Nước biển đang dâng nhanh hơn dự kiến, thủ phạm là các vi sinh vật
Băng ở Greenland có thể đang tan nhanh hơn so với người ta tưởng, do các sinh vật sống trên băng tạo ra lớp màu, hấp thụ ánh nắng mạnh hơn.
Khi Joseph Cook đến dải băng Greenland vào năm 2010, ông trông đợi sẽ thấy khung cảnh màu trắng hoàn toàn. Thay vào đó, ông lại thấy nhiều màu đan xen, từ đen, xám đến xanh lá cây, tím, nâu, có cả các “vệt” băng tan chảy màu xanh da trời.
“Cho đến gần đây, người ta nghĩ dải băng, sông băng... là những nơi không có sự sống... Nhưng khi nhìn dưới kính hiển vi, cụ thể là dải băng Greenland, hóa ra chúng lại là một rừng mưa đóng băng với sự đa dạng sinh học”, ông Cook, nhà nghiên cứu băng, cho biết.
Những màu đa dạng mà ông Cook nhìn thấy chính là từ các vi sinh vật đang sinh sống trên bề mặt dải băng.
Đa dạng sinh học thường là điều tốt, nhưng trong trường hợp này, sự sinh sôi nảy nở của vi sinh vật lại khiến băng tan nhanh hơn, có khả năng khiến mực nước biển dâng nhanh hơn so với dự đoán của giới khoa học, theo CNN.
Tảo và vi khuẩn khiến băng tan nhanh hơn
Đáng lo ngại hơn, hiện tượng băng tan nhanh do vi sinh vật lại diễn ra ở đảo Greenland. Greenland vốn là nguồn đóng góp lớn nhất làm nước biển dâng. Nếu toàn bộ dải băng Greenland tan chảy, mực nước biển sẽ dâng lên 7 m. Giới khoa học cho biết sẽ mất hàng thế kỷ để toàn bộ dải băng tan hết, và nếu cắt giảm khí thải carbon, sẽ có thể làm chậm quá trình tan băng.
Thậm chí, một nghiên cứu gần đây cho thấy hiện tượng băng tan có thể đã vượt ngưỡng không thể cứu vãn.
Ông Cook nói các sinh vật đang làm hiện tượng băng tan trở nên trầm trọng hơn. Một trong số các sinh vật là một loại tảo sinh sống trong lớp nước mỏng trên mặt băng. Tảo này tạo ra chất màu tím - nâu. Chất này bảo vệ tảo khỏi ánh nắng, nhưng lại khiến băng nóng lên và tan chảy - tương tự việc con người sẽ nóng hơn nếu mặc áo đen trong ngày nắng, thay vì áo trắng.
Nghiên cứu của ông Cook trên một phần của dải băng Greenland cho thấy loại tảo này đóng góp 13% vào lượng băng tan. Ở một số điểm, tảo khiến băng tan nhanh hơn tới 26%.
Hiện tượng tảo mọc trên băng không phải là mới, mà đã được ghi nhận từ thế kỷ trước. Nhưng thời nay, sự nóng lên toàn cầu và lượng tuyết giảm đang khiến tảo mọc nhiều hơn, dẫn đến vòng lặp: băng càng tan, càng có nhiều nước, tảo lại càng mọc, càng khiến băng tan.
Ngoài loại tảo nói trên, còn có một loại vi khuẩn sinh sôi trên mặt băng, dính vào các hạt bụi trong nước tan ra từ băng, tạo thành một chất đặc, sẫm màu. Chất này khiến băng ở bên dưới tan ra, tạo thành một cái hố trên bề mặt băng. Các hố này có thêm nước chảy vào, có thêm bụi, lại bị các vi khuẩn dính vào, càng gây ra băng tan.
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới nằm ở Bắc Cực, và là quốc gia tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch. Băng tuyết bao phủ phần lớn diện tích hòn đảo này.
Dự đoán nước biển dâng chưa tính đến vi sinh vật
Nghiên cứu của ông Cook góp thêm bằng chứng cho thấy tốc độ băng tan chưa được ước tính đúng. Một nghiên cứu khác gần đây bằng dữ liệu vệ tinh cho thấy các sông băng nhạy cảm hơn với biến đổi khí hậu so với người ta tưởng. Theo đó, dải băng Greenland đang tan nhanh gấp 7 lần so với hồi thập niên 1990.
Do đó, các ước tính về nước biển dâng hiện tại có thể đã quá thấp, vì còn thiếu thông tin về hiện tượng băng tan do các vi sinh vật sống trên băng.
Việc dự đoán chính xác là thiết yếu, vì một sai lệch nhỏ trong việc dự đoán nước biển dâng cũng có thể có tác động khổng lồ - đe dọa bờ biển từ Thái Bình Dương đến Miami đến Ấn Độ.
Hồi tháng 8, theo nghiên cứu dựa trên dữ liệu vệ tinh đăng trên tạp chí Comunications Earth & Environment, lượng băng mất đi ở Greenland tăng kỷ lục năm 2019, tương đương 1 triệu tấn mỗi phút. Dải băng Greenland bị mất đi khoảng 532 tỷ tấn vào năm ngoái vì bề mặt tan chảy và băng rơi xuống biển.
Giới khoa học đã biết Greenland đang mất đi lượng băng ngày càng lớn, đặc biệt là trong năm 2019. Nhưng dữ liệu vệ tinh giờ đây tính được cả lượng tuyết rơi, cho phép tính chính xác lượng băng mất đi. Quy mô của lượng băng mất đi năm 2019 thực sự gây sốc và có thể là lượng lớn nhất trong nhiều thế kỷ, thậm chí thiên niên kỷ.
Nước biển dâng có thể gây thiệt hại 14.200 tỷ USD tính đến cuối thế kỷ, và khiến 287 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
“Nếu chúng ta muốn ra quyết định đúng về cách quản lý đất đai, hạ tầng... trong tương lai, chúng ta phải có dự đoán tốt về nước biển dâng và các rủi ro trong giai đoạn tới”, ông Cook nói.
“Còn nhiều câu hỏi cần trả lời... như một công viên giải trí dành cho các nhà khoa học, vì có quá nhiều cái để làm”, ông nói thêm.