Nước chủ nhà Campuchia và những điều độc lạ tại SEA Games 32
Nước chủ nhà Campuchia có rất nhiều quy định đặc biệt trong lần đầu tiên tổ chức một kỳ SEA Games.
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa, SEA Games 32 sẽ khởi tranh tại Campuchia.
Đáng chú ý, trong kỳ đại hội lần này, nước chủ nhà đã đưa ra rất nhiều quy định đặc biệt.
Đầu tiên chính là quyết định miễn toàn bộ chi phí ăn, ở, di chuyển nội địa cho các đoàn trong thời gian diễn ra SEA Games.
Trước đó không lâu, Campuchia quyết định miễn phí toàn bộ vé xem lễ khai mạc, bế mạc và các môn thi đấu tại đại hội thể thao Đông Nam Á 2023.
Ở diễn biến khác, bài hát chính thức của SEA Games 32 có tên Cambodian Pride (Niềm tự hào Campuchia) đã gây sốt trên mạng với hơn 50 triệu lượt xem trên Youtube.
Đáng chú ý, đây là bài hát chính thức của SEA Games có lượng người xem lớn nhất trong lịch sử, bỏ xa Unbreakable (SEA Games 28, 1,1 triệu lượt xem), We win as one (SEA Games 30, 424 nghìn lượt xem) hay Let’s shine (SEA Games 31, 430 nghìn lượt xem).
Bên cạnh thay đổi theo chiều hướng tích cực, chủ nhà Campuchia cũng có những quyết định lạ khiến nhiều đoàn thể thao không vui.
Đầu tiên phải nhắc đến đó là việc họ loại một loạt các môn thi đấu quen thuộc như bắn cung, rowing, canoeing (các môn Olympic), cờ vua hay kurash ra khỏi SEA Games 32.
Thay vào đó, đất nước xứ chùa Tháp lại đưa vào thi đấu các môn có phần lạ lẫm với khán giả như Kun Khmer, Kun Bokator, cờ ốc hay Jet Ski.
Tiếp đó, chỉ Campuchia mới được đăng ký 100% các môn thể thao đối kháng, võ thuật như taekwondo hay pencak Silat.
Trong khi các đoàn khác chỉ được đăng ký không quá 70% số nội dung thi đấu.
Với môn thể dục dụng cụ, Campuchia bỏ luôn nội dung nữ, chỉ tổ chức các nội dung của nam.
Đồng thời, ở nội dung cá nhân, mỗi quốc gia chỉ được đăng ký một VĐV tham dự thay vì 2 như thường lệ.
Tại kỳ SEA Games 32, đoàn Thể thao Việt Nam tham dự với 1.003 thành viên. Trong đó, gồm 1 trưởng đoàn, 2 phó đoàn, 30 cán bộ, 31 bác sĩ, 38 lãnh đội, 10 chuyên gia, 189 HLV và 702 VĐV.