Nước lũ sông Hồng dâng cao cả mét, người Hà Nội lo lắng trận lụt lịch sử 2008 lặp lại
5h sáng ngày 10/9, mực nước tại sông Hồng đi qua địa bàn Hà Nội dâng cao cả mét so với thời điểm 2h cùng ngày. Nhiều lo lắng, trận lụt lịch sử năm 2008 lặp lại?
Chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 Yagi, từ 2h sáng ngày 10/9, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội có mưa to đến rất to khiến mực nước tại sông Hồng dâng lên nhanh chóng. Đoạn sông Hồng chảy qua cầu Chương Dương và cầu Long Biên dòng nước chảy siết, cuốn theo nhiều rác từ thượng nguồn.
Quan sát khu vực bãi bồi dưới chân cầu Long Biên cùng những trụ chắn sóng, chắn va đập tại đây, mực nước sông Hồng đã dâng sát ngọn cây và cũng tiệm cận chiều cao của các trụ chắn va đập.
Trong khi đó, tại bến Chương Dương, nước sông Hồng dâng cao trước sự ngỡ ngàng của người dân. Bác Nguyễn Hồng Quân (56 tuổi, trú tại phố Chương Dương Độ) cho biết, nếu mực nước sông Hồng cứ tăng nhanh như hiện nay, thì đây sẽ là trận ngập vượt qua kỷ lục của năm 2008. “Mực nước tăng dần từ hôm 8/9 và tăng chậm trong ngày 9/9. Đến đêm (9/9), từ khoảng 22h mực nước bắt đầu tăng nhanh” - bác Quân thông tin.
Anh Lê Trí Hoàng (41 tuổi, sinh sống tại Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) cũng cho biết, khu vực bến Chương Dương mực nước lũ dâng lên từ chiều tối 9/9, nhưng chậm. Từ khoảng 22h00 ngày 9/9 đến 00h30 ngày 10/9, mực nước đã tăng nhanh từ 20-30cm.
“Cùng đứng một ví trí, lúc 22h, nước mới chỉ đến bắp chân. Nhưng chỉ sau khoảng 1 tiếng đồng hồ, nước đã chạm đến đầu gối” - anh Lê Trí Hoàng lo lắng và cho biết thêm, gia đình làm nghề buôn bán trên phố Chương Dương Độ, hàng hóa còn nhiều trong kho, nước cứ dâng lên tấc nào là thêm mười phần lo lắng.
Mực nước sông Hồng dâng lên nhanh chóng nhấn chìm bến tàu du lịch sông Hồng và khu bãi giữa sông Hồng. Ngay trong đêm 9/9, những hộ dân sinh sống quanh khu vực ven sông Hồng tại địa chỉ ngõ 46 và ngõ 139 Chương Dương Độ, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tức tốc di chuyển đồ đạc, tài sản ra khỏi vùng ngập, đến nơi an toàn.
Nhiều chiếc xe tải trọng lớn đã được huy động đi vào khu vực vùng ngập nước để bốc hàng hóa, di chuyển đến nơi an toàn. Hàng trăm chiếc xe ô tô, xe máy gửi trong bãi giữa sông Hồng cũng nhanh chóng được đánh lái ra khỏi vùng ngập. Mọi người hối hả gọi nhau, người bê đồ, người chỉ đường…
5h sáng ngày 10/9, cập nhật về mực nước sông Hồng tại bến Chương Dương, anh Lê Trí Hoàng cho biết, nước đã dâng cả lên cả mét. Hiện tại, mọi người xung quanh khu vực vùng ngâp vẫn đang cố gắng vận chuyển phương tiện, tài sản đến nơi an toàn…
Đêm 9/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã ban bố lệnh báo động lũ trên sông Cầu tại các xã ven đê thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn. Theo đó, tại thời điểm này, mực nước ghi nhận tại sông Cầu là 8,02m (mức báo động 3 là 8m).
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Sóc Sơn, các đơn vị thuộc địa phận cùng các ngành, cán bộ đã được giao thi hành nhiệm vụ nghiêm chỉnh thực hiện những quy định khi có lệnh báo động 3.
Đồng thời lệnh báo động 3 trên sông Bùi vào khuya 9/9. Theo Ban Chỉ huy, mực nước trên sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt lúc 17 giờ ngày 9/9 là 7m (mực nước báo động 3 là 7m). Do đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố phát lệnh báo động 3 trên sông Bùi tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức.
Trước đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cũng đã phát lệnh báo động lũ cấp 1 trên sông Đáy hồi 20 giờ 40 phút ngày 8/9 tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện: Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức và quận Hà Đông; lệnh báo động lũ cấp 3 trên sông Tích vào hồi 23h20 phút ngày 8/9 tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện: Quốc Oai và Chương Mỹ; lệnh báo động lũ cấp 1 trên sông Cầu vào hồi 23h40 ngày 8/9 tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Sóc Sơn.