Nước mắm Tân Lập tiến tới sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Nước mắm truyền thống Tân Lập. Ảnh: LÊ TRÂM

Nước mắm nhỉ Tân Lập, phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) được Bộ Công thương công nhận và vinh danh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2020. Mới đây, nước mắm nhỉ Tân Lập được chọn là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh.

Sản xuất truyền thống

Nước mắm nhỉ Tân Lập nhiều năm liền được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Sử dụng nguyên vật liệu cá cơm tươi của vùng biển ngoài khơi Phú Yên, ướp với muối biển Tuyết Diêm (TX Sông Cầu), cùng với đó dùng phương pháp gài nén và ủ chượp theo tỉ lệ 3 cá 1 muối…

Ông Phạm Văn Khải, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Tân Lập, cho hay: Ướp cá với muối rồi ủ cá để một thời gian cho thịt cá chín rồi rút lù (bộ lọc, chỗ lấy nước mắm từ trong thùng ra ngoài), lấy nước đầu tiên gọi là “nước máu”. Từ thùng ủ cá người ta đưa “nước máu” đó chuyển sang bể dang nắng. Nước mắm chế biến theo phương pháp truyền thống phải dang nắng từ 7-8 tháng. Đây là yếu tố quyết định đến giá trị dinh dưỡng, mùi, vị của nước mắm. Sau đó, cơ sở mới bắt đầu chiết rót tinh cốt nước mắm nhỉ nguyên chất, có độ đạm tự nhiên gần 300.

Với màu sắc tự nhiên, cánh gián; mùi thơm đặc trưng, vị mặn có hậu ngọt tự nhiên nhưng không chát…, sản phẩm nước mắm Tân Lập sau khi “ra lò” sẽ được phân chia thành nhiều loại theo những mức chất lượng riêng.

Ông Phạm Văn Khải cho biết thêm: “Nước mắm mới nhỏ lù ra có màu trắng lợt, sau đó dang nắng sẽ chuyển sang màu đỏ cánh gián, mà đòi hỏi phải dang đủ nắng, nếu yếu nắng nước mắm có thể trở mùi. Rồi lấy đến nước thứ hai gọi là mắm nhì, mỗi loại có giá bán khác nhau từ 50.000-100.000 đồng/lít”.

Thời gian qua, mỗi ngày, cơ sở nước mắm Tân Lập đóng chai, cung cấp ra thị trường khoảng 500 lít các loại cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh mua về sử dụng hoặc làm quà biếu. Bà Bùi Thị Hiền ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) cho hay: “Gia đình tôi thường ăn nước mắm truyền thống Tân Lập, mùi thơm ngon lưu giữ ở đầu lưỡi”.

Còn bà Tạ Thị Linh ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An) chia sẻ: “Những năm qua, tôi thấy nước mắm Tân Lập thường xuất hiện trên báo, đài nên tôi mua về ăn. Thấy ăn được nên tôi mua về dùng trong gia đình, loại 50.000 đồng/lít thì dùng để nêm canh, loại 100.000 đồng thì dùng chấm rau, dằm cá…”.

Đưa vào sản phẩm OCOP của tỉnh

Qua tìm hiểu thực tế tại cơ sở sản xuất nước mắm Tân Lập, chúng tôi được biết bí quyết giúp cơ sở này khẳng định được thương hiệu của mình nhiều năm qua, đó là sử dụng nguồn nguyên liệu cá cơm sọc đen được đánh bắt tại vùng biển Phú Yên, sử dụng hạt muối trắng Tuyết Diêm và kỹ thuật sản xuất truyền thống. Với trên 35 năm kinh nghiệm, Cơ sở sản xuất nước mắm Tân Lập đã tạo ra dòng sản phẩm nước mắm tinh túy của vùng Gành Đỏ.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) cho biết: Trong 100 sản phẩm vừa được Bộ Công thương công nhận và vinh danh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2020, Phú Yên có 4 sản phẩm được công nhận, trong đó có nước mắm nhỉ Tân Lập.

Thương hiệu nước mắm Tân Lập được Sở NN-PTNT tỉnh chọn lựa đưa vào danh sách sản phẩm OCOP của tỉnh và sẽ tiến hành đánh giá, xếp hạng sao đối với sản phẩm này vào cuối năm 2020. Đây là cơ sở để nước mắm Tân Lập có thêm cơ hội vươn ra thị trường khu vực.

TX Sông Cầu khuyến khích các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP. Thông qua việc đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020, sẽ lựa chọn ra sản phẩm OCOP tiêu biểu, đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm chủ lực của địa phương. Sông Cầu có rượu Quán Đế (xã Xuân Bình), nước mắm Gành Đỏ nói chung, Tân Lập nói riêng. UBND thị xã tổ chức đánh giá các sản phẩm đã đăng ký và nộp hồ sơ đầy đủ, trong đó sản phẩm đạt điểm 3 sao trở lên được tham gia đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm cấp tỉnh.

Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/247910/nuoc-mam-tan-lap-tien-toi-san-pham-ocop-cap-tinh.html