Nửa thế kỷ xây dựng thành phố nhân ái, không nghèo đói

Trong suốt 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế mà còn là điểm sáng về chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo theo hướng bền vững và nhân văn. Nếu có điều gì làm nên bản sắc riêng của thành phố mang tên Bác, thì đó chính là tinh thần 'nghĩa tình', là quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển.

Cấp ủy, chính quyền xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) cùng Tổng cục II (Bộ Quốc phòng) phối hợp Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh (Quân khu 7) trao quà cho gia đình chính sách trên địa bàn huyện Củ Chi.

Cấp ủy, chính quyền xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) cùng Tổng cục II (Bộ Quốc phòng) phối hợp Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh (Quân khu 7) trao quà cho gia đình chính sách trên địa bàn huyện Củ Chi.

Ngay sau ngày non sông thu về một mối, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn: Sản xuất đình trệ, hàng triệu người thiếu việc làm, thiếu ăn, thiếu mặc. Trong bối cảnh đó, chính quyền thành phố đã sớm xác định: Xóa đói, giảm nghèo không chỉ là một chính sách an sinh, mà là một chiến lược phát triển toàn diện - lấy con người làm trung tâm, vì con người và do con người.

Đầu những năm 1990, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong trong cả nước triển khai chương trình giảm nghèo theo cách tiếp cận đa chiều - bao gồm các tiêu chí về thu nhập, y tế, giáo dục, nhà ở, việc làm và tiếp cận thông tin. Đồng thời, thành phố chủ động nâng chuẩn nghèo cao hơn mặt bằng quốc gia, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc không ngừng cải thiện chất lượng sống của người dân, nhất là những người yếu thế.

Giai đoạn 2021-2025, thành phố tiếp tục đi đầu trong việc thiết lập chuẩn nghèo mới: Thu nhập dưới 46 triệu đồng/người/năm và thiếu hụt ít nhất 3 trên 6 dịch vụ cơ bản (y tế; giáo dục; việc làm và bảo hiểm xã hội; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin). Đây không chỉ là tiêu chí hành chính, mà còn là một ngưỡng kỳ vọng, một hiệu triệu chính sách đến từng phường, xã, từng tổ dân phố và mỗi tổ chức chính trị-xã hội.

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố giảm còn 0,33% (khoảng 8.300 hộ), đặc biệt không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia - hoàn thành sớm hai năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đề ra.

Không chỉ dừng lại ở những con số, thành quả giảm nghèo của Thành phố Hồ Chí Minh còn thể hiện qua sự lan tỏa sâu rộng của các mô hình cộng đồng, dựa trên sự tham gia chủ động của người dân và các tổ chức đoàn thể.

Tại quận Phú Nhuận-nơi từng có hơn 2 nghìn hộ nghèo vào đầu những năm 2000, đến nay đã không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố. Thành quả ấy không đến từ một phép màu, mà là kết tinh của chính sách đúng đắn, lòng dân thuận và tinh thần tự lực tự cường. Những mô hình như "Tổ dân phố tự quản giảm nghèo", "Hộ cận nghèo giúp hộ nghèo" đã khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết cộng đồng trong lòng đô thị.

Tại huyện Nhà Bè - một vùng đất ngoại thành còn nhiều khó khăn nhưng đã chủ động hỗ trợ người dân vay vốn, đào tạo nghề, kết nối việc làm, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa... để đời sống người dân từng bước được cải thiện. Năm 2023, huyện Nhà Bè tuyên bố không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố. Đó không chỉ là một cột mốc về chính sách, mà còn là minh chứng sống động cho nỗ lực của chính quyền và khát vọng vươn lên của người dân.

Tại Củ Chi - huyện có địa bàn rộng, dân cư phân tán, giao thông khó khăn, công tác giảm nghèo được thực hiện thông qua phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Các chính sách khuyến nông, chuyển đổi cây trồng - vật nuôi, hỗ trợ sinh kế đã đi đúng đối tượng, đúng nhu cầu, giúp Củ Chi chính thức không còn hộ nghèo từ đầu năm 2024.

Đặc biệt, Quận 5 trở thành đơn vị đầu tiên hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố - về đích sớm hai năm. Với dân số đông, 99 khu phố và hơn 800 tổ dân phố, thành quả ấy càng cho thấy sự sâu sát, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành và sức mạnh từ lòng dân. Hơn 2 nghìn hộ được vay vốn, 12 nghìn người được giới thiệu việc làm, hàng trăm hộ có sinh kế mới - từ xe nước mía, máy may, đến các hoạt động buôn bán nhỏ. Đó là những câu chuyện tưởng như bé nhỏ nhưng chứa đựng sự thay đổi căn bản trong cuộc sống của hàng nghìn người.

Không dừng ở các chính sách truyền thống, Thành phố Hồ Chí Minh còn tích cực ứng dụng công nghệ trong công tác an sinh: xây dựng cơ sở dữ liệu hộ nghèo, kết nối các nguồn lực xã hội thông qua nền tảng số, nâng cao hiệu quả quản lý và điều phối chính sách. Thành phố không lựa chọn cách "cứu trợ tạm thời", mà kiên định theo hướng "trao cần câu" - thông qua các chương trình như ATM gạo, siêu thị 0 đồng, học bổng, bảo hiểm y tế, sàn việc làm trực tuyến...

Hành trình giảm nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh không còn là việc "bao nhiêu hộ thoát nghèo" mà đã trở thành một quan điểm phát triển: không để ai bị bỏ lại phía sau. Thành phố tiếp tục đặt ra những mục tiêu cao hơn đến năm 2030, chuẩn nghèo thành phố sẽ gấp đôi chuẩn quốc gia. Đó không phải là sự so sánh hơn thua, mà là lời nhắc nhở không ngừng nỗ lực, không tự mãn khi vẫn còn người dân sống dưới mức tối thiểu của một đô thị hiện đại.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, phân hóa thu nhập và già hóa dân số ngày càng rõ rệt, hành trình phía trước chắc chắn sẽ còn nhiều thử thách. Song, phía sau thành phố là sức mạnh đoàn kết toàn dân - là người dân thành phố nghĩa tình, là hệ thống chính trị dấn thân, là ký ức hào hùng về một Sài Gòn dám "xé rào" vì lợi ích của nhân dân.

Năm mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang kiên định đi trên con đường phát triển vì con người. Những thành quả trong công cuộc giảm nghèo chính là minh chứng rõ ràng cho một chính quyền vì dân, một thành phố không chỉ mạnh về kinh tế mà còn sâu sắc về đạo lý - đúng như khát vọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng gửi gắm.

TUẤN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nua-the-ky-xay-dung-thanh-pho-nhan-ai-khong-ngheo-doi-post875068.html