Núi lửa lớn nhất thế giới tại Hawaii bình yên trở lại sau đợt phun trào nhiều tuần lễ
Núi lửa lớn nhất thế giới Mauna Loa tại đảo Hawaii (Mỹ) đã bình yên trở lại sau một đợt phun trào kéo dài nhiều tuần lễ.
Đây là đợt phun trào đầu tiên trong gần 4 thập kỷ qua. Theo các nhà khoa học, Mauna Loa đã phun ra dòng nham thạch cao 60m lên không trung, và tạo ra dòng kim loại chảy tràn xuống sườn núi, thu hút khách du lịch cũng như các chuyên gia về núi lửa đến chiêm ngưỡng.
Những vết nứt lớn trên miệng núi đã nhả ra hàng tấn khí, làm bắn ra những mảnh vụn thủy tinh núi lửa, còn được gọi là Tóc Pele. Nhưng ngày 13/12, các chuyên gia tại Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ (USGS) cho biết cảnh tượng này đã kết thúc.
Tuyên bố của USGS nêu rõ: “Dòng nham thạch chảy qua vết nứt 3 trên Vùng Nứt Đông Bắc đã dừng lại vào ngày 10/12 và lượng khí SO2 thoát ra đã giảm xuống mức tương đương trước đợt phun trào này”. Tuyên bố khẳng định: “Các cơn địa chấn núi lửa gắn với đợt phun trào này đã kết thúc”.
Tuy nhiên, vẫn có thể nhìn thấy dòng nham nóng, dày, chảy ra từ vết nứt trong vài tuần tới. Mặc dù vậy, USGS dự báo hoạt động phun trào sẽ không trở lại.
Mauna Loa còn có nghĩa là Dãy núi dài, là núi lửa lớn nhất thế giới, có chiều dài lớn hơn phần còn lại của các đảo ở Hawaii cộng lại. Các sườn núi trải dài nhiều dặm xuống đáy đại dương. Từ chân lên đỉnh núi dài 11 dặm.
Là 1 trong 6 núi lửa đang hoạt động trên quần đảo Hawaii, núi Mauna Loa đã phun trào 33 lần từ năm 1843. Trước đợt phun trào năm nay, lần gần đây nhất là vào năm 1984, kéo dài 22 ngày.
Kilauea, một ngọn núi lửa khác ở sườn Đông Nam của Mauna Loa, đã phun trào gần như liên tục trong giai đoạn 1983 – 2019. Trong nhiều tháng nay, núi lửa này cũng diễn ra một đợt phun trào nhỏ.