Nước mắt dòng sông
Thời tiết cực đoan, mưa bão ngày càng diễn biến phức tạp. Cùng với hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn âm ỉ, nhức nhối đã làm thay đổi dòng chảy, tác động đến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Trong nỗ lực không ngừng của chính quyền và lực lượng Công an Quảng Trị, nhiều khúc sông đã có những mùa yên ả; những 'vết thương' đã được 'khâu vá' bởi những đoạn kè kiên cố. Nhưng chừng đó vẫn chưa lau khô được 'nước mắt' dòng sông khi còn hàng chục điểm trong tình trạng khẩn cấp, đã phát tín hiệu báo động, kêu cứu.
+ Kỳ cuối: Nhắn với dòng sông
Hỏi bất kỳ ai từng gắn bó bên dòng sông Thạch Hãn, việc phải rời đi là lựa chọn rất khó khăn...
Chúng tôi có mặt tại khu tái định cư (TĐC) Tân Mỹ, nơi bố trí cho hơn 50 hộ của xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) trong diện bị ảnh hưởng nghiêm trọng sạt lở sông Thạch Hãn. Chị Hồ Thị Thanh Hương là một trong những hộ dân đầu tiên chuyển đến xây nhà tại khu TĐC ngay sau sự cố sạt lở nghiêm trọng đêm 16-10-2022. Dù khu vực nhà chị cách hiện trường vài chục mét nhưng không thể chần chừ được nữa. Đếm đi đếm lại nơi ở mới ở vùng đồi đầy nắng gió, hàng xóm của chị Hương tại khu TĐC chưa tới 10 nóc nhà, phần lớn trong số đó cả ngày cửa đóng then cài vì phải mưu sinh nơi khác. Trong nỗi niềm hỏi về kỷ niệm, chị Hương lại day dứt nhớ không khí mát lành từ dòng sông, là cảm giác thoải mái, bình yên khi ngắm mặt sông hiền hòa nhưng tràn đầy mãnh liệt. Đó cũng là ao ước của hàng ngàn hộ gia đình khác khi dòng sông đã là một phần cuộc đời, là mạch nguồn sức sống.
Ông Nguyễn Lộc (xóm Tả Bồi, xã Triệu Giang, H.Triệu Phong) cho biết, do vị trí nhà nguy cơ sạt lở nặng nên đã đăng ký lên khu TĐC của xã nhiều năm trước nhưng dự án gián đoạn. Ông chỉ muốn dự án nhanh khởi động lại để sớm an cư lạc nghiệp dù biết thay đổi môi trường sống là làm lại từ đầu, thiếu thốn đủ thứ. Khắc khoải nhìn ra sông bên kia thuộc xã Triệu Long với đoạn kè kiên cố đã xây xong, ông Lộc ngậm ngùi nhìn hàng tre làm kè của xóm Tả Bồi đang trong tình trạng không trụ nổi, lòi gốc, thân đã ngã chới với. Dù vậy, ông Lộc và bà con vẫn hy vọng nhiều hộ gia đình sẽ thoát được nỗi lo lắng, sợ hãi nếu kịp thời kiên cố hóa bờ kè, ngăn chặn sạt lở. “Vẫn biết kinh phí xây kè không nhỏ, trong khi tỉnh mình còn khó khăn, nhưng đó là lựa chọn hiệu quả và cấp thiết để kịp thời cứu những khúc sông đang lở nặng”, lời người dân cũng như tâm sự với dòng sông trước mặt.
Mang tâm tư này của người dân đến với lãnh đạo chính quyền, chúng tôi cảm nhận đầy sự trăn trở trong nỗ lực ngăn chặn sạt lở của chính quyền địa phương. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, những năm gần đây, do chịu tác động của biến đối khí hậu, tình hình thiên tai diễn ra ngày càng khắc nghiệt, mưa lũ bất thường đã làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tình trạng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở bờ sông Thạch Hãn, nơi có nhiều di tích lịch sử quan trọng của quốc gia. Tình trạng nơi bờ sông sạt lở theo mái gần như thẳng đứng, có nhiều đoạn bị xói lở ăn sâu vào nhà ở của các hộ dân. Hàng năm, bờ sông bị sạt lở trung bình từ 5 đến 10m, lấn sâu vào đất vườn, đất ở, làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sinh hoạt của hơn 5.000 hộ dân sinh sống dọc bờ sông Thạch Hãn. Hiện tại, tuyến kè sông Thạch Hãn mới được tỉnh thực hiện gia cố chân kè dài hơn 2,1 km và gia cố mái 370m tại những vị trí xung yếu để giảm thiểu xói lở. Việc triển khai thực hiện xử lý sạt lở, kiên cố hóa bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thị xã Quảng Trị và H.Triệu Phong là hết sức cấp thiết, để đảm bảo an toàn cho tính mạng của hàng ngàn người dân và bảo vệ các di tích lịch sử quan trọng của quốc gia, cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu vực.
Nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông, ngay trước mùa mưa lũ 2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã có tờ trình đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư báo cáo Thủ tướng xem xét, hỗ trợ kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để đầu tư hoàn thiện tuyến kè bờ sông qua thị xã Quảng Trị và H.Triệu Phong với chiều dài 14,5km. Với giải pháp thiết kế, chân kè gia cố bằng cọc cừ bê tông cốt thép dự ứng lực hoặc bằng lăng thể đá đổ D> 30cm; mái kè gia cố bằng đá lát khan nằm trong hệ khung giằng bê tông cốt thép; đỉnh kè bằng bê tông. Tổng kinh phí đầu tư là 750 tỷ đồng.
Thông tin quan trọng này được chúng tôi chia sẻ với bà con dọc đôi bờ Thạch Hãn. Đã nghe tiếng mừng vui, đầy hy vọng. Chờ đợi này đối với họ là cả niềm khát vọng, là tin tưởng, là hướng về tương lai nặng lòng với dòng sông. Cẩn thận dò bước xuống mép sông, người dân khoát tay lên dòng nước rồi áp lên mặt mình như nói lời chứa chan, thủ thỉ, nhắn gửi cùng sông vững vàng qua từng mùa mưa lũ, lâu dài.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nuoc-mat-dong-song-post284060.html