Nước mắt của những người mẹ
Phiên tòa kết thúc, 3 bị cáo được dẫn giải ra xe, đưa về trại tạm giam. Dưới cái nắng oi bức của những ngày tháng 4, gần 12 giờ trưa nhưng những người thân bị cáo vẫn đứng lặng lẽ trước cổng tòa nhìn chiếc xe tù rời khỏi sân TAND tỉnh.
Nước mắt lăn dài trên gương mặt của những người mẹ vốn khắc khổ vì cuộc sống, nay lại phải chứng kiến cảnh con mình vào tù vì phạm tội “giết người”.
3 bị cáo đứng trước tòa hôm 17.4 gồm: L.H.T (sinh năm 2002), N.M.T (sinh ngày 6.12.2005) và N.N.A.T (sinh ngày 22.8.2004) bị Viện KSND tỉnh truy tố ra tòa với tội danh “giết người”, mà nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn không đáng có.
Khoảng 19 giờ ngày 3.7.2022, trong lúc lưu thông trên đường, L.H.T, N.M.T và N.NA.T có xảy ra mâu thuẫn với anh N.C.D. Cả 3 dùng dao tự chế chém nhiều nhát vào tay, vai, lưng của anh D gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 69%. Việc anh D không chết là ngoài ý thức chủ quan của các bị cáo.
Đứng trước vành móng ngựa, 3 bị cáo đều có hoàn cảnh đáng thương bởi cả 3 đều lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn. Phía dưới phiên tòa, hoàn toàn không có bóng dáng những người cha của các bị cáo. Bị cáo thành niên duy nhất trong vụ án là L.H.T có cha mẹ đã ly hôn, bị cáo sống với mẹ và em trai trong căn phòng trọ.
Cha mẹ của N.M.T chia tay từ ngày bị cáo chưa đầy tuổi, người mẹ một mình nuôi bị cáo. Còn bị cáo N.N.A.T lớn lên dưới sự nuôi nấng, đùm bọc của ông bà nội đã tuổi cao sức yếu, bởi cha mẹ ly dị từ khi bị cáo còn rất nhỏ.
Trình bày tại phiên tòa, mẹ bị cáo L.H.T không ngừng rơi nước mắt. Khi biết con gây tội, dù đang phải sống cảnh thuê mướn, ở trọ chị vẫn cố gắng vay mượn được 22 triệu đồng để bồi thường cho bị hại. Chị chỉ mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho con mình, để con sớm quay về với gia đình.
Mẹ bị cáo N.M.T tự trách rằng, do một mình vất vả làm việc nuôi con nên chị ít có sự quan tâm đến con cái. T nghỉ học từ khi hết lớp 8, chị dự định cho con đi học nghề nhưng chưa kịp thực hiện. Chị vừa khóc vừa nói: "Chị cũng có lỗi do lo làm ăn mà thiếu sự quan tâm đến con, dẫn đến nó phạm tội, đây là nỗi ray rứt của người mẹ". Biết con phạm tội, chị gom góp bồi thường cho bị hại được 40 triệu đồng, chỉ mong khắc phục lỗi lầm của con.
Nhắc đến cha bị cáo T, chị nghẹn ngào cho biết, từ ngày chia tay, cha bị cáo không hề quan tâm đến con. Khi bị cáo gây án, tòa án có gửi thơ mời nhưng cha bị cáo có đơn xin vắng mặt...
Bà nội của bị cáo N.N.A.T trình bày, khi cha mẹ T chia tay, để cháu nội không phải chịu thiệt thòi nên vợ chồng bà đưa cháu về nuôi. Biết bị cáo thiếu tình thương cha mẹ nên ông bà cố gắng bù đắp, cho T đi học, nhưng đến lớp 10 T nghỉ học; sau đó một thời gian thì phạm tội. Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng không thể bỏ rơi cháu nội mình, ông bà cố gắng kiếm đủ 20 triệu đồng bồi thường cho bị hại, hy vọng bị cáo được giảm nhẹ hình phạt.
Phiên tòa diễn ra trong không khí trầm mặc, những người dự khán phiên tòa đều là người thân, hàng xóm của các bị cáo. Nhận định các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ và bị hại cũng có một phần lỗi, Hội đồng xét xử tuyên phạt L.H.T 12 năm tù, N.M.T 7 năm tù và N.N.A.T 5 năm tù về tội “giết người”.
Nhìn các bị cáo bị dẫn giải rời khỏi phòng xét xử, mẹ bị cáo L.H.T khóc, nói với theo con trai, nhắc bị cáo cải tạo tốt, sớm được khoan hồng, trở về với gia đình.
Nước mắt cũng lăn dài trên gương mặt người mẹ bị cáo N.M.T. Chị lo lắng, bởi bị cáo còn quá trẻ, ở cái tuổi đáng lý ra phải ngồi trên ghế nhà trường hay học nghề lo cho tương lai thì bị cáo phải ở sau cánh cửa trại giam để cải tạo.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nuoc-mat-cua-nhung-nguoi-me-a171785.html