Nước chủ tịch ASEAN cảnh báo về tình trạng bạo lực tại Myanmar

Trước thềm cuộc gặp giữa bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN vào hôm 27/10, Campuchia, nước giữ cương vị chủ tịch đã cảnh báo về tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng tại Myanmar.

 Chính phủ Campuchia cảnh báo tình trạng bạo lực đang ngày càng gia tăng tại Myanmar sau khi một quả bom phát nổ trước cửa nhà tù lớn nhất của nước này, khiến 8 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters.

Chính phủ Campuchia cảnh báo tình trạng bạo lực đang ngày càng gia tăng tại Myanmar sau khi một quả bom phát nổ trước cửa nhà tù lớn nhất của nước này, khiến 8 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi cảm thấy thương tiếc trước những thiệt hại to lớn về nhân mạng và những khó khăn mà người dân tại Myanmar đang phải hứng chịu", tuyên bố của Campuchia, quốc gia giữ vai trò chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cho biết. Bên cạnh đó, nước chủ tịch ASEAN cũng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và chấm dứt tình trạng bạo lực để đàm phán hòa bình.

Theo đó, Campuchia đã nhắc đến vụ đánh bom tại nhà tù lớn nhất tại Myanmar cũng như vụ không kích của quân đội Myanmar tại bang Kachin khiến nhiều người thiệt mạng như những dấu hiệu cho thấy tình trạng bạo lực tại quốc gia Đông Nam Á này đang leo thang ở mức đáng báo động, Channel News Asia đưa tin.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia, Myanmar sẽ không được mời tham dự cuộc họp giữa bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN vào hôm 27/10. Cuộc họp được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp chấm dứt xung đột và thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Myanmar trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11.

Các lãnh đạo quân đội của Myanmar đã bị cấm tham gia các cuộc họp của ASEAN kể từ năm 2021, sau khi lực lượng vũ trang của nước này tiến hành chính biến, dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền của bà Aung San Suu Kyi.

Tuy các chỉ huy quân đội không được mời tới dự cuộc họp của ASEAN vào hôm 27/10, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết tổ chức này đã mời một số đại diện không thuộc chính quyền quân sự của Myanmar đến dự cuộc họp.

"Cuộc họp không phải một hình thức can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar mà nhằm thể hiện sự quan tâm của ASEAN tới các quốc gia thành viên của khối", bà Marsudi nói với tờ Jakarta Post.

 Từ khi chính quyền của bà Aung San Suu Kyi bị lật đổ, các quốc gia ASEAN đã dẫn đầu các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột và khôi phục hòa bình ở Myanmar. Ảnh: Reuters.

Từ khi chính quyền của bà Aung San Suu Kyi bị lật đổ, các quốc gia ASEAN đã dẫn đầu các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột và khôi phục hòa bình ở Myanmar. Ảnh: Reuters.

Kể từ khi chính quyền của bà Aung San Suu Kyi bị bãi nhiệm, các quốc gia ASEAN đã dẫn đầu những nỗ lực khôi phục hòa bình thông qua một bản kế hoạch được các quốc gia thành viên thống nhất với chính quyền quân sự tại Myanmar vào năm 2021.

Tuy nhiên, chính quyền tại Myanmar đã từ chối thực hiện kế hoạch trên khi cho biết sẽ không đối thoại mà kiên quyết đấu tranh đập tan các "tổ chức khủng bố" trong nước, theo Channel News Asia.

An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nuoc-chu-tich-asean-canh-bao-ve-tinh-trang-bao-luc-tai-myanmar-post1369072.html