Núi lửa ở Lý Sơn - Bình Châu phun trào 11 triệu năm trước

Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học nhận định cụm núi lửa ở Lý Sơn - Bình Châu (Quảng Ngãi) có chế độ phun trào khác nhau, khoảng 11 triệu đến 4.500 năm trước.

Chiều 7/6, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi tổ chức họp báo về Hội thảo quốc tế “Giá trị di sản Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh”.

"Trái tim biển đảo", di sản địa chất núi lửa độc đáo ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: M.Hoàng.

"Trái tim biển đảo", di sản địa chất núi lửa độc đáo ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: M.Hoàng.

Hội thảo thu hút hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế gửi bài tham luận về kết quả nghiên cứu giá trị di sản địa chất và văn hóa Sa Huỳnh, trong phạm vi Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi công bố kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học về "Diện mạo Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh".

Theo đó, công viên có diện tích tự nhiên rộng 4.600 km2, trong đó hơn 2.000 km2 đất liền với khoảng 900.000 người dân sinh sống trải dài 9 huyện, thành phố trên địa bàn Quảng Ngãi. Dự kiến hồ sơ Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh được trình UNESCO cuối tháng 11, để xem xét công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, cụm núi lửa ở Lý Sơn - Bình Châu và vùng phụ cận phát lộ nhiều loại đất đá, nham thạch tiêu biểu cho các chế độ phun trào khác nhau trong giai đoạn Kỷ đệ tứ, khoảng 11 triệu đến 4.500 năm trước.

 Rong rêu mọc trên nền trầm tích núi lửa đảo Bé (Lý Sơn) tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp. Ảnh: Minh Hoàng.

Rong rêu mọc trên nền trầm tích núi lửa đảo Bé (Lý Sơn) tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp. Ảnh: Minh Hoàng.

Hoạt động phun trào và tắt của núi lửa tạo nên nhiều cảnh quan kỳ thú trên đảo Lý Sơn như dấu tích hàng loạt miệng núi lửa Thới Lới, Giếng Tiền, vách đá Hang Câu, cổng Tò Vò hay vách đá dựng đứng kéo dài hàng km, dấu tích miệng núi lửa còn nguyên vẹn ở gần bờ biển Ba Làng An (xã Bình Châu).

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu văn hóa nhận định Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh là khu vực có mật độ dày đặc, hòa quyện các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể từ các dòng chảy văn hóa khác nhau: Văn hóa thời đồ đá cũ và mới, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm và Đại Việt.

Độc đáo nhất là vùng biển Bình Châu - Lý Sơn có "nghĩa địa tàu cổ đắm" với hàng chục con tàu chứa nhiều hiện vật có niên đại từ 500 đến 1.000 năm, phản ánh quá trình giao thương lâu đời của Việt Nam với thế giới.

Quảng Ngãi đã chọn lọc 90 điểm di sản phân bố trên bốn tuyến hội tụ với nhau trong Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, tạo nên "Miền đất của những chuyển động" nhằm bảo tồn, giới thiệu rộng rãi đến du khách trong nước và quốc tế.

Minh Hoàng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nui-lua-o-ly-son-binh-chau-phun-trao-11-trieu-nam-truoc-post954440.html