khăn

Được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) quận 12 giải ngân cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ cho vay giảm nghèo để sửa chữa căn nhà cấp 4 và 3 phòng trọ xuống cấp, bà Lê Thị Mai (phường Đông Hưng Thuận) xúc động vì thoát cảnh lo sợ mỗi khi trời mưa, nhà ngập. Vợ chồng bà đã lớn tuổi, chi phí sinh hoạt dựa vào 3 phòng trọ cho thuê, nhưng phòng trọ xuống cấp, thường xuyên bị ngập nên giá cho thuê cũng thấp. Từ nguồn vốn vay, vợ chồng bà sẽ nâng nền, sửa mái, tạo nơi ở khang trang cho khách thuê, từ đó duy trì nguồn thu ổn định cho gia đình.

Không chỉ chăm lo cho người dân TPHCM, với truyền thống nghĩa tình, sẻ chia cùng đồng bào khó khăn các tỉnh, thành trong cả nước, năm 2022, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” TPHCM đã hỗ trợ xây dựng 96 căn nhà đại đoàn kết, tổng kinh phí 5,4 tỷ đồng. Đây là sự quan tâm, sẻ chia của TPHCM với các gia đình chính sách, hộ nghèo các tỉnh, thành trong cả nước, giúp các hộ gia đình khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc

Còn ông Huỳnh Văn Bảy, ngụ đường Hậu Giang, quận 6 thấy ấm lòng và hạnh phúc vô cùng trong căn nhà mới khang trang vừa xây sửa từ sự hỗ trợ của địa phương. Ông bị liệt nửa người, vợ mất sức lao động và thường xuyên đau bệnh, các con làm công nhân thu nhập cũng bấp bênh. Nhiều năm nay, căn nhà ông ở đã hư hỏng nặng, xiêu vẹo và dột khi mưa. Ước mơ có số tiền để sửa lại căn nhà cho tươm tất của ông không thể thực hiện do cuộc sống quá khó khăn. Nắm bắt hoàn cảnh gia đình ông Bảy, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và MTTQ quận 6 đã trao tặng kinh phí 100 triệu đồng để ông Bảy sửa sang lại căn nhà. Nhờ sự trợ sức kịp thời này, gia đình ông Bảy không còn chịu cảnh mưa dột, nhà ngập.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, thực hiện chương trình xây dựng 500 căn nhà tình nghĩa, tình thương chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, tích cực vận động cơ quan, đơn vị, cá nhân chung tay giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế, nhà ở xuống cấp trầm trọng.

Nâng chất công tác giảm nghèo bền vững

Cùng với hoạt động hỗ trợ vay vốn giảm nghèo, sửa chữa nhà, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NLĐ cũng được chú trọng nhằm góp phần nâng cao tay nghề, ổn định việc làm cho NLĐ. Sở LĐTB-XH TPHCM cho hay, thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, các trường đào tạo nghề trên địa bàn thành phố đã tập trung nguồn lực để nâng cao tay nghề, chất lượng nguồn lao động.

Tính đến tháng 4-2023, các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố giải quyết việc làm cho 890.309 lượt lao động, trong đó tạo việc làm mới cho hơn 411.000 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp đô thị được kéo giảm từ 4,01% năm 2020 xuống còn 3,97% vào cuối năm 2022. Dự kiến đến cuối nhiệm kỳ tạo việc làm mới đạt 700.000 lao động và tỷ lệ thất nghiệp đô thị là 3,9%, đạt chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ sở lần thứ 8 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI.

Lãnh đạo Sở LĐTB-XH TPHCM đánh giá, nửa nhiệm kỳ qua, công tác an sinh xã hội được chú trọng thực hiện, đặc biệt là chăm lo người có công, giảm nghèo bền vững, bảo trợ xã hội. Trong đó, 100% các phường, xã được công nhận làm tốt công tác chăm sóc người có công, mức sống của gia đình người có công cao hơn bình quân mức sống của khu dân cư. Sở LĐTB-XH đã tham mưu UBND TPHCM triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo và NLĐ, phát huy hiệu quả nguồn vốn do ngân sách thành phố bổ sung hàng năm.

Những chính sách này giúp thành viên các hộ nghèo, hộ cận nghèo ngày càng có nhận thức đúng đắn, từng bước thay đổi cơ bản về nếp nghĩ, loại bỏ dần tư tưởng an phận, trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước và xã hội, tổ chức cuộc sống, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề, tìm kiếm việc làm... Bên cạnh đó, sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã góp phần vào hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của thành phố.

-Bà TRẦN KIM YẾN, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM:

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã có nhiều hình thức phát huy sức mạnh đại đoàn kết, vận động cá nhân, tổ chức chung tay giúp đỡ người khó khăn. Thông qua các hoạt động như đi bộ đồng hành vì người nghèo, bán đấu giá vật phẩm, NLĐ ủng hộ một ngày lương, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã vận động, gây quỹ giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn. Từ sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội, nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, MTTQ các cấp đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương; trao phương tiện sinh kế cho hộ lao động nghèo, hỗ trợ học bổng con em hộ nghèo vượt khó học giỏi, người bị bệnh hiểm nghèo và chăm lo tết.

Việc hỗ trợ, giúp đỡ hộ lao động nghèo được duy trì thường xuyên thông qua hoạt động giới thiệu việc làm, hỗ trợ bảo hiểm y tế, tặng học bổng, hỗ trợ vay vốn làm ăn, sửa chữa nhà, chăm lo tết, tặng phương tiện sinh kế... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm và nhiều hộ có điều kiện nâng mức thu nhập, ổn định đời sống.

- Ông TRẦN VĂN TIÊN, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TPHCM:

Nỗ lực nâng cao chất lượng giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, NHCSXH chi nhánh TPHCM nỗ lực để phấn đấu thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao, kịp thời giải ngân các chương trình tín dụng ưu đãi đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của người nghèo, NLĐ và các đối tượng chính sách khác. Đến ngày 30-6, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 8.370 tỷ đồng, tăng hơn 259 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương gần 4.600 tỷ đồng, tăng 195 tỷ đồng, chiếm 54,8% trên tổng nguồn vốn. Nguồn vốn địa phương ủy thác để cho vay các chương trình tín dụng chính sách gần 3.800 tỷ đồng, tăng hơn 64 tỷ đồng, chiếm 45,2% tổng nguồn vốn.

Vừa qua, Sở LĐTB-XH TPHCM chủ trì, cùng NHCSXH chi nhánh TPHCM và các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng nội dung dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND về Chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM giai đoạn 2021-2025 và được HĐND TPHCM thông qua ngày 12-7. Trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số điều theo tinh thần Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Việc này nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người nghèo vay vốn ưu đãi, giải quyết việc làm, góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội; nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo bền vững của thành phố.

THÁI PHƯƠNG - NGÔ BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nua-nhiem-ky-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang-no-luc-cham-lo-an-sinh-xa-hoi-post697220.html