Nước Đức hậu bầu cử, chưa rõ thủ tướng kế tiếp
Nước Đức đã kết thúc cuộc bầu cử vào hôm 26/9. Cả hai ông Olaf Scholz (Đảng Dân chủ Xã hội, SPD) và Armin Laschet (Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo, CDU) đều muốn làm thủ tướng.
Do cả hai đảng này đều có số phiếu bầu không đủ lớn, nên họ cần liên minh với ít nhất hai đảng khác để cầm quyền. Kết quả đàm phán quyết định ai sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức, kế nhiệm bà Angela Merkel.
Trong cuộc bầu cử lần này, có thể thấy, đảng trung hữu của bà Merkel đã thất bại nặng nề trong khi bên cánh tả với hai đại diện trung tả là SPD và đảng Xanh đã nhận được sự ủng hộ gia tăng đáng kể. SPD được 25,7% phiếu bầu, tăng 5,2%, trong khi đảng Xanh được 14,8% phiếu bầu, tăng 5,9% so với năm 2017.
Mặc dù đảng Cận tả (die Linke) mất đi tới 4,3%, nhưng nhìn chung, cán cân chính trị Đức vẫn nghiêng đáng kể về phía cánh tả. Đây là tín hiệu cho thấy, Đức nhiều khả năng sẽ có nhiều chính sách nghiêng về công bằng xã hội và bảo vệ môi trường trong thời gian tới, nhưng chưa hẳn sẽ tốt cho tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian 16 năm cầm quyền của bà Merkel, đảng trung hữu CDU/CSU có xu hướng ngày càng nghiêng về phía cánh tả, xích lại gần hơn với các chính sách của SPD và đảng Xanh. Điều này giúp bà Merkel dễ tạo được sự đồng thuận khi cầm quyền, nhưng cũng gây ra những rạn nứt lớn trong nội bộ cánh hữu.
Đỉnh điểm là sự kiện mở cửa biên giới đón hàng triệu người nhập cư năm 2015, dẫn tới một cuộc khủng hoảng văn hóa-xã hội trong lòng nước Đức. Sự kiện này trực tiếp dẫn tới sự ra đời của đảng Cận hữu AfD với các quan điểm ngày càng cực đoan chống kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trở thành mối đe dọa dai dẳng với tương lai thịnh vượng của nước Đức.
Đợt bầu cử lần này cũng đánh dấu sự suy yếu nặng nề của hai đảng lớn là CDU và SPD, vì cả hai đảng này chỉ giành được tín nhiệm cao ở nhóm cử tri trên 60 tuổi, trong khi những cử tri lần đầu đi bầu thì đa số lại chọn đảng Xanh của ứng cử viên Baerbock (22%) hoặc đảng Dân chủ Tự do (FDP) của ông Lindner (20%).
Những liên minh nào là khả dĩ?
Về mặt lý thuyết, với kết quả bầu cử hiện tại, nước Đức có thể có 3 liên minh cầm quyền. Thứ nhất, Đức vẫn có thể duy trì liên minh “Đen-Đỏ” giữa CDU/CSU và SPD như hiện tại, chỉ đổi lại vị trí cầm quyền cho đảng SPD. Tuy nhiên, cả CDU/CSU lẫn SPD đều tuyên bố không muốn duy trì liên minh. Do vậy, trừ trường hợp mọi khả năng khác đều thất bại, ít có khả năng liên minh hiện tại sẽ được duy trì.
Khả năng thứ hai là liên minh “Jamaica” giữa CDU/CSU với đảng Xanh và FDP. Nếu liên minh này xảy ra thì ông Laschet sẽ trở thành thủ tướng. Trong liên minh này, nhiều khả năng ông Christian Lindner, Chủ tịch đảng FDP, một đảng có chủ trương ủng hộ kinh tế thị trường mạnh mẽ, sẽ giữ chức bộ trưởng tài chính.
Nếu điều này xảy ra, nước Đức sẽ tiếp tục duy trì được các chính sách phát triển kinh tế theo đường lối trung hữu. Trên thực tế, liên minh này không phải không có khả năng xảy ra, vì đảng Xanh tuy thuộc cánh tả, nhưng vẫn có những liên minh cầm quyền hoạt động tốt với CDU/CSU ở một số bang lớn của Đức.
Khả năng thứ ba là liên minh “Đèn giao thông” (Đỏ-Vàng-Xanh) giữa SPD, FDP và đảng Xanh. Trên thực tế, đây là liên minh dễ xảy ra nhất vì SPD hiện là đảng chiến thắng cuộc bầu cử và đang nắm thế chủ động để thành lập liên minh.
Chỉ trong trường hợp SPD không thể thuyết phục hai đảng kia ngồi vào bàn đàm phán hoặc đàm phán thất bại thì cơ hội mới được trao cho CDU/CSU. Nếu liên minh này xảy ra, chính trị Đức sẽ có những thay đổi đáng kể nghiêng về cánh tả. Có thể dự đoán rằng, Đức sẽ có các chính sách tăng thuế đối với doanh nghiệp và người thu nhập cao, thắt chặt hơn các quy định về môi trường. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc khởi nghiệp và đầu tư tại Đức.
Ngày càng nghiêng về cánh tả
Kết quả cuộc bầu cử lần này thể hiện một khuynh hướng đã hình thành trong suốt 16 năm cầm quyền của bà Merkel, đó là chính trị Đức ngày càng nghiêng về cánh tả với ngày càng nhiều các chính sách can thiệp vào thị trường.
Ví dụ điển hình là các chính sách về môi trường, giao thông và nhà ở tại thủ đô Berlin do ba đảng cánh tả là SPD, đảng Xanh và đảng Cận tả (die Linke) đưa ra từ nhiều năm nay. Năm ngoái, ba đảng này đưa ra chính sách “hạn mức giá thuê nhà”, không cho phép các chủ nhà tăng giá thuê trong vòng 5 năm.
Chính sách này đã bị Tòa án Tối cao của Đức bác bỏ vì vi hiến. Trong một cuộc trưng cầu dân ý hôm 26/9, 56,4% người dân Berlin đã bỏ phiếu ủng hộ việc quốc hữu hóa các tập đoàn địa ốc sở hữu trên 3.000 căn hộ.
Tuy rằng cuộc trưng cầu dân ý này không có các điều khoản ràng buộc thực thi, nhưng nếu chính quyền Berlin tiến hành biện pháp này thì 25% thị trường nhà ở tại Berlin sẽ bị quốc hữu hóa. Đây sẽ là biện pháp can thiệp kinh tế chưa từng có tiền lệ tại Đức và sẽ gây ra những hệ quả tồi tệ không thể dự đoán được với nền kinh tế thị trường nước này.
Có thể các đảng phái ở Đức sẽ cần nhiều tháng để đàm phán thành lập chính quyền mới. Cho dù kết quả có thế nào, chính quyền mới sẽ phải đối diện với những thách thức không hề nhỏ trong thời đại “hậu Merkel”.
Chính quyền mới sẽ phải giải quyết vấn đề năng lượng cho nền công nghiệp Đức sau khi nước này đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và điện than. Vấn đề những người nhập cư vẫn đang là chủ đề nhức nhối của Đức, nhưng các đảng lớn gần như vẫn cố lảng tránh.
Nhiều lĩnh vực công nghiệp quan trọng như năng lượng, cơ khí cần được “cởi trói” bởi những can thiệp cứng nhắc của nhà nước, trong khi đó, các lĩnh vực viễn thông và số hóa của Đức lại đang bị tụt hậu nghiêm trọng so với các cường quốc công nghiệp khác.
SPD và đảng Xanh chủ trương tăng thuế, đòi doanh nghiệp phải đóng góp xã hội nhiều hơn, trong khi FDP muốn giảm thuế, giảm trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp. Sẽ không dễ để ba đảng này tìm được tiếng nói chung trong một liên minh.