Nước biển vào sông

Tôi hiểu nôm na quy luật bình thường của tự nhiên là như vậy, chỉ len lỏi trong mạch ngầm. Vì thế, bỗng hoảng sợ khi chứng kiến nước biển chảy ngược vào đất liền, tại cầu Sông Cạn, kéo tới những vùng đồng trống trải ở tít phía xa thuộc xã Phan Rí Thành – Bắc Bình.

Nước biển vào sông

 Đập ngăn mặn tạm ở Chợ Lầu - Bắc Bình.

Đập ngăn mặn tạm ở Chợ Lầu - Bắc Bình.

Nếm… nước

Buổi sáng nọ, anh Trần Văn Vinh ở xóm 1 – Phước Thể - Tuy Phong nhận ra hình như vườn khổ qua trước nhà, lá úa vàng rải rác. Trái lớn, trái nhỏ trên dây đang xanh nhưng có triệu chứng héo cuốn. Lạ quá, hai vợ chồng luống cuống, vì không tìm được nguyên nhân nên chỉ biết cứu vãn bằng cách tưới nước nhiều hơn, vì lo lắng có thể mùa nắng bị thiếu nước. Nhưng hình như càng tưới nước, 2 sào khổ qua càng bị vàng lá nhiều hơn. Rồi mấy cây cảnh trước sân cũng đồng loạt héo lá bất ngờ. Chợt nhận ra điều gì đó, anh Vinh chạy ra xách nước giếng uống thử thì đúng là nước đã mặn như có pha muối. Nhà anh uống nước bình, tắm giặt từ nước giếng này nhưng mấy hôm trước tắm vẫn chưa bị ngứa ngáy gì. Thế mà…

Tin nước giếng bị nhiễm mặn loan đi. Ai nấy trong xóm 1 này đều giật mình kiểm tra giếng nước nhà mình thì đồng thời đó, những khu vườn tạp trồng nhiều loại cây của 10 hộ dân cũng bắt đầu bị hư hại. Vườn của anh Lê Bá Hiền có 3, 5 sào thanh long và 2, 3 sào trồng các loại rau đã bị tưới phải nước giếng nhiễm mặn nên bây giờ, dây thanh long héo, còn vườn rau thì đã chết lụi nham nhở từ mấy ngày trước. Nhưng anh Hiền không buồn dọn dẹp, vì những ngày qua, anh phải tất bật tìm đất của nhà bà con ở phía trong để khoan giếng, dẫn nước ngọt qua chặng đường dài 150 m về tưới rửa, mong dây thanh long hồi phục.

Nhưng có lẽ, chuyện tìm nước ngọt của ông Huỳnh Thọ nhọc nhằn hơn cả. Khi phát hiện giếng nước bị nhiễm mặn, ông lùi vào 50m khoan 1 giếng khác, nếm thử thấy không mặn, ông mừng rỡ tưới cho vườn cây và thận trọng nếm nước từng ngày. Rồi sáng hôm ấy, ông nếm và cảm nhận nước đã mặn ở đầu lưỡi. Ông lại tiếp tục lùi thêm 50m nữa để khoan 1 giếng khác thì cũng chỉ được 15 ngày, nước mặn lại đuổi kịp. Và những ngày này, ông đang dẫn nước ngọt cách vườn 150m để tưới cây và cũng hồi hộp lắm, vì không biết lúc nào giếng lại bị nhiễm mặn tiếp… Nghe những người dân này phàn nàn về độ mặn, tôi cũng múc nước giếng ở nhà anh Vinh để nếm thử. Đúng là nước mặn. Mặn hơn những giọt nước mắt của các hộ dân bị thiệt hại vườn tược, khi những ngày qua cứ vô tư bơm nước giếng nhiễm mặn tưới cây cối...

Cuộc xô đẩy

Nước mặn từ đâu tới, đến bây giờ, không ai biết chính xác. Nhưng điều ấy khiến người dân ở xóm 1 này, nơi có vùng đất mà lâu nay người dân tha hồ chuyển đổi cây trồng từ nho qua thanh long, táo rồi chuối và trồng cả các loại rau củ, bỗng rơi vào nỗi sợ mơ hồ. Nỗi sợ của người làm vườn mà thiếu nước tưới. Nỗi sợ vì nước mà mùa màng thất bát, trong khi phân thuốc, cơm áo gạo tiền cứ chồng chất từng ngày. Buổi chiều hôm ấy lang thang ở xóm 1 này, tôi gặp 2 người dân đang ngồi bên vườn nho trĩu quả, vừa uống nước trà vừa đăm chiêu. Ai cũng đeo khẩu trang và cuộc nói chuyện của họ không liên quan gì đến dịch Covid-19 mà xoay quanh vấn đề nước giếng bị nhiễm mặn.

2 - 3 năm trước, Tuy Phong hạn khiếp lắm nhưng sao năm đó, giếng nước ở đây không bị nhiễm mặn? Vì vậy, tôi nghi do công ty kia đưa nước mặn lên hồ để nuôi tôm.

Nghe nói, không có cấp nước ngọt thì làm sao họ có thể pha nước biển vào để nuôi tôm nước lợ. Có phải do cái hồ trữ nước biển mà không lót bạt nên nước mặn thẩm thấu vào trong đất, lan nhiễm đến đây không?

Trước hôm tôi đến, người dân ở đây đã kiến nghị chính quyền những băn khoăn này. Sau đó, UBND huyện Tuy Phong có đề nghị ngành chức năng tổ chức đi lấy mẫu nhiễm mặn để biết nguyên nhân xuất phát từ đâu, để chấm dứt hoang mang trong nhân dân. Cách xóm 1, Phước Thể không xa lắm, thuộc khu vực dọc theo sông Lòng Sông, giếng nước của một số hộ dân cũng đã bị nhiễm mặn. Nguyên nhân được xác định là nước biển theo mạch ngầm của sông để tiến sâu vào đất liền. Trong khi đó, sông Lòng Sông, mùa này đúng như tên gọi của nó, phơi trơ cả lòng ra. Cánh đồng Tuy Tịnh rộng gần 1.000 ha còn lởm chởm gốc rạ của vụ mùa cách 3 tháng trước, vì không có nước cho sản xuất vụ đông xuân. Nước ngọt không về nên không thể xô đẩy triều cường về đúng vị trí của nó, ngay trong mạch ngầm.

 Khu vườn trồng các loại cây đã tưới phải nước giếng nhiễm mặn nên bây giờ cây bị héo.

Khu vườn trồng các loại cây đã tưới phải nước giếng nhiễm mặn nên bây giờ cây bị héo.

Tôi hiểu nôm na quy luật bình thường của tự nhiên là như vậy, chỉ len lỏi trong mạch ngầm. Vì thế, bỗng hoảng sợ khi chứng kiến nước biển chảy ngược vào đất liền, tại cầu Sông Cạn, kéo tới những vùng đồng trống trải ở tít phía xa thuộc xã Phan Rí Thành – Bắc Bình. Cuộc xâm nhập này diễn ra từng ngày, từ 1- 2 tháng trước tết kéo dài đến nay nên hôm ấy, đứng trên cầu Sông Cạn ngay trên QL 1A, tôi hình dung vì sao quang cảnh hai bên bờ lại có sắc màu của tàn úa.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Chủ tịch xã Phan Rí Thành phụ trách lĩnh vực kinh tế cũng là người cảm nhận nước biển xâm nhập vào các cánh đồng trên địa bàn xã rõ nhất. Ông nói: “Phan Rí Thành là xã nằm cuối tuyến kênh thủy lợi, lại có đến 3 con sông chảy qua địa bàn trước khi đổ ra biển là sông Lũy, sông Đồng, sông Cạn. Hiện 3 con sông này đều bị nhiễm mặn, nước đã rờn xanh, nên mùa này cảm nhận nước biển “lùng sục” vào trong đồng rất rõ. Như tại cánh đồng Chà Vầu Hạ, thuộc thôn Bình Lễ, nước biển theo sông Đồng vào tận kênh mương nội đồng, gây hại cho gần 20 ha thanh long. Còn tại thôn Bình Liêm, nước biển theo sông Cạn vào khống chế hơn 200 ha thanh long…”. Cuộc xô đẩy ở đây như lời anh Tâm nói thì thắng thế đã thuộc về nước biển. Tôi cảm nhận nơi này đang bất lực…

Chỉ có thủy lợi

Khác với Phan Rí Thành, vì sự bủa vây của 3 con sông đã bị tấn công bởi nước biển, người dân ở thị trấn Chợ Lầu từ mấy năm qua đã biết cách làm đập ngăn mặn, rất hòa đồng với thiên nhiên. Như vụ đông xuân 2019 – 2020, trong khi các nơi không được sản xuất, vì thiếu nước thì khu vực đồng Cà Nho, Khánh Tài này vẫn hoạt động nhộn nhịp với lúa cùng những vườn thanh long xanh mát có tổng diện tích 300 ha. Trước đó, người dân có đất trong vùng đã hô hào đóng góp để làm đập ngăn mặn, tức ngăn không cho nước biển tràn vào một nhánh của sông Lũy. Nói là đập chứ thực ra, người dân đắp bao cát chồng chất, lấp đất tạo thành một lối đi nối từ bờ bên này sang bờ bên kia. Khi mùa mưa lũ tới, nước từ thượng nguồn tràn về đây sẽ bung phá tất cả trôi ra biển rồi tới mùa nắng, bà con đắp lại. Dù dã chiến vậy nhưng đập ngăn mặn này có thể cản thủy triều hung hãn tiến vào đất liền vào mùa khô hạn. Nhờ vậy, bà con có đất ở đây vẫn có một vụ mùa bội thu như vừa rồi, lúa đông xuân đạt năng suất 7 tấn/ha, thanh long bán được giá trên dưới 20.000 đồng/kg.

Mùa khô năm nay, Bắc Bình, Tuy Phong là 2 nơi bị ảnh hưởng hạn nhất nên diện tích sản xuất đông xuân rất ít và ngay cả hè thu sắp tới, nếu trời mưa muộn thì cũng có thể phải bỏ vụ. Mùa hạn sẽ kéo dài thêm 3 tháng hoặc có thể 6 tháng nữa, nhất là ở vùng Tuy Phong, nơi chỉ có thể tích nước trên địa bàn chứ không thể được tiếp nước như ở Bắc Bình với hồ Đại Ninh thuộc địa bàn Lâm Đồng. Có nghĩa, việc nhiễm mặn sẽ bành trướng diện tích có thể ở cấp số nhân… Nhưng giải pháp lâu dài cho dải đất khô hạn này là chờ mong hồ Sông Lũy hoàn thành đúng tiến độ thì khi ấy mới có thể dùng nước ngọt để rửa mặn. Phải mất mấy năm? Tôi chợt nhớ câu nói của người dân ở xóm 1, Phước Thể: “Phải mất 4 - 5 năm, sau khi bị nhiễm mặn, giếng nước mới ngọt hẳn”.

Phóng sự: BÍCH NGHỊ

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/nuoc-bien-vao-song-126272.html