Núi lửa Tonga phun trào, nhiều nước cảnh báo sóng thần

Hàng loạt quốc gia như New Zealand, Nhật Bản, Australia, Ecuador, các bang Alaska, Hawaii, bờ biển phía Tây nước Mỹ và quần đảo Fiji…cùng đưa ra cảnh báo nguy cơ xảy ra sóng thần sau khi núi lửa ngầm tại Tonga phun trào làm xáo trộn những hoạt động trong lòng đại dương.

Sóng thần tràn vào thủ đô Nukualofa của Tonga. Ảnh: Stuff.

Sóng thần tràn vào thủ đô Nukualofa của Tonga. Ảnh: Stuff.

Tối 15-1 (giờ địa phương), Cục Khí tượng (BOM) của Australia cảnh báo nguy cơ xảy ra sóng thần tại vùng biển thuộc các bang New South Wales, Queensland, Tasmania và Victoria sau khi núi lửa ngầm Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào. BOM nêu rõ thảm họa sóng thần một khi xảy ra có thể gây hại cho môi trường biển khu vực bờ biển phía Đông của Australia và vùng đất trên đảo Chúa Howe và đảo Norfolk. BOM cho biết vẫn đang theo dõi sát sao tình hình và thường xuyên cập nhật những cảnh báo nếu cần thiết. Theo cảnh báo của BOM, người dân trên bờ cần di chuyển sâu khoảng 1km hoặc tới các vùng đất cao ít nhất 10m so với mực nước biển. Trong khi đó, người dân đang hoạt động trên biển được khuyến cáo quay trở về bờ ngay lập tức.

Trong khi đó, Viện Hải dương học Hải quân Ecuador (INOCAR) cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra sóng thần tại Puerto Ayora, thành phố lớn nhất trên quần đảo trung tâm Galapagos, nằm cách đất liền Ecuador 1.000km về phía Tây. INOCAR cho biết cơ quan này ghi nhận sự xáo trộn của dòng nước biển tại Vịnh Academy Bay thuộc đảo Santa Cruz, nơi tọa lạc thành phố Puerto Ayora. Hiện cơ quan này đang theo dõi nguy cơ xảy ra sóng thần tại quần đảo Galapagos và bờ biển của nước này.

Nhật Bản cũng đã phát đi cảnh báo sóng thần cho các hòn đảo phía nam vào ngày 16-1. Khu vực bờ biển của Nhật Bản cũng ghi nhận những con sóng cao 1,2m và theo cảnh báo của Cơ quan Địa chất Nhật Bản, các con sóng tại nước này có thể lên cao tới 3m. Một số chuyên gia cũng cảnh báo khu vực rộng lớn dọc theo bờ biển phía đông của Nhật Bản, từ Hokkaido đến Okinawa, cũng nằm trong phạm vi có nguy cơ ảnh hưởng bởi sóng thần. Cảnh báo tương tự cũng được đưa ra tại New Zealand. Ở khu vực đảo Nam của New Zealand, nhiều người cho biết họ nghe thấy âm thanh từ vụ phun trào. Người dân báo cáo tàu thuyền bị hư hại do sóng đánh ập vào một bến thuyền thuộc Whangarei ở đảo Bắc.

Theo thông tin mới nhất do các nhà khoa học công bố ngày 16-1, núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào hôm 14-1 là một trong những vụ phun trào dữ dội nhất từng ghi nhận trên toàn thế giới. Tại Tongo, ngay sau khi núi lửa tiếp tục phun trào vào ngày 15-1, sóng thần cao 1,2m đã càn quét bờ biển của thủ đô Nuku'alofa. Theo Cơ quan địa chất Mỹ, núi lửa tiếp tục phun trào trong ngày 15-1 và đợt phun trào này được đánh giá tương đương trận động đất có độ lớn 5,8. Theo Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, sóng thần gây thiệt hại đáng kể cho Tonga khiến tàu thuyền dạt vào bờ, song chưa rõ thiệt hại về người. Hệ thống liên lạc toàn thủ đô Nuku'alofa bị cắt đứt.

Trước đó, nhà vua Tupou VI đã được sơ tán khỏi cung điện gần bờ biển trong khi hàng loạt cư dân cũng phải trốn chạy đến khu vực cao hơn. Trang tin Islands Business cho biết, một đoàn xe gồm cảnh sát và quân đội đã sơ tán Vua Tupou VI khỏi cung điện gần bờ biển. Ông nằm trong số nhiều cư dân phải sơ tán đến khu vực cao hơn.

 Ảnh vệ tinh chụp cảnh núi lửa Hunga-Ha'apai phun trào.

Ảnh vệ tinh chụp cảnh núi lửa Hunga-Ha'apai phun trào.

Hiện chưa có báo cáo về thương vong cũng như mức độ thiệt hại vì tất cả kết nối Internet với Tonga đã bị mất. Tonga, nơi sinh sống của khoảng 105.000 người, video đăng tải lên mạng xã hội cho thấy những con sóng lớn dạt vào các khu vực ven biển, cuốn vào nhiều công trình. CNN cho biết nhiều tuyến đường bị ngập nặng, tro bụi bao phủ khắp thành phố Nuku'alofa và kết nối điện thoại nhiều khu vực bị gián đoạn vào tối 15-1.

Núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai, nằm cách thủ đô Nuku'alofa của Tonga khoảng 65km về phía Bắc. Theo Radio New Zealand, nó lần đầu tiên phun trào hôm 14-1, giải phóng một lượng tro bụi khổng lồ lên không trung khoảng 20km. Những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy việc phun trào dữ dội với lớp tro bụi dày đặc phun lên không trung với những tiếng nổ có thể nghe thấy ở khoảng cách 10.000km.

Trong các đợt phun trào gần đây nhất 2009 và 2015, núi lửa này đã khiến mực nước biển dâng cao và phun lượng lớn đất đá và tro bụi vào không khí.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_255795_nui-lua-tonga-phun-trao-nhieu-nuoc-canh-bao-song-than.aspx