'Nước chấm cua đồng' thành ý tưởng khởi nghiệp của học sinh lớp 8
Sản phẩm 'Nước chấm cua đồng' của nhóm học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Bình (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vào vòng chung kết cuộc thi 'Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp' do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Ý tưởng khởi nghiệp này xuất phát từ một loại thực phẩm truyền thống của Hà Tĩnh.
Trước đó, sản phẩm này là 1 trong 2 dự án được Sở GD-ĐT Hà Tĩnh lựa chọn trong tất cả 9 dự án dự thi cấp tỉnh để đi thi toàn quốc.
Nhóm gồm 5 học sinh, có 3 học sinh lớp 8 và 2 học sinh lớp 7 của Trường THCS Lê Bình (xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
Trao đổi với VietNamNet, thầy Lê Đức Lâm cho biết, ý tưởng do nhóm học sinh lớp 8B (Nguyễn Thị Nga, Lê Quỳnh Trang, Đậu Trung Phong) - lớp thầy làm chủ nhiệm đề xuất. Ngoài ra, có 2 học sinh lớp 7 là Hồ Anh Tuấn và Cao Gia Bảo cùng tham gia vào nhóm.
Em Nguyễn Thị Nga, trưởng nhóm cho hay, sản phẩm nước chấm cua đồng chủ yếu ở huyện Hương Sơn, đặc biệt xã Tân Mỹ Hà là vùng thấp, hay ngập lụt. Loại nước chấm này bà con địa phương làm từ lâu đời, được dùng như một loại thức ăn hàng ngày. Nhưng sau này, nhu cầu tiêu thụ loại nước chấm này ngày càng lớn, và món ăn dân dã lại trở thành đặc sản. Nhận thấy nguồn nguyên liệu cua ở xã khá lớn, Nga và các bạn nghĩ tới việc có thể khởi nghiệp từ sản phẩm này.
“Con em, người dân địa phương đi xa có nhu cầu đặt mua nước chấm cua đồng làm thủ công rất nhiều, nhưng chưa hề có một thương hiệu chính thức nào trên thị trường. Nhóm chúng em đã đề xuất ý tưởng tạo nên một thương hiệu của nước chấm này và thương mại hóa. Cùng đó, có thể đưa nước chấm cua trở thành một sản phẩm mang thương hiệu quê hương”.
Chủ yếu là ý tưởng
Nga kể, cua sau khi được bắt về, được rửa sạch, rồi tách bỏ phần mai, yếm và để ráo nước. Sau đó, nhóm giã dập hoặc dùng máy xay nhỏ. Tiếp đến, cho nước đun sôi để nguội vào và dùng rây lọc nước cua. Nước cua trộn với các nguyên liệu phụ (gồm muối là chủ yếu, thính gạo, hành tăm, một ít nước nghệ tươi để tạo màu). Đặc biệt, “hồn cốt” nước cua của địa phương khác biệt là được trộn vị vỏ quả tắc trồng ở vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh.
“Sau khi pha trộn, nước cua được cho vào một chum sành hoặc chai thủy tinh và đặt xung quanh bếp củi để quá trình lên men nhanh hơn và nước cua được thơm”, Nga chia sẻ.
Theo tính toán và thực tiễn của nhóm, mỗi kilogam cua đồng có thể tạo ra được 2 lít nước chấm.
Sản phẩm cũng đã được nhóm làm, thử nghiệm và bán tuy nhiên số lượng chưa nhiều do còn dành thời gian đảm bảo việc học tập. Theo nhóm, dự án đang ở những bước đầu chứ chưa đi vào sản xuất.
“Hiện nay, chính bà con địa phương cũng chủ yếu làm thủ công. Các em học sinh chủ yếu xây dựng ý tưởng, còn các khâu chủ yếu nhờ gia đình, người thân hỗ trợ cùng để hoàn thành các ý tưởng đó. Quan trọng nhất là ý tưởng muốn thương mại hóa sản phẩm này, còn các khâu kỹ thuật thì người thân hỗ trợ nhiều”, thầy Lâm kể.
Theo giá thị trường, 1 lít nước chấm cua dao động từ 80 đến 100 nghìn đồng. Tuy nhiên, theo Nga, nếu được đầu tư về mặt quy trình, máy móc thì sẽ tiết kiệm được sức lực và chi phí từ đó có thể giảm được giá thành của sản phẩm này trên thị trường.
Thầy Lâm cho hay, hiện nay, ngoài sản phẩm chủ đạo này, nhóm học sinh còn làm song song các sản phẩm khác từ cua như muối nêm cua đồng, bột dinh dưỡng cua đồng.
“Muối nêm như một dạng hạt nêm, còn bột dinh dưỡng hướng tới đối tượng trẻ còi xương hoặc người có các bệnh về xương, thiếu canxi,...”, thầy Lâm cho biết.
Thầy Lâm cho biết, tối 14/11, thầy cùng nhóm học sinh cũng đã bắt xe ra Hà Nội để tiếp tục tham dự vòng đào tạo (thuyết trình, viết hồ sơ) trước khi vào TP.HCM để dự thi chung kết cuộc thi khởi nghiệp do Bộ GD-ĐT tổ chức vào các ngày 18-19/12 tới.
Theo Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, đây là kết quả rất vui mừng và bất ngờ khi các em học sinh lớp 8 của huyện miền núi rất khó khăn như Hương Sơn đã vượt qua hàng trăm nhóm có dự án khác để tiến xa tại sân chơi này.