Nước Anh rối bời vì khủng hoảng chi phí sinh hoạt
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt kéo dài ở Anh đã làm xói mòn nền kinh tế và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị trong thời gian tới.
Cơn đói ập đến
Ngày 27/2/2024, Quỹ thực phẩm Anh quốc (The Food Foundation) đã công bố một thông tin gây chấn động. 15% hộ gia đình ở Vương quốc Anh, tương đương với khoảng 8 triệu người lớn và 3 triệu trẻ em đã phải chịu tình trạng mất an ninh lương thực vào tháng 1/2024. Cụ thể là các hộ gia đình này đã bị đói hoặc bỏ bữa vì không đủ tiền mua hàng thường xuyên. Nguyên nhân là do giá thực phẩm tăng cao thâm hụt túi tiền của các hộ gia đình.
Một thống kê khác cho thấy, 60% số hộ gia đình cho biết họ phải mua ít hoa quả hơn trong 2 tháng gần nhất, 44% thậm chí còn phải cắt giảm lượng rau xanh trong khẩu phần vì không cân đối được chi phí. Trước đó, vào tháng 12/2023, cũng chính The Food Foundation đưa ra báo cáo lượng rau mà các hộ gia đình ở Anh mua đã giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm dựa trên doanh số bán ra của các siêu thị ở Anh trong hai năm trước đó. Nhưng dữ liệu theo dõi mới nhất cho thấy tình hình còn tồi tệ hơn đối với các gia đình có thu nhập thấp.
Các chuyên gia của The Food Foundation cảnh báo, “đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng mất an ninh lương thực ở cấp độ cao” và là “tình trạng khẩn cấp về y tế”. Điều này có thể làm gia tăng các trường hợp suy dinh dưỡng và còi xương ở trẻ em cũng như giảm sức đề kháng ở người lớn. Số liệu từ Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh (NHS) cuối năm 2023 cũng ghi nhận lượng tăng vọt số bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng vào năm ngoái.
Phân tích tình trạng dinh dưỡng trong một thập kỷ qua, NHS cho biết có sự gia tăng đáng kể trong các bệnh liên quan đến thiếu hụt vitamin và khoáng chất như bệnh scorbut, còi xương và thậm chí là suy dinh dưỡng. Cụ thể, số trẻ nhập viện với chẩn đoán thiếu sắt đã tăng hơn gấp đôi, từ 196.685 trẻ (năm 2014) lên 490.005 trẻ vào năm 2023. Các trường hợp bệnh nhân đang được điều trị thiếu hụt vitamin nhóm B tăng gấp ba lần từ 57.406 vào một thập kỷ trước lên 167.562 vào năm 2023.
Trong khi đó, tình trạng suy dinh dưỡng do không đủ calo hoặc protein, đã tăng từ 5.746 lên 9.390 trường hợp. Tổng cộng, đã có 824.519 lượt nhập viện được chẩn đoán mắc ít nhất một trong những tình trạng này vào năm 2023, tăng so với 293.686 một thập kỷ trước. Những con số cho thấy, người Anh đang “đói” hơn. Báo cáo này cũng đi đến kết luận:”Việc nhóm những người nghèo nhất giảm tiêu thụ rau quả có thể sẽ gây thêm gánh nặng cho NHS”.
Trong cảnh báo của The Food Foundation, tổ chức này cho biết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra đồng nghĩa với việc tình trạng mất an ninh lương thực đã trở thành bình thường đối với nhiều người. Ông Henry Dimbleby, cựu cố vấn về vấn đề lương thực của Chính phủ Anh và là tác giả của chiến lược lương thực quốc gia năm 2021, gọi đây là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe” sẽ gây ảnh hưởng lâu dài.
Vì đâu nên nỗi ?
Khi được hỏi về tình trạng này, người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết: “Chúng tôi nhận thấy những áp lực mà mọi người đang phải đối mặt, đó là lý do tại sao chúng tôi đang cung cấp 104 tỷ bảng chi phí hỗ trợ sinh hoạt tương đương 3.700 bảng cho mỗi hộ gia đình, trong khi duy trì các chương trình thực phẩm lành mạnh giúp đỡ hơn 3 triệu trẻ em”. Sự trợ giúp này của chính phủ đã phát huy hiệu quả khi thống kê cho thấy, có đến 45% hộ gia đình nhận được tín dụng phổ thông - một chương trình trợ giúp người thu nhập thấp - đã gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực trong thời gian dài. Nhưng như thế vẫn là không đủ.
Khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt bùng phát hơn 2 năm trước, lý do hàng đầu là do giá năng lượng tăng cao đột biến. Lạm phát ở Anh đã tăng vọt lên trên 10% kể từ tháng 7/2022 và kéo dài trong nhiều tháng. Đây là mức lạm phát cao nhất của Anh trong suốt 40 năm kéo tất cả các mặt hàng giá cả tăng cao, đặc biệt là nhóm hàng lương thực, thực phẩm vốn đã tăng sau giai đoạn dịch COVID-19 và Brexit. Những biện pháp mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã kéo lạm phát về mức 4% như hiện nay. Tuy nhiên, việc thắt chặt tiền tệ đã làm suy yếu nền kinh tế, gây ra hiện tượng mất việc làm hàng loạt. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở Anh hiện nay lên tới 4,2% (tương đương giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 năm 2021). Đặc biệt nguy hiểm, số lượng người thất nghiệp thời gian dài (trên 6 tháng) ở mức rất cao so với các nước có nền kinh tế phát triển khác làm ảnh hưởng lớn tới các hộ gia đình. Thực tế tình trạng “ngân sách âm” đang rất phổ biến trong các hộ gia đình trung lưu ở Anh sau những cuộc khủng hoảng kéo dài.
Mặt khác, dù lạm phát đã giảm nhưng giá lương thực tại Anh vẫn ở mức cao. Giá của một giỏ thực phẩm hàng tuần “có chi phí hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng” đã tăng 24-26% trong hai năm qua theo báo cáo của The Food Foundation. Trong khi đó, bất chấp những trợ cấp của chính phủ như áp giá trần năng lượng (ước tính đã giúp giảm 7% chi phí hóa đơn năng lượng hộ gia đình ở Anh năm 2023) thì những chi phí thường trực khác lại tăng đến chóng mặt. Chúng là những khoản phí cố định hàng ngày như tiền thuê đường dây được tính vào hóa đơn bất kể bạn sử dụng nhiều hay ít năng lượng. Số tiền mà các khoản phí này cộng vào hóa đơn nhiên liệu kép thông thường đã tăng lên trên 300 bảng Anh/ năm, một con số đáng kể với các hộ gia đình có thu nhập thấp. Những khoản chi phí này đã tăng hơn 60% trong hai năm qua. Điều đó đã làm xói mòn lòng tin của người dân với các chính sách của chính phủ.
Thước đo bầu cử
Cuộc tổng tuyển cử Anh tiếp theo được dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2025. Tuy nhiên, sức ép từ các đảng đối lập khiến cho cuộc bầu cử này có khả năng được đẩy lên trước thời hạn. Những đồn đoán về cuộc bầu cử sớm vào tháng 4/2024 đã được đưa ra từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, ngày 5/1/2024, trong chuyến thăm và làm việc ở hạt Nottinghamshire (miền Trung nước Anh), Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết ông và nội các “đang làm việc dựa trên viễn cảnh cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào nửa sau của năm 2024”. Điều này nhằm giúp chính phủ có thêm thời gian giải quyết các vấn đề cấp bách như chi phí sinh hoạt.
Nghiên cứu mới nhất từ Citizens Advice cho thấy đảng Bảo thủ có nguy cơ đánh mất tới 85/313 ghế tại Hạ viện nếu cuộc bầu cử diễn ra ngay lúc này. Những khu vực bầu cử được cho là sẽ “quay lưng với chính phủ” chính là những khu vực đang gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt với tình trạng “ngân sách âm” của các hộ gia đình. Nguy cơ thất bại rõ ràng này đang khiến Thủ tướng Rishi Sunak phải mạnh mẽ tiến hành những cải cách.
Tuy nhiên, vấn đề sẽ không dễ dàng khi nền kinh tế Anh được cho là đã rơi vào tình trạng giảm phát sau 2 quý cuối năm 2023 liên tiếp tăng trưởng âm. Nguồn thu ngân sách không tăng trong khi chi phí dành cho một loạt vấn đề như quốc phòng, người nhập cư, trợ cấp hưu trí và trợ cấp sinh hoạt đều tăng cao khiến cho Chính phủ Anh đang vô cùng bối rối.
Ngày 6/3, Bộ Tài chính Anh công bố kế hoạch ngân sách mùa Xuân nhằm tăng cường hỗ trợ giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cũng phải cảnh báo về khả năng ngừng quỹ trị giá 900 triệu bảng/ năm hiện đang được sử dụng để tài trợ phiếu ăn miễn phí cho trẻ em tại trường từ tháng 4 tới đây. Sau khi đã tiến hành hai đợt cắt giảm thuế lao động liên tiếp, Chính phủ Anh đang đứng trước nguy cơ phải tiến hành cắt giảm dịch vụ công để bù đắp cho khoản thu giảm sút. Đó chính là cơn sóng ngược đang đánh vào chiếc thuyền do Thủ tướng Sunak lèo lái.
Nhưng ngay cả khi đảng Bảo thủ bị đánh bại, khả năng lãnh đạo của Công đảng đối lập cũng bị nghi ngờ không kém. Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer dù liên tục chỉ trích chính phủ nhưng cũng bị chỉ trích vì không đưa ra các chính sách cụ thể để giải quyết vấn đề ngoài việc cam kết sẽ xử lý nền kinh tế tốt hơn và theo đuổi tăng trưởng kinh tế.
Bà Clare Moriarty, cựu quan chức cấp cao chính phủ hiện là người đứng đầu Citizens Advice thừa nhận: “Điều đáng buồn là mức sống (thấp) đáng kinh ngạc chỉ cách đây vài năm đã trở thành hiện thực hàng ngày đối với nhiều người trong xã hội chúng ta”.