Nước hưởng lợi nhất ở hội nghị Washington sau Thế chiến I

Mục đích thật của Mỹ là tìm cách củng cố vị trí trên thế giới và ở khu vực Thái Bình Dương.

Hệ thống hòa ước Versailles được thông qua tại Hội nghị Versailles (1919 – 1920) đã không làm thỏa mãn tất cả các nước thắng trận và do vậy, phân chia nội bộ các nước này thành những nước bất mãn và những nước thỏa mãn với hệ thống này.

Những hiệp ước quan trọng

Ngay tại Mỹ, Hệ thống hòa ước Versailles không được Thượng viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm đa số thông qua. Đặc biệt, khi Warren Gamiliei Harding đắc cử tổng thống (4/3/1921), ông này bắt đầu thực hiện đường lối đối ngoại theo hướng nâng cao vị thế nước Mỹ trong các vấn đề quốc tế.

Lễ ký hòa ước Versailles

Lễ ký hòa ước Versailles

Trong tình hình đó, ngày 25/8/1921, Mỹ kí hòa ước riêng rẽ với Đức. Tháng 11/1921, Mỹ mời 8 nước là Anh, Pháp, Italia, Bỉ, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Quốc tham dự Hội nghị Washington. Các đoàn đều do những nhân vật tiếng tăm dẫn đầu: Trưởng đoàn Anh là Bá tước Balfour, Pháp là Briand và Sarraut, Mỹ là Hughes…

Những quyết định quan trọng nhất của Hội nghị Washington thể hiện tập trung ở Hiệp ước 4 nước, Hiệp ước 9 nước và Hiệp ước 5 nước.

Ngày 3/12/1921, Mỹ, Anh, Nhật, Pháp tiến hành kí Hiệp ước 4 nước, “cùng đảm bảo không xâm phạm đến các đảo thuộc địa ở Thái Bình Dương”. Đây chỉ là xác nhận lại về mặt pháp lí việc phân chia thuộc địa đã được tiến hành ở Hội nghị Versailles cho phù hợp với tình hình mới. Nhân dịp này, Mỹ đã gây sức ép với Anh để Anh không gia hạn thêm Hiệp ước Liên minh Anh – Nhật (kí năm 1902), nhằm cô lập Nhật thêm một bước.

Hiệp ước 9 nước được kí kết ngày 6/2/1922 công nhận nguyên tắc “toàn vẹn lãnh thổ và tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc”, đồng thời cũng nêu nguyên tắc “mở rộng cửa Trung Quốc” cho các nước tự do vào buôn bán, thực chất là biến Trung Quốc thành một “thị trường chung” của các nước phương Tây và Nhật.

Giới cầm quyền Trung Quốc khi ấy đã chấp nhận điều khoản và Mỹ là kẻ được hưởng lợi nhiều nhất, do Mỹ tận dụng cơ hội vươn lên hàng đầu về công nghiệp và thương nghiệp, đủ sức loại trừ các đối thủ ra khỏi Trung Quốc bằng một cuộc cạnh tranh bình thường không đổ máu. Hiệp ước 9 nước còn thể hiện rõ sự cấu kết giữa các nước đế quốc nhằm chống lại phong trào giải phóng dân tộc ở Trung Quốc và ở các nước châu Á khác lúc bấy giờ.

Thế giới thêm bất ổn

Cùng ngày 6/2/1922, 5 cường quốc (Mỹ, Anh, Nhật, Pháp, Italia) sau những đấu tranh gay go, đã kí Hiệp ước hạn chế vũ trang và hải quân, nhằm quy định tỉ lệ lực lượng hải quân cho mỗi nước. Theo đó, Mỹ và Anh được quyền ngang nhau về trọng tải tàu chiến là 525.000 tấn; Nhật – 315.000 tấn; Pháp và Italia 175.000 tấn. Các nước cũng quy định tỉ lệ về hai loại tàu chở máy bay và tàu tuần dương.

Như vậy, lực lượng hải quân các nước này không những được duy trì mà còn tăng lên. Tuy nhiên, Nhật và Pháp đều không thỏa mãn vì Nhật bị xếp sau Mỹ và Anh, còn Pháp thì sau Nhật. Anh mất quyền bá chủ trên biển, và nguyên tắc trước kia quy định hải quân Anh phải bằng hải quân nước mạnh thứ hai và thứ ba thế giới cộng lại cũng không còn nữa (tỉ lệ mới là 5-5-3-1).

Hội nghị Washington hoàn toàn có lợi cho Mỹ, trong khi nước Anh phải chấp nhận từ bỏ nguyên tắc “sức mạnh quân sự gấp đôi” đã có từ năm 1914, theo đó hải quân Anh phải có hạm đội bằng hai hạm đội mạnh nhất thế giới cộng lại, đồng thời phải hủy bỏ liên minh Anh - Nhật.

Từ đây, hải quân Mỹ ngang hàng với Anh và vượt qua Nhật. Mỹ còn thực hiện được việc xâm nhập vào thị trường Viễn Đông và Trung Quốc thông qua chính sách “mở cửa”. Với hệ thống hiệp ước Washington, Mỹ đã giải quyết quyền lợi của mình bằng cách thiết lập một khuôn khổ trật tự mới ở châu Á - Thái Bình Dương do Mỹ chi phối.

Kết hợp với Hệ thống hòa ước Versailles, các hiệp ước của Hội nghị Washington đã tạo nên Hệ thống Versailles - Washington. Đó là trật tự thế giới mới mà chủ nghĩa đế quốc xác lập, trong đó ba cường quốc Anh, Pháp, Mỹ giành được nhiều ưu thế nhất và “7/10 dân cư thế giới trong tình trạng bị nô dịch” theo cách nói của Lenin.

Nội bộ phe đế quốc cũng bị phân chia thành những nước thỏa mãn và những nước bất mãn với hệ thống này, tạo nên mầm mống của những cuộc xung đột quốc tế trong tương lai.

Như vậy, sau cuộc chiến tranh thế giới kéo dài bốn năm (1914 - 1918) với những tổn thất nặng nề cho toàn nhân loại, hòa bình đã được lập lại trong một thế giới chứa đựng nhiều mâu thuẫn và bất ổn.

Nguyên Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/nuoc-huong-loi-nhat-o-hoi-nghi-washington-sau-the-chien-i-702789.html