Nước cờ khó đoán trước đàm phán Hoa Kỳ - Triều Tiên
Triều Tiên phóng hai quả đạn tầm ngắn ra vùng biển phía Đông
(HNM) - Chỉ ít giờ sau khi Mỹ và Triều Tiên đạt được thỏa thuận nối lại đàm phán về vấn đề hạt nhân, Bình Nhưỡng đã bất ngờ phóng tên lửa ra phía biển Nhật Bản. Trái với những lần phóng tên lửa trước, thường được thực hiện vào lúc căng thẳng giữa các bên gia tăng, động thái lần này của Triều Tiên đang được nhìn nhận như một nước cờ khó đoán định.
Một trong những loại tên lửa tầm xa Triều Tiên phóng thử những năm gần đây.
Theo thông tin từ Chính phủ Nhật Bản, Triều Tiên dường như đã phóng 2 tên lửa cách nhau chỉ vài phút và quả tên lửa đầu tiên đã rơi xuống vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản vào lúc 7h27 ngày 2-10, giờ Nhật Bản (khoảng 5h27 cùng ngày, giờ Hà Nội). Tuy nhiên, trong phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ sau đó, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga lại cho biết, dường như một tên lửa đã được phóng, sau đó bị tách làm đôi và rơi xuống.
Trong khi đó, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho rằng, Bình Nhưỡng đã phóng một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLMB) thuộc loại Pukkuksong từ khu vực biển phía Đông Triều Tiên. Tên lửa này đã bay 450km và đạt độ cao tối đa 910km. Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là vụ phóng thử tên lửa SLMB đầu tiên của Triều Tiên trong 3 năm qua, kể từ ngày 24-8-2016. JCS tuyên bố đang theo dõi sát tình hình và các lực lượng đang ở trạng thái sẵn sàng nếu có các vụ phóng tiếp theo, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Trước đó chưa đầy một ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-Hui cho biết, nước này và Mỹ đã nhất trí tiến hành các cuộc tiếp xúc sơ bộ vào ngày 4-10, sau đó sẽ là các cuộc đàm phán cấp chuyên viên vào ngày 5-10. Các cuộc thảo luận nhằm mục đích thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đã đình trệ sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, diễn ra tại Hà Nội, không đạt được thỏa thuận nào. Tuy cả hai bên đều chưa thông báo địa điểm đàm phán nhưng dự kiến, hai đại diện dẫn đầu đoàn đàm phán là ông Kim Myong Gil, cựu Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam và Đặc phái viên của Mỹ tại Triều Tiên Stephen Biegun.
Theo các nhà phân tích, vòng đàm phán lần thứ 3 này được coi là rất quan trọng để có thể tìm ra hướng đi mới. Trước đó, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Đại sứ Triều Tiên Kim Song đã nhấn mạnh, Bình Nhưỡng sẵn sàng để Washington quyết định xem các cuộc đàm phán song phương trong tương lai có thể biến thành "một cánh cửa cơ hội" hoặc "một lý do làm gia tăng căng thẳng".
Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, bằng việc phóng tên lửa, dường như Triều Tiên muốn làm rõ về vị thế của mình trước khi các cuộc đàm phán mới bắt đầu. Hiện tại, việc thu hẹp khoảng cách giữa Mỹ và Triều Tiên trong các cuộc đàm phán hạt nhân song phương sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Cho đến nay, Triều Tiên vẫn duy trì lập trường phải nới lỏng trừng phạt và bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng trước khi có bất cứ cuộc thảo luận nào về phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, theo quan điểm của Washington, việc Triều Tiên dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon là điều kiện tiên quyết để đưa ra những thỏa hiệp tiếp theo.
Sau 2 lần đàm phán thất bại, dư luận thế giới hy vọng, Mỹ và Triều Tiên sẽ có những giải pháp mới trong vòng đàm phán thứ 3. Tuy vậy, cũng phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, trải qua nhiều thập kỷ đối nghịch với nhiều nghi kỵ, cả hai bên cần có thời gian xác nhận sự minh bạch để xây dựng niềm tin. Chỉ khi có được lòng tin, các bên mới có thể cùng nhau hành động và thúc đẩy các nỗ lực để đến đích cuối cùng. Dẫu rằng hành trình phía trước còn không ít trắc trở và còn như một nước cờ khó đoán, nhưng việc Mỹ và Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán đã là tín hiệu tích cực cho sự ổn định của khu vực và thế giới.