Núi Bưng
Huyện Hoằng Hóa đất văn cũng là đất võ, văn học kỳ tài, võ tướng cừ khôi. Đó là lịch sử. Về truyền thuyết dân gian, huyện Hoằng Hóa có ông Bưng khổng lồ dọn núi khơi sông, mở mang đồng ruộng cho nhân dân lấy đất làm ăn.
Một hòn núi đất ông bưng bằng hai tay, chẳng may rơi xuống bị vỡ đôi thành hai ngọn, trông giống cái yên ngựa, nhà Nho gọi bằng chữ nghĩa là Mã Yên sơn, còn dân gian nói nôm na là Bưng – núi Bưng, tức Băng Sơn (từ “Bưng” phiên âm chữ Hán là “Băng” – Núi Bưng: Băng Sơn). Một câu chuyện thần thoại thuở dựng trời mở đất, thành sự tích hòn núi vỡ đôi mang tên Ông Bưng khổng lồ cũng như nhiều ông khổng lồ khác của xứ Thanh: Ông Vồm (Thiệu Hóa), ông Nưa (Nông Cống), ông Lau (Quảng Xương), ông Đồng gánh đá (Tĩnh Gia)... Giữa các nhân vật khổng lồ qua truyện kể mang tính truyền thuyết dân gian nhằm đề cao sức khỏe vô địch của họ như: Truyện ông Bưng ông Vồm, truyện ông Vồm ông Nưa... chứng tỏ các nhân vật khổng lồ cũng có cuộc sống phát triển riêng với quan hệ xã hội trong trí tưởng tượng vô cùng phong phú của dân gian ta.
Sách Đại Nam nhất thống chí (triều Nguyễn) chép: Núi Băng ở xã Dương Sơn, phía Đông huyện Mỹ Hóa (Hoằng Hóa), cũng gọi là Mộc Sơn. Giữa chốn đồng bằng nổi lên hai ngọn núi. Một ngọn núi hai đầu chót vót, nơi giữa bằng phẳng nên lại có tên là Mã Yên sơn (núi Yên Ngựa). Chính đây là chỗ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu triều Lý ném đao chiếm đất ngày trước, hiện nay còn đền thờ ông ở sườn núi (Hoàng Văn Lâu dịch). Vị tôn thần ở đây thường gọi là Thánh Bưng, Thánh Tến. Thánh Bưng là lấy tên núi làm danh hiệu thần, còn chữ Tến chưa được rõ ý nghĩa ra sao, nhưng đều là danh hiệu: Đô thống Thượng tướng quân đời Lý.
Thuở nhỏ, nhà Lê Phụng Hiểu nghèo đói ở chân núi Bưng. Ông to lớn khác thường, sức khỏe kỳ lạ được Lý Thái tổ tuyển vào cung phong làm Vũ vệ tướng quân. Khi Thái tổ mất, Phụng Hiểu dẹp loạn Ba vương, đưa Thái tử lên nối ngôi vua, được thăng lên chức Đô thống Thượng tướng quân. Sau, đánh giặc Chiêm Thành, lập công lớn, ông không nhận tước phong, đứng trên đỉnh ngọn núi Bưng ném con đao bay đến chỗ nào, sẽ xin vua cho nhận khoảng đất ấy để làm đất phong thưởng. Vua Lý Thái tông ưng cho. Phụng Hiểu đứng trên đỉnh ngọn cao nhất của Băng Sơn vút cây đao lớn lên trời. Lưỡi đao lớn bay vèo vèo đến tận làng Đa Mi xa hơn mười dặm (huyện Hoằng Hóa) mới rơi xuống. Người ta lấy đó làm giới hạn, đo theo chiều vuông, được khoảng hơn một nghìn mẫu ta. Phần ruộng vua phong thưởng này gọi là “thác đao điền” (ruộng ném dao), Phụng Hiểu chia cho dân cày cấy làm ăn. Vua Lý lại ban thêm 10 mẫu ruộng đất nữa, cho con cháu lưu truyền mãi mãi, không phải nộp thuế. Đến năm 73 tuổi Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu mới mất. Dân trong vùng nhớ ơn lập đền thờ ông làm phúc thần.
Năm Minh Mạng thứ tư (1823) vua cho rước thờ Lê Phụng Hiểu vào miếu Lịch đại đế vương tại Kinh đô Huế. Theo luật lệ phong kiến xưa, vua triều đại sau phải lập miếu thờ phụng các vua triều đại trước, để tỏ lòng nhớ công lao xây đắp của bậc tiền nhân, nhưng không phải thờ tất cả mà chỉ suy tôn một số vị tiêu biểu. Như triều Lý chỉ thờ Lý Thái tổ và một đại công thần được thờ phụ theo là Lê Phụng Hiểu. Điều này chứng tỏ triều Nguyễn đã đánh giá rất cao vị trí Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu trong lịch sử. Vua Tự Đức đọc quốc sử, đặc biệt khen ngợi, cảm tác bài ca “Trịch đao” (Ném dao) rất dài, 4 câu kết rất hay (dịch giả Hoàng Văn Lâu dịch):
Một kiếm lại một dao,
Nghìn thu công nghiệp cao.
Một dao lại một kiếm,
Nghìn thu công nghiệp hiếm.
Đối với nhân dân huyện Hoằng Hóa, Lê Phụng Hiểu là niềm tự hào lớn. Đền thờ ông ở sườn núi Bưng, được tôn sùng bậc nhất so với các đền chùa khác trong vùng Băng Sơn. Núi Bưng là trái núi thiêng, tuy không cao quá 100m, rừng cây xanh thắm um tùm quanh năm nên gọi là Mộc Sơn. Ở đây lưu truyền hai truyền thuyết về Ông Bưng ly kỳ chồng lên nhau khiến người đời lầm tưởng: Ông Bưng lịch sử Lê Phụng Hiểu cũng là ông Bưng người khổng lồ thần thoại. Đó là hiện tượng thường thấy trong văn học dân gian: Nhân vật lịch sử bị truyền thuyết hóa thành nhân vật huyền thoại hoặc nhân vật huyền thoại được chuyển biến hóa thành nhân vật lịch sử.
Ông Bưng, Thánh Bưng là tên gọi của nhân dân tỏ lòng tôn kính vị phúc thần quê hương mình có lai lịch cụ thể được ghi chép trong quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư và cuốn sách xưa nhất Việt điện u linh ghi chép đời Trần, triều đại kế tiếp triều Lý. Còn ông Bưng khổng lồ là tên dân gian mang tính thần thoại thuở mới dựng đất mở trời. Con người khi ấy cực kỳ to lớn, vô cùng khỏe mạnh. Họ dọn dẹp núi non, khơi đào sông ngòi để lấy đất cho lớp người bình thường tầm vóc bé nhỏ nhưng nhanh chóng sinh sôi nảy nở khai phá đồng ruộng, cày cấy sinh nhai, xây dựng xã hội, kiến thiết thành những làng xóm đông vui. Ở Thanh Hóa, vùng đồng bằng hầu như nơi nào cũng có ông khổng lồ cải tạo đất đai tự nhiên, dọn dẹp núi non, quảy núi cày sông, mở mang đồng ruộng, giúp dân cày cấy làm ăn được thuận lợi. Đó là ước mơ của người xưa cũng là hiện thực của tự nhiên, đất đai Thanh Hóa từ giai đoạn cuốc đá đã tiến lên giai đoạn cày đồng, dùng vai trâu, vai bò thay thế đôi tay người thời các Vua Hùng trị vì đất nước. Dấu tích các ông khổng lồ đem sức mạnh kỳ vĩ dọn dẹp núi sông, kiến thiết đồng ruộng, đến nay còn để lại khá nhiều trong truyền thuyết dân gian. Ví như ông Đồng Tĩnh Gia gánh đá, nhổ hết tóc mình vặn xoắn lại làm quang, máu tuôn ra nhuộm đỏ các đồi đất sỏi. Mười tám hòn đảo ngoài khơi: Hòn Bảng, hòn Dơi, hòn Vàng, hòn Sổ, hòn Sập... đều do ông gánh từ trong đất liền đổ ra biển khơi...
Núi Bưng là một hòn núi ở Hoằng Hóa bưng từ xa để ném ra biển, giữa đường bị vỡ mà thành. Dân gian lấy tên hòn núi vỡ đặt cho ông khổng lồ là ông Bưng. Ông khổng lồ khác ở Thiệu Hóa cũng nổi tiếng sức vóc kỳ vĩ, khi ăn uống phải dùng cái bát to bằng cái nồi vồm, cơm cà hết mấy chục nong, nước uống cạn cả sông. Ông Vồm dọn các núi đắp lại thành dãy Bằng Trình. Đang đắp tiếp dãy Bàn A, ông Vồm nghe đồn ở Hoằng Hóa có ông Bưng sức khỏe hơn cả mình, muốn thử đánh vật với nhau một keo để xem ai tài giỏi hơn ai. Ông mời ông Bưng đến chơi ngắm cảnh Bằng Trình bên sông Mã giống con chim bằng khổng lồ sắp tung cánh cất mình bay lên. Ông Bưng ghét kẻ tự đắc khoe khoang, nghĩ có lẽ ông coi thường trái núi nhỏ mình đánh rơi mà thành, liền sải bước đến chơi đất Giàng. Chưa qua nửa keo vật, ông Vồm đã bị quật ngã chết tươi. Không ngờ thử chơi cho vui hóa ra hại chết nhau, ông Bưng rất hối hận, nhưng trót lỡ tay mất rồi, biết làm sao? Ông đành moi núi Vồm chôn ông Vồm vào đó. Nhưng thân thể to quá vẫn không thể chôn hết, ông Bưng phải nhặt các hòn núi rải rác quanh vùng đắp thêm mới kín đủ thành ngôi mộ. Vì vậy, núi Vồm trở nên to lớn như ngày nay chúng ta thấy. Ông Bưng còn lấy ngón tay mình vạch lên vách núi mấy cái thành hình tượng ông Vồm. Đời sau, dân gian tô điểm thêm vào phác thảo ấy để tượng ông Vồm được hoàn chỉnh hơn, rồi lập chùa miếu thờ phụng. Hiện nay tượng ông Vồm vẫn còn ở chùa Vồm, làng Dương Xá, xã Thiệu Dương, gần bến sông Giàng, một thời nhộn nhịp bến đò dọc đưa khách ngược xuôi; tiếng hò sông Mã vút cao, nơi góp phần sinh ra và nuôi dưỡng một điệu hò độc đáo của sông nước miền Trung.
Dân gian Hoằng Hóa đồng hóa ông Bưng khổng lồ với ông Bưng Lê Phụng Hiểu người đầu đời đời Lý Thái tổ, Thái tông, làm tới Đô thống Thượng tướng quân, có đền thờ ở chân núi Bưng. Sách Hoằng Hóa phong vật chép một bài thơ vịnh núi Bưng:
Sơn hiệu Băng Sơn cảnh sắc xanh,
Nhận lai thế thế kiến linh tinh.
Mã – Yên tiền tự loan như trạc
Hương tự trung bàn thạch diệc hinh.
Bản thụ trì huân lưu cổ miếu,
Trịch đao thần hóa thướng di hình.
Anh hùng nhất khứ thùy linh tích,
Thiên cổ giang sơn toại đắc danh.
Dịch thơ:
Băng Sơn xanh biếc một màu xanh,
Càng thấy anh linh hiển hiện hình.
Dáng đẹp Mã Yên trời quang sáng,
Chùa thơm Hương Tự cảnh sắc thanh.
Giúp dân giữ ruộng công ghi miếu
Thắng giặc quăng dao chẳng lấy danh.
Một thuở anh hùng lưu tích cũ,
Giang sơn còn mãi dấu anh linh.
Tuấn Phổ dịch
Nhiều thơ ca dân gian về cuộc đời Lê Phụng Hiểu, phú quý vẫn đi về thăm mẹ già ở ngôi nhà dưới chân núi Băng Sơn. Hơn một nghìn mẫu ruộng “ném dao”, ông chia hết cho bà con đói nghèo (theo Địa chí văn hóa Hoằng Hóa do Ninh Viết Giao chủ biên).
Hằng năm lễ hội đền thờ thánh Bưng thờ Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu rất đông vui, nổi tiếng nhất là chèo chải, thuyền rồng chở Lê Phụng Hiểu thuở hàn vi qua sông Mã lên núi Hoa Lâm đốn củi đổi gạo nuôi mẹ. Nơi ấy có núi Chiếu Bạch, dòng sông Chiếu Bạch, đền đài kỷ niệm cũng là một danh sơn thắng tích.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/nui-bung/110635.htm