Nước cờ mạo hiểm...
Đêm 29-4, tướng Khalifa Haftar tuyên bố 'ngừng chiến dịch quân sự' tại Libya trong mùa ramadan của người Hồi giáo. Trước mắt, chính phủ Đoàn Kết Dân Tộc được Liên Hợp quốc công nhận chưa có phản ứng. Kể từ khi chế độ ông Gaddafi sụp đổ năm 2011, có 2 phe nắm quyền tại Libya.
Một bên là Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) trong tay Thủ tướng Fayez Al Sarraj và bên kia là lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar kiểm soát tại miền Đông Libya.
Hơn một năm qua, tướng Haftar đã mở chiến dịch quân sự chinh phục thủ đô Tripoli. Chiến dịch này đã được sự ủng hộ, hoặc công khai, hoặc ngầm ẩn, của Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Pháp và cả Nga. Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar thì ủng hộ chính quyền Tripoli với động lực chính là để chống lại các ảnh hưởng của Saudi Arabia và Ai Cập tại miền Đông Libya.
Trước đó, ngày 27-4, ông Haftar tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận chính trị do Liên Hợp quốc (LHQ) bảo trợ và khẳng định sẽ đứng ra điều hành đất nước do nhận được “sự ủng hộ của nhân dân”. Thỏa thuận chính trị được LHQ bảo trợ (còn được gọi là Thỏa thuận Skhirat) được ký tại Maroc tháng 12-2015, theo đó thành lập Chính phủ Đoàn kết dân tộc nhằm chấm dứt tình trạng chia rẽ chính trị ở nước này kể từ sau làn sóng nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Gadhafi năm 2011.
Với việc tuyên bố thỏa thuận này vô hiệu, tướng Haftar đã đưa Libya vào một thời kỳ đặc biệt. Đây có thể là một nước cờ mạo hiểm với sự nghiệp quân sự và chính trị của vị tướng này nhưng một số nhà phân tích cho rằng ông Haftar không hề liều lĩnh mà đã tính toán kỹ và có hành động dứt khoát, mở ra một bước ngoặt cho tiến trình chính trị của Libya. Đây là lần đầu tiên thủ lĩnh quân sự Haftar dấn thân vào các thương thuyết chính trị, nhằm tìm kiếm lối thoát hòa bình cho khủng hoảng Libya.
Phản ứng trước tuyên bố của ông Haftar, Chính phủ GNA gọi đây là một âm mưu đảo chính, là bước đi coi thường nền dân chủ và sự độc đoán của tướng Khalifa Haftar, nhằm nắm quyền cả trên danh nghĩa lẫn thực tế của chính quyền dân sự đối lập ở miền Đông. Một ngày sau tuyên bố trên, người phát ngôn Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric tái khẳng định, thỏa thuận chính trị của các đảng phái ở Libya ký kết năm 2015 do LHQ bảo trợ vẫn là khuôn khổ cho việc quản lý ở quốc gia này. Theo ông Stephane Dujarric, bất kỳ thay đổi chính trị nào cũng phải thông qua các biện pháp dân chủ chứ không phải bằng bất kỳ biện pháp quân sự nào.
Cũng trong ngày 28-4, Liên minh châu Âu (EU) đã gọi tuyên bố của tướng Haftar là điều không thể chấp nhận được, khẳng định hành động đó sẽ không bao giờ dẫn tới một giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng ở nước này. Một ngày sau đó, người phát ngôn của Cơ quan Đối ngoại châu Âu Peter Stano cho biết, hải quân EU sẵn sàng triển khai việc thực thi lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya trong những ngày tới. Hiện, các quốc gia EU đã nhất trí việc trang bị tàu chiến, máy bay và vệ tinh cho một chiến dịch mới có tên là Irini, theo tiếng Hi Lạp có nghĩa là hòa bình.
Chiến dịch này sẽ được thực thi với mục đích ngăn chặn dòng vũ khí tuồn vào Libya, nơi Chính phủ GNA đang bị các lực lượng vũ trang miền Đông của tướng Haftar tấn công. Việc cấm vận vũ khí với Libya thời gian qua được quốc tế kêu gọi khi lực lượng miền Đông tiến hành cuộc tấn công quân sự nhằm vào thủ đô Tripoli. Nhiều quốc gia hậu thuẫn cho 2 bên đối địch Libya đã hỗ trợ nhiều khí tài quân sự, hòng giúp bên Libya mà họ hẫu thuẫn chiếm được lợi thế trên chiến trường.
Cũng như Pháp và nhiều quốc gia khác, Moscow duy trì quan hệ với cả hai chính quyền ở Libya. Ngoại trưởng Nga Lavrov ngày 28-4 lên tiếng kêu gọi các bên Libya thúc đẩy sự đối thoại thay vì những hành động đơn phương. “Chúng tôi không tán thành những tuyên bố gần đây của Thủ tướng Chính phủ GNA, ông Sarraj - người đã từ chối đối thoại với tướng Haftar. Tuy nhiên chúng tôi cũng không tán thành tuyên bố của tướng Haftar rằng ông sẽ tự mình quyết định lối đi của người Libya. Cả 2 điều đó sẽ không giúp 2 bên đối địch Libya tìm ra giải pháp cho vấn đề”, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói.
Đây cũng là phản ứng của Bộ Ngoại giao Pháp, Đức khi các nước này đều khẳng định cuộc khủng hoảng tại Libya không thể giải quyết bằng các quyết định đơn phương mà phải theo tiến trình đối thoại do LHQ dẫn dắt. Trong khi Mỹ đã bày tỏ lấy làm tiếc về động thái này của tướng Haftar. Trong bối cảnh người dân Libya đang trong tháng chay Ramadan và đại dịch COVID-19 đang tiềm ẩn nhiều mối đe dọa hơn, Mỹ kêu gọi chính quyền miền Đông tham gia vào Chính phủ GNA và tiến hành ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức.
Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố của tướng Haftar là hợp lý vì theo Thỏa thuận Skhirat, GNA chỉ tồn tại đến tháng 12-2017, do đó từ tháng 1-2018, GNA tồn tại bất hợp pháp. Như vậy, thực tế là Thỏa thuận Skhirat đã hết hiệu lực và GNA không còn cơ sở tồn tại, trước khi ông Haftar ra tuyên bố. Ngoài ra theo lý giải của một số chuyên gia, GNA ra đời là trái nguyên lý và không dựa trên ý nguyện người dân Libya vì GNA không được Nghị viện Libya ủng hộ, thậm chí tháng 3-2017, Tòa án Tối cao Libya từ chối công nhận địa vị pháp lý của GNA.
Căn cứ theo phản ứng của Ngoại trưởng Nga ngày 28-4 cùng với những động thái trước đó của nước này có thể thấy Moscow đang có vai trò nhất định trong việc tái tạo lại hòa bình cho Libya. Trước đó, Nga liên tiếp bỏ phiếu trắng đối với 2 nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ do nhiều nước phương Tây chủ trì, yêu cầu tướng Haftar ngừng chiến dịch đánh Tripoli. Điều này đã tạo ra rào chắn an toàn cho tướng Haftra hành động mà không lo mất thế - giảm lực.
Bộ trưởng Nội vụ GNA Fathi Bashagha từng nói “sự ủng hộ của Nga đối với lực lượng tướng Haftar là một phần trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng của Moscow. Bởi người Nga ở Libya không chỉ vì Haftar. Họ có một chiến lược lớn ở Libya và cả châu Phi”. Việc tướng Haftar hành động vào lúc này sẽ tạo ra một bước ngoặt mới cho ván cờ Libya mà có thể hy vọng kết thúc vòng xoáy vô định cho Libya.
Về phần mình, Othman Baraka thuộc Mặt trận bình dân Giải phóng Libya tin rằng bước đi của Haftar sẽ dẫn đến việc tổ chức cuộc bầu cử theo hiến pháp dưới sự bảo trợ của LHQ. “Việc hủy bỏ Thỏa thuận Skhirat góp phần giải thể Chính phủ GNA. Do đó, vấn đề chính sẽ được giải quyết: dưới sự bảo trợ của LHQ, có thể tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội tại Libya. Vì vậy, cách tiếp cận của Haftar là chính xác”, ông Baraka giải thích. Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ bước đi của tướng Haftar có thể khiến tình huống có thể phức tạp hơn.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nuoc-co-mao-hiem-593824/