Nước cờ quyết liệt của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Thắt chặt quan hệ với đối tác và đồng minh trong khu vực là hoạt động chính trong chiến lược của Mỹ nhằm ngăn chặn tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mỹ đang có một loạt bước đi nỗ lực xây dựng liên minh, đối tác quân sự trong khu vực, quyết theo đuổi mục tiêu “vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD - TBD) tự do và rộng mở”, không để Trung Quốc (TQ) tự do bành trướng. Có thể kể đến một số hành động của Mỹ như: Phát triển nhóm an ninh bộ tứ; liên tục tập trận với đồng minh ở Biển Đông; kéo Úc vào cuộc tập trận hàng hải thường niên Malabar ở AĐD vốn 13 năm qua chỉ có Mỹ, Ấn, Nhật.

Gầy dựng, phát triển nhóm bộ tứ

Bốn nước Mỹ, Ấn, Nhật, Úc cũng là thành viên của nhóm Bộ tứ Đối thoại an ninh (gọi tắt là nhóm bộ tứ), vốn vừa có cuộc họp ở Tokyo (Nhật) đầu tháng này.

Nhóm bộ tứ được lập năm 2007 nhưng phải giải tán vào năm sau đó vì áp lực từ TQ. Trước sự lo ngại ngày càng tăng về thái độ của TQ, nhóm bộ tứ được gầy dựng lại năm 2017 với một mục tiêu chung tạo lập “một khu vực AĐD - TBD tự do và rộng mở giữa thái độ gây hấn của TQ trong khu vực”. Cuộc gặp vừa rồi ở Tokyo là lần thứ hai các nước gặp ở cấp bộ trưởng, sau lần đầu tiên vào năm 2018 ở New York (Mỹ).

Hoạt động của nhóm bộ tứ gần đây quyết liệt hơn và theo báo Japan Times lý do là vì cả bốn thành viên đều đang có vấn đề lớn với TQ. Mỹ lên án yêu sách chủ quyền trái phép của TQ cũng như hành động “bắt nạt” của nước này ở Biển Đông. Nhật khó chịu với việc TQ có nhiều hành động gây hấn ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp. Úc cũng phản đối chuyện TQ xây dựng trái phép ở Biển Đông và lên án các động thái chính trị nội bộ TQ. Ấn Độ thì đang căng thẳng nghiêm trọng với TQ dọc vùng biên giới tranh chấp ở dãy Himalaya.

Có thể thấy rõ sự lo ngại của TQ về việc nhóm bộ tứ mở rộng hoạt động. Trong chuyến thăm Malaysia giữa đầu tháng 10, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị cáo buộc Mỹ âm mưu hủy hoại an ninh khu vực với chiến lập một “NATO ở AĐD - TBD” (NATO là liên minh quân sự dựa trên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương).

Tàu chiến các nước tham gia cuộc tập trận hàng hải Malabar năm 2019. Ảnh: FOREVER NEWS

Tàu chiến các nước tham gia cuộc tập trận hàng hải Malabar năm 2019. Ảnh: FOREVER NEWS

Liên tục tập trận với các đồng minh

Chỉ trong năm nay Mỹ có tới năm cuộc tập trận chung với các đồng minh ở Biển Đông, theo thông tin từ Hạm đội 7 hải quân Mỹ. Cuộc tập trận chung gần nhất diễn ra vào ngày 19-10 giữa Mỹ, Nhật, Úc. Đáng lưu ý, lần đầu tiên trong 13 năm, cuộc tập trận hàng hải Malabar năm nay sẽ có mặt Úc, hãng tin Stars and Stripes dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ đầu tuần trước.

Cuộc tập trận hàng hải thường niên Malabar là sáng kiến của Ấn Độ và Mỹ năm 1992 và Nhật trở thành một thành viên thường trực từ năm 2015. Lần đầu tiên Úc tham gia cuộc tập trận Malabar vào năm 2007.

Cuộc tập trận Malabar năm nay sẽ được chia làm hai giai đoạn: Từ ngày 3 đến 6-11 và từ ngày 17 đến 20-11. Địa điểm tập trận là ở vịnh Bengal (đông bắc AĐD) và ở biển Ả Rập (tây bắc AĐD, trải dài từ bán đảo Ả Rập tới Ấn Độ). Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ thì các nước tham gia cuộc tập trận Malabar 2020 “cam kết thúc đẩy an toàn và an ninh trong lĩnh vực hàng hải” và “đồng lòng ủng hộ một khu vực AĐD - TBD tự do, rộng mở và tiếp tục gắn kết với trật tự quốc tế theo quy định luật pháp”.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds cho rằng một cuộc tập trận chuyên môn cao như Malabar rất quan trọng để thúc đẩy năng lực hàng hải của Úc, xây dựng khả năng hợp tác hành động với các đối tác thân cận, cũng như thể hiện “quyết tâm chung của chúng tôi trong việc ủng hộ một khu vực AĐD - TBD rộng mở và thịnh vượng”. Còn theo Ngoại trưởng Úc Marise Payne thì cuộc tập trận Malabar “sẽ tăng cường khả năng của Ấn, Úc, Nhật và Mỹ cùng làm việc với nhau để bảo vệ hòa bình và an ninh khắp khu vực”.

Cuộc tập trận Malabar 2020 thể hiện lòng tin sâu đậm giữa bốn nền dân chủ lớn ở AĐD - TBD cũng như mong muốn chung cùng làm việc với nhau vì các quyền lợi an ninh chung.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc LINDA REYNOLDS

Trung Quốc sẽ phải chùn tay

Việc nhóm bộ tứ mở rộng hoạt động và việc bao gồm Úc vào cuộc tập trận Malabar năm nay đến trong bối cảnh khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp và đều có liên quan đến TQ, cũng như căng thẳng quanh các vấn đề hàng hải giữa TQ với cả bốn nước (Mỹ, Ấn, Nhật, Úc) ngày càng tăng. Theo Stars and Stripes, rõ ràng với Mỹ chuyện thắt chặt quan hệ với các đối tác và đồng minh trong khu vực là hoạt động chính trong chiến lược ngăn chặn ảnh hưởng và tham vọng ngày càng tăng của TQ ở khu vực AĐD - TBD.

Theo Phó Đề đốc Hải quân Ấn Độ, Phó Chủ tịch Tổ chức Hàng hải Ấn Độ Anil Jai Singh, việc bao gồm Úc vào cuộc tập trận Malabar năm nay không phải là điều bất ngờ. Phó Đề đốc Singh cho rằng “thái độ của TQ trong những tháng gần đây trong khi cả thế giới phải vật lộn với đại dịch COVID-19 đã gây ra phản ứng bất ngờ của toàn cầu chống lại nước này (TQ)”. Theo ông, các động thái của TQ đã gây lo ngại lớn về ý định thật sự của TQ và khiến các nước trong bộ tứ thêm gắn kết và quyết định kéo thêm Úc vào cuộc tập trận Malabar có thể đến sau cuộc họp của nhóm này gần đây ở Tokyo.

Không chỉ Úc, theo Phó Đề đốc Singh, quy mô cuộc tập trận Malabar thời gian tới có thể sẽ phát triển thành cuộc tập trận đa quốc gia khi bao gồm thêm nhiều nước nữa như Pháp, Đức, Anh. Hiện các nước này đang phát triển chiến lược AĐD - TBD của mình và cho thấy ý định sẽ triển khai lực lượng hàng hải đến khu vực này.

Ông DK Sharma, cựu phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ, cho rằng việc mời Úc tham gia cuộc tập trận Malabar vào thời điểm năm nay là hoàn toàn thích hợp và đây cũng là một thông điệp gián tiếp gửi đến “sức mạnh theo chủ nghĩa bành trướng” vốn không quan tâm đến trật tự theo luật pháp trong khu vực AĐD - TBD. Bên cạnh đó, việc bốn lực lượng hải quân lớn tập trung ở khu vực cũng sẽ khiến TQ chùn tay trong việc có các động thái khiêu khích ở Biển Đông.

Hai nhân vật quan trọng trong nội các Mỹ - Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper - đang thực hiện chuyến công du Nam Á và Đông Nam Á. Tại điểm đến đầu tiên Ấn Độ, ông Pompeo ngày 27-10 tuyên bố: “Mỹ sẽ sát cánh với người dân Ấn Độ trong bối cảnh họ phải đối đầu với các đe dọa về chủ quyền và tự do”. Hai bên đã ký một số thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận cho phép Ấn Độ tiếp cận với hệ thống tình báo địa không gian của Mỹ, giúp cải thiện tính chính xác trong hoạt động của các hệ thống vũ khí hạng nặng, tên lửa, máy bay không người lái của phía Ấn Độ.

Trong các chủ đề hai bên bàn đến trong các cuộc gặp có bàn về thách thức ở khu vực AĐD - TBD. Theo chuyên gia Rajeswari Pillai Rajagopalan (Ấn Độ), động thái này của Mỹ cho thấy tới đây sẽ còn có thêm nhiều sự hợp tác giữa các quốc gia như Ấn Độ và Mỹ ở AĐD - TBD.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/nuoc-co-quyet-liet-cua-my-o-an-do-duong-thai-binh-duong-947054.html