Núi lửa 4 triệu năm tuổi trên đảo La Palma, Tây Ban Nha thức giấc, 10.000 người sơ tán
Sau một cơn địa chấn làm rung chuyển hòn đảo La Palma, Tây Ban Nha, dung nham đã phun trào dữ dội vào chiều 19/9, khiến hàng nghìn người phải sơ tán.
Một ngọn núi lửa đã phun trào trên đảo La Palma của Tây Ban Nha vào 15h15’ ngày 19/9, giờ địa phương (20h15’ giờ Việt Nam). Dung nham bắn lên không trung và chảy như suối về phía những ngôi làng dưới chân núi thuộc công viên quốc gia Cumbre Vieja.
Trước đó, các nhà chức trách đã bắt đầu sơ tán những người già yếu và gia súc khỏi các khu dân cư ở khu vực Cabeza de Vaca gần miệng núi lửa sau khi một cơn địa chấn làm rung chuyển hòn đảo.
Chỉ hai giờ sau, 5 dòng suối dung nham rừng rực, sôi sục tràn xuống sườn núi.
Các chuyên gia địa chất dự đoán có khoảng 17-20 triệu khối dung nham được giải phóng từ núi lửa. 5.000 người đã được sơ tán và chưa có thương tích nào được báo cáo, người đứng đầu quần đảo Canary, Angel Victor Torres, cho biết trong một cuộc họp báo vào tối 19/9.
Trong khi Lực lượng bảo vệ dân sự địa phương thông báo, 5.000 - 10.000 người sẽ được sơ tán khỏi các thành phố El Paso, Los Llanos de Aridane, Fuencaliente và Tazacorte.
Cuối ngày 19/9, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã đến La Palma, hòn đảo nằm ở phía tây bắc của quần đảo, để thảo luận với chính quyền sở tại về các biện pháp đối phó khẩn cấp.
La Palma là núi lửa hoạt động mạnh nhất của quần đảo Canary và được hình thành cách đây 3-4 triệu năm, phun trào lần cuối vào năm 1971.
Vụ phun trào sớm nhất được ghi nhận ở La Palma vào năm 1430, theo Viện Địa lý Quốc gia Tây Ban Nha (ING).