Nửa thế kỷ nhìn lại văn học nghệ thuật TPHCM
50 năm đất nước thống nhất, cũng chừng đó thời gian văn học nghệ thuật (VHNT) TPHCM hình thành và phát triển, hòa chung nhịp đập với cả nước. Nhìn lại hành trình 50 năm cũng là dịp để VHNT TPHCM hướng tới tương lai, tiếp tục vươn xa, xứng tầm với vai trò một trong những đô thị lớn nhất cả nước.
Những dấu son văn học nghệ thuật
Là nơi “đi trước về sau” nhưng VHNT của TPHCM lại mang đến những dấu ấn đầy rực rỡ. Điển hình nhất phải kể đến lĩnh vực văn học. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, rất nhiều nhà văn trở về từ chiến khu và tham gia tích cực vào đời sống văn học của thành phố nói riêng và của cả nước nói chung như: Chế Lan Viên, Bảo Định Giang, Viễn Phương, Đoàn Giỏi, Nguyễn Khải, Vũ Hạnh, Trang Thế Hy, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Hoài Vũ, Hải Như, Lê Văn Thảo, Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền…
Cũng chính tại TPHCM, sau ngày đất nước thống nhất đã hình thành nên thế hệ vàng trong văn chương với những tên tuổi như Nguyễn Nhật Ánh, Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương, Lê Thị Kim, Lý Lan… Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người được xem là hiện tượng duy nhất trong làng văn khi có nhiều tác phẩm được in với số lượng lớn, được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, dẫu chưa có một báo cáo hay sự thống kê cũng như điểm danh đầy đủ các tác phẩm văn học được thai nghén, ra đời và đồng hành cùng sự phát triển suốt 50 năm qua của TPHCM, tuy nhiên, có một thực tế không thể không ghi nhận là tác phẩm văn học đã và đang giữ vai trò trọng yếu trong nhiều loại hình nghệ thuật, góp phần lớn cho thành tựu VHNT của TPHCM.
Trong lĩnh vực âm nhạc, nhiều bài thơ đã được phổ nhạc, trở thành những ca khúc bất hủ như Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Viếng lăng Bác, Dấu chân phía trước, Chia tay hoàng hôn… nhiều vở kịch, bộ phim điện ảnh cũng được chuyển thể từ các truyện ngắn, tiểu thuyết được công chúng đón nhận như: Xa và gần, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Long Thành cầm giả ca, Kính vạn hoa, Cô đào hát…

Lãnh đạo TPHCM thường xuyên quan tâm, thăm hỏi và tạo điều kiện để văn nghệ sĩ thành phố sáng tác. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM, gặp gỡ, thăm hỏi các văn nghệ sĩ tham dự tọa đàm. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Một dấu son khác trong đời sống VHNT của TPHCM trong 50 năm qua, chính là sự hình thành sân khấu xã hội hóa. Theo NSND Trần Minh Ngọc, từ năm 1986, nước ta chủ trương “mở cửa” hội nhập với thế giới bên ngoài, chấp nhận cơ chế thị trường cạnh tranh. Tuy nhiên, tác động cả hai chiều tích cực và tiêu cực của “mở cửa” đã làm thay đổi cách làm nghề, cách nhìn cuộc sống, cách giải trí nghỉ ngơi của người dân sau một ngày lao động. Sân khấu TPHCM cũng chịu những tác động tiêu cực này khi sân khấu vắng khách và ngày càng thưa thớt người xem kịch, xem tuồng, cải lương…
Trong bối cảnh tưởng chừng không vượt qua được ấy, những nghệ sĩ trẻ năng động đã tập hợp nhau lại và cùng tìm ra lời giải cho bài toán chinh phục khán giả, đưa họ trở lại với sân khấu. Đó chính là sự ra đời của những sân khấu xã hội hóa như sân khấu kịch Hồng Vân, sân khấu IDECAF, sân khấu kịch Sài Gòn, sân khấu Hoàng Thái Thanh…, sau này có thêm sân khấu Hồng Hạc, sân khấu Quốc Thảo, sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh, sân khấu Trịnh Kim Chi, sân khấu Thiên Đăng… Nhờ vậy mà mỗi đêm, nhiều sân khấu của thành phố lại được sáng đèn, phục vụ khán giả mộ điệu.
Theo TS Vũ Thị Mai Oanh, nguyên Trưởng khoa Lý luận chính trị, Học viện Cán bộ TPHCM, TPHCM hiện có 8 đơn vị nghệ thuật công lập và khoảng 700 đơn vị có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, 11 sân khấu kịch và khoảng 20 địa điểm có thể phục vụ tốt cho biểu diễn nghệ thuật. Hiện tại, TPHCM có 56 rạp, cụm rạp chiếu phim, trong đó có 5 doanh nghiệp đứng đầu, nắm giữ 98% thị phần chiếu phim Việt. Đây cũng là địa phương chiếm thị phần phim ảnh lớn nhất cả nước với khoảng 40%.
Cùng với đó là hệ thống nhà xuất bản (NXB) rộng khắp, với 2 NXB do thành phố quản lý, 4 NXB thuộc các trường đại học, 4 văn phòng đại diện NXB nước ngoài, 28 chi nhánh NXB trung ương và địa phương tại TPHCM. Những cơ sở này, cho phép thành phố đẩy mạnh quá trình xây dựng nền công nghiệp văn hóa trong thời gian tới”, TS Vũ Thị Mai Oanh nhận định.
Tăng thêm thị phần cho phim Việt
Không quá lời khi nói rằng, thị trường điện ảnh TPHCM đang là thị trường sôi động vào bậc nhất cả nước, ngày càng xuất hiện nhiều bộ phim đạt doanh thu trăm tỷ. Số liệu từ Sở VH-TT TPHCM cho biết, điện ảnh đang là khu vực quy tụ 935 doanh nghiệp, với doanh thu 500 triệu USD, đóng góp 0,43% GRDP. Mặc dù vậy, điện ảnh cũng đang là lĩnh vực có nhiều vấn đề, nhất là câu chuyện rạp phim.
Cụ thể, trong khi rạp chiếu nhà nước đang có phần khiêm tốn thì hệ thống rạp tư nhân, đặc biệt đến từ các chủ đầu tư của nước ngoài như Galaxy, BHD, CGV, Lotte… đang gần như áp đảo thị trường. Chỉ riêng hai “ông lớn” là CGV và Lotte đã chiếm tới 80% thị phần rạp chiếu. Không chỉ Hàn Quốc, thời gian sắp tới còn có thêm Nhật Bản cũng bắt đầu tham gia vào thị trường rạp phim tại Việt Nam.
Chưa kể, sản xuất một bộ phim nhựa phải đầu tư cả vài chục tỷ đồng, trong khi nhập phim nước ngoài giá rẻ hơn rất nhiều. Có lẽ vì vậy mà nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long đặt ra câu hỏi: Làm thế nào điện ảnh Việt Nam có thể đứng vững khi nhập khẩu phim hoàn toàn thả nổi cho các tổ chức, cá nhân liên doanh?
“Hàn Quốc trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã buộc các rạp phải chiếu phim nội địa 5 tháng/năm, sau khi gia nhập đã hạ xuống còn 2 tháng/năm. Nghĩa là dù có gia nhập WTO, Hàn Quốc vẫn cố gắng bảo vệ thị trường phim nội địa. Tại sao chúng ta không áp dụng phương cách này để tăng thêm thị phần cho phim Việt. Và muốn phim Việt được quảng bá mạnh mẽ thì trước nhất người Việt Nam phải nắm rạp chiếu, các địa phương phải xây dựng mới và cải tạo nâng cấp các rạp chiếu bóng, xây dựng cụm rạp hiện đại. Vấn đề này tất yếu phải có đầu tư chiến lược của Nhà nước”, nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long đề xuất.
Với một thành tựu rực rỡ như vậy, nhà văn Trịnh Bích Ngân cho rằng, những tác phẩm văn học xuất sắc cần được đầu tư tái bản bằng sách in, sách điện tử, đồng thời cần được quảng bá ra thế giới. Theo bà, sau khi được in ấn và số hóa, tác phẩm văn học cần được quảng bá rộng rãi cho người đọc trong nước và quốc tế. “Và để quảng bá văn học ra thế giới, trước tiên cần thực hiện Đề án văn học dịch nhằm chuyển ngữ, xuất bản văn học từ tiếng Việt sang một số ngôn ngữ thịnh hành như: Anh, Trung, Hàn…”, nhà văn Trịnh Bích Ngân cho biết.
Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM vừa tổ chức tọa đàm “50 năm Văn học nghệ thuật TPHCM - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai”. Tọa đàm nhằm đúc kết thực tiễn 50 năm VHNT thành phố, từ đó đề ra giải pháp phát huy truyền thống tốt đẹp và định hướng phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, tọa đàm cũng là cơ hội phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia văn hóa, văn nghệ sĩ nhằm cụ thể hóa các nội dung, nội hàm và phương hướng, giải pháp phát triển VHNT trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn của TPHCM.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nua-the-ky-nhin-lai-van-hoc-nghe-thuat-tphcm-post791391.html