Nước láng giềng với Trung-Ấn nhận 'cảnh báo cấp cao nhất' về hoạt động của TQ tại biên giới
Từ sau căng thẳng Doklam năm 2017, Trung Quốc đã chuẩn bị đường bộ, bãi đáp trực thăng và triển khai binh sĩ gần biên giới Bhutan.
Theo Zeenews, trong khi Trung Quốc triển khai quân đội tới Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) với ý định "chiếm giữa lãnh thổ của Ấn Độ tại Ladakh", binh sĩ Trung Quốc (PLA) cũng được cho là đang có mặt tại một số vùng lãnh thổ của Bhutan. Những nguồn tin nắm rõ tình hình biên giới đã gửi cảnh báo cấp cao nhất cho chính phủ Bhutan về hoạt động của Trung Quốc.
Zeenews cho rằng Trung Quốc đang cố ý khơi dậy vấn đề mâu thuẫn biên giới với Bhutan để gia tăng áp lực ở vùng này.
Từ sau căng thẳng Doklam năm 2017, Trung Quốc đã chuẩn bị đường bộ, bãi đáp trực thăng và triển khai binh sĩ gần biên giới Bhutan. Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã xâm phạm 5 vùng ở lãnh thổ miền Tây Bhutan và tuyên bố đường ranh giới mới nằm 40km phía trong Bhutan.
Phía Ấn Độ tuyên bố PLA xâm phạm lãnh thổ phía nam Doklam vào hồi tháng trước và cho biết Trung Quốc đang gia tăng áp lực lãnh thổ đối với Bhutan.
"Chúng tôi đang theo dõi những diễn biến mới nhất tại biên giới Trung - Ấn và Trung - Bhutan. Từ sau căng thẳng Doklam, PLA đã liên tục tuần hành ở biên giới Trung Quốc - Bhutan và xây đường, cơ sở vật chất quân sự, bãi đáp trực thăng gần biên giới Bhutan," một quan chức làm việc tại cơ quan an ninh trung ương Ấn Độ cho biết.
Mới đây, trong cuộc họp tại Ủy ban Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Trung Quốc còn tuyên bố chủ quyền đối với Khu bảo tồn Động vật hoang dã Sakteng ở Bhutan và phản đối góp vốn cho dự án tại vùng này. Được biết, khu bảo tồn Động vật hoang dã Sakteng nằm ở miền đông Bhutan, sát với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.
Hồi năm 2017, Bhutan, Trung Quốc và Ấn Độ đều liên quan tới căng thẳng biên giới tại cao nguyên Doklam, gần hành lang Siliguri - hay còn được gọi là vùng "cổ gà".
Hành lang Siliguri mang ý nghĩa chiến lược với Ấn Độ và cũng là tuyến đường vận chuyển hàng hóa quan trọng đối với Bhutan.
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền của Doklam dựa trên cơ sở thỏa thuận năm 1890 giữa Anh và nhà Thanh. Trung Quốc cho rằng địa điểm Gipmochi - được đề cập tới trung Điều 1 của thỏa thuận năm 1890 và là cực đông của ranh giới Sikkim-Tây Tạng - chính là vùng cao nguyên Doklam.
Tuy nhiên, Ấn Độ cho rằng các tài liệu nói về chủ quyền và kiểm soát ở Gipmochi là giữa Sikkim và Bhutan. Ngoài ra, Trung Quốc đã liên tục sử dụng chiến lược "hung hăng" để chiếm quyền kiểm soát lãnh thổ trên đất liền và trên biển, đặc biệt tại biên giới với Ấn Độ - Bhutan cũng như đòi hỏi phi lí với chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2019 viết: "Có thể thấy rõ ràng chiến lược của Trung Quốc tại những vùng lãnh thổ và vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như với biên giới Ấn Độ - Bhutan."