Nước Đức và tiếng gọi ở Phi châu
Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm Nigeria và Ghana trong khi Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng tới Tanzania và Zambia tuần này. Những chuyến công du cấp tập cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của châu Phi - một khu vực mà trước đây Berlin ít quan tâm.
Khơi dòng năng lượng mới
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến Nigeria vào Chủ nhật (29/10). Đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo nước Đức tới Nigeria kể từ khi quốc gia Tây Phi này thành lập chính phủ mới dưới thời Tổng thống Bola Tinubu.
Trước khi lên đường, Thủ tướng Scholz phát biểu với nhật báo The Punch có trụ sở ở Lagos (Nigeria) rằng Berlin có tiềm năng “hợp tác và đầu tư nhiều hơn nữa” với Abuja, trong đó Đức đang quan tâm đến khả năng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nigeria.
Tờ báo Nigeria dẫn lời ông Scholz cho biết: “Nigeria có nguồn cung cấp khí đốt lớn nhất ở châu Phi. Các công ty Đức quan tâm đến việc cung cấp khí đốt từ Nigeria và mong muốn được hợp tác với các công ty khí đốt Nigeria”.
Đây là lần thứ ba trong vòng 2 năm và là lần thứ hai trong năm nay, ông Scholz công du châu Phi, một động thái cho thấy Đức đang có cái nhìn mới về Lục địa Đen, một khu vực giàu năng lượng mà Berlin trước đây ít quan tâm. Và, chương trình nghị sự của Thủ tướng Đức trong chuyến đi này, với tâm điểm là năng lượng, càng làm sâu sắc hơn nhận định ấy.
Điều này cũng được Tổng thống Nigeria, Bola Tinubu xác nhận. Phát biểu với các phóng viên tại cuộc họp báo chung với ông Scholz thủ đô Abuja, Tổng thống Tinubu cho biết ông đã có "cuộc thảo luận rất sâu sắc" về vấn đề khí đốt và khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư vào đường ống ở Nigeria.
Đức hiện đang nhập khẩu số lượng lớn dầu thô từ Nigeria nhưng chưa nhập khí đốt. Nigeria sở hữu trữ lượng khí đốt đã được chứng minh là lớn nhất châu Phi - ước tính khoảng 5 nghìn tỷ mét khối - và rất quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu của châu Âu sau khi Nga giảm mạnh nguồn cung khí đốt tự nhiên cho các nước EU. Còn Đức lại là một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt từ Nga.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Đức đã quay sang Qatar để mua khí đốt. Nhưng, cuộc chiến giữa Israel và Hamas khiến tình trạng hỗn loạn trở thành nguy cơ tiềm tàng trên khắp Trung Đông và điều này buộc Đức phải tăng tốc hơn nữa trong việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng.
Ngoài khí đốt, Đức cũng hướng tới việc tìm kiếm nguồn năng lượng xanh, cụ thể là hydro, từ châu Phi. Điều này được ông Scholz xác nhận qua phát biểu với các phóng viên tại Nigeria: “Đức có nhu cầu đáng kể về khí đốt tự nhiên và trong tương lai là hydro để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế và quá trình chuyển đổi năng lượng” và Đức cũng đang cùng với Nigeria xem xét “các sáng kiến chung nhằm thúc đẩy thị trường hydro”.
Chuyển hướng châu Phi
Tìm kiếm nguồn năng lượng mới có thể là ấn tượng lớn nhất về chuyến thăm Nigeria và sau đó là Ghana vào ngày 31/10 của ông Scholz. Nhưng, trên thực tế, đây là một phần trong chiến lược chuyển hướng đến châu Phi mà Đức đang thúc đẩy mạnh mẽ, với minh chứng là những hoạt động ngoại giao của Berlin tới Lục địa Đen đang nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Không chỉ Thủ tướng Olaf Scholz, nhiều thành viên khác của Chính phủ Đức hiện cũng có các chuyến công cán châu Phi. Bộ trưởng Nội vụ Đức, bà Nancy Faser và ủy viên đặc biệt về thỏa thuận di cư, ông Joachim Stamp sẽ tới thăm Morocco, trong khi Tổng thống Đức, ông Frank-Walter Steinmeier đang ở thăm hai quốc gia Đông Phi là Zambia và Tanzania.
Nếu bà Faser và ông Stamp bận rộn với vấn đề kiểm soát dòng người di cư từ Bắc Phi tới Đức, thì Thủ tướng Scholz và Tổng thống Steinmeier sẽ tập trung vào mối quan hệ kinh tế của Đức với các nước liên quan đến cải cách sáng kiến "Thỏa thuận với châu Phi" của Berlin trước cuộc họp ngày 20/11 của các nước châu Phi và nhóm G20 tại Berlin.
Đức đã thiết lập một giai điệu mới trong cách tương tác với châu Phi, vì các doanh nghiệp Đức mong muốn trở nên năng động hơn trên lục địa này. Sau những biến động kinh tế vì đại dịch, vì cuộc xung đột của Nga - Ukraine và những áp lực từ cạnh tranh từ Trung Quốc, Ấn Độ cũng như những nền kinh tế mới nổi, các công ty Đức quyết bẻ lái mạnh mẽ sang các nước châu Phi để tìm kiếm tiềm năng kinh tế mới.
Song, mục tiêu của Đức không chỉ là kinh tế. Theo báo DW, Thủ tướng Olaf Scholz cũng thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu với Tổng thống Nigeria, Bola Tinubu cũng như Tổng thống Nana Akufo-Addo của Ghana và Chủ tịch Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), ông Omar Touray.
ECOWAS hiện đang dẫn đầu quá trình hòa giải với chính quyền quân sự ở Niger, lực lượng đã lên nắm quyền sau cuộc đảo chính vào tháng 7 và Đức muốn làm việc nhiều hơn với ECOWAS "để ngăn chặn tình trạng đảo chính sẽ trở thành xu hướng" tại Tây Phi.
Bên cạnh đó, Đức cũng xem châu Phi như một nguồn lao động dồi dào rất cần thiết trong bối cảnh dân số nước này ngày càng già hóa. Stefan Liebing, nhà tư vấn và cựu Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Phi của Đức, cho biết: “Điều này đặc biệt đáng lưu ý với trường hợp của Ghana, nơi có lực lượng chuyên gia công nghệ thông tin đông đảo mà các công ty cỡ vừa của Đức đang khao khát có được”.
Muộn còn hơn không
Theo các nhà quan sát, những động thái can dự sâu hơn cả về kinh tế lẫn chính trị của Đức với châu Phi là bước đi cần thiết, nhưng khá muộn trong bối cảnh Lục địa Đen gần đây đã trở thành “mặt trận” cạnh tranh chiến lược mạnh mẽ giữa các cường quốc.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng đáng kể tại châu Phi. Trang thống kê Statista ước tính, Bắc Kinh đã cho các nước châu Phi vay khoảng 160 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2020, đấy là chưa kể hàng chục tỷ USD viện trợ phát triển. Hiện tại, trong 54 quốc gia châu Phi, có đến 39 nước đã tham gia vào dự án đối tác Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc.
Các cường quốc khác như Pháp, Mỹ cũng hiện diện sâu sắc hơn Đức rất nhiều tại Lục địa Đen.
Pháp trong những thập kỷ qua đã duy trì nhiều căn cứ quân sự ở châu Phi và đóng vai trò lớn về an ninh với châu lục này, nhất là với khu vực Sahel (châu Phi cận Sahara). Cùng với tính chất gần gũi địa lý, sự liên kết về chính trị và văn hóa với những nước cựu thuộc địa, Pháp luôn có ảnh hưởng rõ nét ở Lục địa Đen.
Ngay cả khi các cuộc đảo chính tại khu vực Sahel gần đây khơi dậy tâm lý chống Pháp thì vẫn không thể phủ nhận thực tế rằng cái bóng của Pháp ở châu Phi còn rất lớn. Chẳng hạn như những quốc gia ở đây thậm chí vẫn đang sử dụng đồng franc Trung Phi - một loại tiền tệ được bảo lãnh bởi Kho bạc Pháp.
Trong khi đó, Mỹ đã mở rộng hiện diện quân sự quy mô lớn tại châu Phi sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm triệt phá từ gốc các tổ chức Hồi giáo cực đoan đang mở rộng địa bàn tới lục địa này. Với 2 căn cứ thường trực lớn và khoảng 30 căn cứ không thường trực trải khắp châu Phi, Mỹ đang xem đây là địa bàn chiến lược thứ hai trong cuộc chiến chống khủng bố, sau Trung Đông.
Dĩ nhiên, bên cạnh mục tiêu quân sự, Washington cũng tăng cường các hoạt động kinh tế với châu Phi trong nhiều năm qua. Sau “Đạo luật tăng trưởng và cơ hội cho châu Phi” dưới thời Tổng thống Bill Clinton và “Chiến lược thúc đẩy thịnh vượng, an ninh và ổn định cho châu Phi” dưới thời Tổng thống Donald Trump, Tổng thống Joe Biden cũng đang cho triển khai “Chiến lược châu Phi thịnh vượng” nhằm tiếp tục mục tiêu giúp Mỹ giành lấy ảnh hưởng số 1 tại châu lục này.
Trong nỗ lực thực hiện chiến lược của mình, Mỹ đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng hướng tới châu Phi, đáng chú ý nhất là việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi hồi tháng 12 năm ngoái tại Washington, với sự tham dự của hơn 50 nhà lãnh đạo các nước châu Phi.
Giữa bối cảnh ấy, những nỗ lực của Đức được đánh giá là còn khá khiêm tốn. Nhưng, tiềm năng và dư địa để Berlin cải thiện vị thế trong cuộc đua giành ảnh hưởng ở châu Phi vẫn còn khá nhiều. Và, một trong những dữ liệu đáng chú ý là việc Đức đang là nhà xuất khẩu số 1 của EU tới châu Phi, với 26,4 tỷ euro năm 2022. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Đức và châu Phi cũng cao nhất EU, với 60 tỷ euro nhờ mức tăng tưởng 21% vào năm ngoái.
Hiện tại, các nhà lãnh đạo nhiều nước châu Phi cũng đang muốn châu lục này nắm lấy cơ hội trong công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh của thế giới và đấy cũng là lĩnh vực mà Đức có thế mạnh. Hồi tháng 5 vừa qua, Ngân hàng phát triển KfW của Đức đã ký cam kết cung cấp tài chính cho dự án hydro xanh thí điểm 50 MW ở Algeria như một phần trong mối quan hệ đối tác rộng lớn hơn giữa hai nước, nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng xanh.
Bộ Kinh tế Đức cho biết nước này cũng đang tập trung vào kế hoạch chuyển đổi và mở rộng hành lang đường ống dẫn khí đốt từ Algeria qua Tunisia, Italy và Áo tới miền Nam nước Đức. Algeria đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất hydro tái tạo lớn và xuất khẩu năng lượng xanh sang châu Âu thông qua đường ống này với tham vọng đáp ứng tới 10% nhu cầu của lục địa già.
Những dự án như tại Algeria và nỗ lực mở rộng ảnh hưởng mà Đức đang thực hiện với Nigeria, Ghana hay Tanzania, Zambia cũng chính là cơ hội để Berlin tạo xung lực cho nền kinh tế đang trì trệ của mình. Hoặc, nói như nghị sĩ Anton Hofreiter của đảng Xanh thì đã đến lúc nhận thức rõ ràng rằng “nước Đức - và châu Âu - cần châu Phi nhiều hơn họ nghĩ”.