Nước mặn xâm nhập nhiều vườn sầu riêng ở Tiền Giang
Hiện nay, mặn xâm nhập dưới sông Tiền đã bắt đầu đến 'lãnh địa' trồng cây sầu riêng chuyên canh của tỉnh Tiền Giang. Nhiều diện tích sầu riêng ven sông Tiền đã cạn nguồn nước ngọt, đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nếu hạn mặn kéo dài.
Hiện tại, độ mặn trên sông Tiền tại địa bàn xã Phú Phong, huyện Châu Thành là 1,15 gam/lít, tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy là 0,5gam/lít, xã Ngũ Hiệp 0,4 gam/lít. Đối với cây sầu riêng rất mẫn cảm với nước mặn, khi phun tưới nước có độ mặn trên 0,5 gam/lít cây sẽ suy kiệt, nguy cơ rụng lá chết.
Điều đáng lưu ý là tại các xã Phú Phong (huyện Châu Thành), Tam Bình, Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) có hàng trăm ha vườn sầu riêng mà nông dân trồng ven sông Tiền ngoài các hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt. Các vườn cây tại đây chủ yếu sử dụng nước trong mương vườn và ngoài sông Tiền để phun tưới cho cây. Do mặn xâm nhập ngày càng sâu; trong khi đó nguồn nước dự trữ trong mương vườn đang cạn nguồn nên nhiều vườn cây đang thiếu nguồn nước ngọt.
Để cứu vườn sầu riêng đang bị mặn uy hiếp, nhà vườn canh trực đo khi nước mặn trên sông Tiền giảm ở mức cho phép sẽ bơm vào mương vườn hoặc chở nước ngọt từ nơi khác đến. Tuy nhiên, có không ít trường hợp nông dân nóng lòng lại phun tưới cho cây sầu riêng khi nước đã nhiễm mặn.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, nhà vườn ở ấp Bình Chánh Đông, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy nói: “Bây giờ nhờ nguồn nước sông Tiền vô mà nghe mặn đã đóng bọng lại, nếu khả năng còn tưới được thì tưới liều chứ sao bây giờ. Sáng này nước 0.5 gam/lít vẫn tưới chứ sao bây giờ, thấy tưới được thì tưới, chứ 3 ngày nay mới tưới. Hôm qua đo 0,55 không dám tưới, nay hạ chút mới tưới để xả phân. Mai mốt hết nước thì tính khác, mình tạo nguồn, đi mua nước về…Mình không ở phía trong đâu được nhà nước làm cống bao đê. Ở đây do mình tự gia cố, tự chứa nước, ngày nào tưới được thì tưới khi nhiễm mặn cao quá thì thôi”, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung nói.
Đối với các vườn cây sầu riêng hay các loại cây ăn trái khác ở huyện Cai Lậy, Châu Thành, tỉnh Tiền Giang nằm phía Bắc tỉnh lộ 864 được các cống ngăn mặn đóng kín, nguồn nước ngọt bên trong kênh thủy lợi khá dồi dào nên cây đang phát triển tốt, hứa hẹn mùa bội thu.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nuoc-man-xam-nhap-nhieu-vuon-sau-rieng-o-tien-giang-post1082604.vov